Wednesday, 30/10/2024 | 20:23 GMT+7

Các thách thức năng lượng với một thế giới 9 tỉ người

30/10/2013

Hội nghị do Hội đồng thế giới về Năng lượng (WEC), có trụ sở tại London, tổ chức 3 năm một lần, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi vì đây là một sự kiện duy nhất trên thế giới bao trùm tất cả các ngành công nghiệp năng lượng khác nhau

Với chủ đề chính “Chuẩn bị từ hôm nay cho năng lượng của ngày mai” (Securing Tomorrow’s Energy Today), Hội nghị thế giới về Năng lượng lần thứ 22 diễn ra từ ngày 13 đến 17/10, tại thành phố Daegu, Hàn Quốc là dịp để lãnh đạo các định chế, các doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu về năng lượng từ 93 quốc gia gặp gỡ trao đổi về các vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với việc tìm ra lời giải cho những thách thức năng lượng - kinh tế - môi trường, trong bối cảnh giới chuyên gia vừa đưa ra những cảnh báo đáng sợ về biến đổi khí hậu trong những thập niên tới.

Tiếng nói của châu Á

Hội nghị do Hội đồng thế giới về Năng lượng (WEC), có trụ sở tại London, tổ chức 3 năm một lần, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi vì đây là một sự kiện duy nhất trên thế giới bao trùm tất cả các ngành công nghiệp năng lượng khác nhau, từ năng lượng hóa thạch, đến năng lượng hạt nhân, hay năng lượng tái tạo. Các đoàn đại biểu từ 140 quốc gia, trong đó có rất nhiều lãnh đạo các tập đoàn năng lượng lớn như Tepco (Nhật), Gazprom (Nga), Shell (Anh - Hà Lan), Saudi Aramco (Arập Xêút) tham gia hội nghị. Việc một thành phố ở châu Á được chọn làm nơi đăng cai sự kiện được ví như “Thế vận hội về Năng lượng” cho thấy châu Á giờ đây có một tiếng nói chủ đạo trong vấn đề năng lượng toàn cầu.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Peter Voser, Chủ tịch Shell cũng nhấn mạnh đến việc “Các nền kinh tế đang nổi lên của châu Á đang bước vào một giai đoạn công nghiệp hóa và đô thị hóa mang tính lịch sử”. Theo đó, chỉ riêng Trung Quốc và Ấn Độ đã chiếm gần hết phần tăng trưởng của nhu cầu thế giới về năng lượng trong 20 năm tới. Mức tiêu thụ năng lượng tăng vọt của các quốc gia mới trỗi dậy đã làm thay đổi một cách sâu sắc các trao đổi thương mại ở quy mô toàn cầu.

ef6e17102_bien_doi_khi_hau.jpg

"Sự phục sinh" của điện hạt nhân đang đứng trước nhiều thách thức

Vào tuần trước, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ thông báo, Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu dầu mỏ số 1 thế giới, vượt qua Mỹ (mặc dù Mỹ vẫn là nước tiêu thụ dầu mỏ nhiều nhất). Trung Quốc hiện tại cũng là nước tiêu thụ hơn một nửa sản lượng than toàn cầu.

Giai đoạn bất trắc chưa từng có về năng lượng

Kể từ Hội nghị thế giới về Năng lượng lần thứ 21 tại Montreal, Canada năm 2010 đến nay, bức tranh năng lượng thế giới đã có rất nhiều thay đổi. Trước tiên phải kể đến “sự phục hưng” được dự báo của năng lượng hạt nhân đầu thế kỷ XXI đã bị thách thức sau thảm họa Fukushima 2011. Nếu như cuối năm 2010, có 120 lò phản ứng điện hạt nhân đã được lên kế hoạch xây dựng trên toàn thế giới, thì đến cuối năm 2012, con số này giảm xuống chỉ còn 102, theo thống kê của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Ngay cả Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng giảm bớt 50GW trong dự báo về công suất điện hạt nhân vào năm 2030 do những thay đổi về chính sách không chắc chắn hoặc nói không với điện hạt nhân của nhiều chính phủ trên thế giới. Tiếp theo đó là sự trỗi dậy bất ngờ và mãnh liệt của việc khai thác dầu khí từ đá phiến tại Bắc Mỹ trong 2 năm trở lại đây trong dòng chảy thương mại khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và giá cả khí đốt trên toàn cầu. Bên cạnh đó là sự phát triển không đồng đều của các loại hình năng lượng tái tạo tại các khu vực khác nhau trên thế giới.

Tổng thư ký Hội đồng thế giới về năng lượng Christoph Frei nhấn mạnh: “Lĩnh vực năng lượng đang ở trong một giai đoạn bất trắc chưa từng có”. Một mặt, nhu cầu năng lượng tiếp tục tăng mạnh, do tăng trưởng kinh tế của nhiều nước ở ngoài khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nhưng bên cạnh đó, áp lực đối với việc thay đổi mô hình năng lượng toàn cầu cũng vô cùng lớn, do những dự báo nghiêm trọng về biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong báo cáo vào cuối tháng 9/2013 của GIEC - nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu.

Theo đó, các chính phủ và các ngành công nghiệp hiện cùng lúc đứng trước 3 áp lực hết sức nhạy cảm. Đó là: vừa phải bảo đảm được nguồn năng lượng trong bối cảnh dân cư thế giới tiếp tục gia tăng mạnh; vừa phải bảo đảm giá cả năng lượng thấp ở mức chấp nhận được và đồng thời gia tăng năng lượng nhưng lại không được làm nghiêm trọng hơn quá trình nhiệt độ trái đất đang nóng dần lên.

Nửa tỉ người không có điện dùng vào năm 2050

Theo các tính toán của WEC, nhu cầu năng lượng thế giới, do dân số và quá trình đô thị hóa gia tăng, đặc biệt tại các nước đang phát triển, sẽ tăng từ 27 đến 61% từ nay đến năm 2050 - khi dân số toàn cầu ước tính sẽ lên tới 9 tỉ người. Trước mắt, trong vòng 2 thập niên tới, đầu tư năng lượng toàn cầu ước tính là 40.000 tỉ USD, tương đương GDP/năm của Liên minh châu Âu, Mỹ và Trung Quốc cộng lại, theo Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Saudi Aramco Khalid A. Al-Falih.

Tuy nhiên, cũng theo tính toán của WEC, con số đầu tư khổng lồ này cũng không giải quyết hoàn toàn được nạn thiếu điện. Vào năm 2050, ước tính còn khoảng 320 triệu đến 530 triệu người không có điện dùng, chủ yếu tại vùng châu Phi phía nam Sahara, so với khoảng 1,2 tỉ người hiện nay.

Cũng theo WEC, cho dù các năng lượng tái tạo tiếp tục phát triển nhanh chóng, thì việc sử dụng các năng lượng hóa thạch gây hiệu ứng nhà kính (dầu mỏ, khí đốt, than đá) vẫn tiếp tục chiếm một tỷ trọng hết sức lớn: khoảng 59-77% vào năm 2050, so với 85% như hiện nay. Dự báo này cho thấy, dù theo kịch bản lạc quan với tỷ trọng sử dụng 59% năng lượng hóa thạch vào năm 2050, nhân loại vẫn không đạt được mục tiêu đưa lượng khí CO2 xuống dưới mức 450 phần triệu (ppm). Đây là mức cho phép khống chế được nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C, là mức mà Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu thuộc Liên Hiệp Quốc cảnh báo không nên để xảy ra vì đó sẽ là một “viễn cảnh kinh hoàng”.

Theo dự báo của hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, đến năm 2020, than đá sẽ trở thành nguồn năng lượng được sử dụng nhiều nhất, vượt qua dầu mỏ, do nhu cầu tăng vọt của Trung Quốc.

Tại châu Á, ngày càng có nhiều đầu tư cho các năng lượng tái tạo, như điện gió, điện mặt trời, nhưng, do giá thành sản xuất còn rất cao, nên vị trí của năng lượng xanh bị giới hạn. Trung Quốc là nước đầu tư ráo riết vào năng lượng mặt trời và điện gió. Theo ước tính của Ngân hàng phát triển châu Á, tỷ lệ năng lượng tái tạo của châu Á sẽ tăng từ 1,9% hiện nay lên tối thiểu là 7,1% vào năm 2034.

Mức độ tiết kiệm năng lượng giảm

Một điều rất đáng lo ngại là các nỗ lực trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng không đạt mức mong đợi. Một nghiên cứu của Adem (Cơ quan Pháp về môi trường và quản lý năng lượng) và WEC (liên quan đến 85 quốc gia, chiếm hơn 90% lượng điện tiêu thụ toàn cầu), vừa được công bố hôm 8-10 cho thấy, tuy ngày càng nhiều quốc gia có các sáng kiến về tiết kiệm năng lượng, nhưng tốc độ tiến bộ được thực hiện đang chậm lại, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2007. Cụ thể là, nếu như số năng lượng cần dùng để tạo ra một đơn vị GDP giảm trung bình 1,3% hằng năm trong thời gian từ những năm 90 của thế kỷ trước đến trước khủng hoảng, thì từ 2008 đến nay, con số này chỉ còn là 0,6%.

Nhiều lý do để giải thích sự suy giảm này: Khủng hoảng kinh tế khiến đầu tư cho việc cải thiện quản lý năng lượng, tỷ trọng gia tăng của các nền kinh tế ngốn nhiều năng lượng, như Trung Quốc, gia tăng việc sử dụng điện - mà việc sản xuất dẫn đến nhiều hao hụt… Nghiên cứu kể trên đề xuất một số khuyến cáo để gia tăng tiết kiệm năng lượng: Giảm trợ giá cho năng lượng hóa thạch, cải thiện hệ thống tính tiền năng lượng (để khuyến khích những người tiết kiệm), lập ra các khoản tài trợ đặc biệt để hỗ trợ các cải cách…

Theo PetroTimes