Saturday, 16/11/2024 | 11:47 GMT+7

Ngành GTVT: Áp dụng tiết kiệm năng lượng “trọn gói”

30/12/2013

Là một trong những ngành tiêu thụ năng lượng lớn, nhất là nhiên liệu hóa thạch phục vụ sản xuất kinh doanh, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã sớm triển khai nhiều hoạt động, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Là một trong những ngành tiêu thụ năng lượng lớn, nhất là nhiên liệu hóa thạch phục vụ sản xuất kinh doanh, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã sớm triển khai nhiều hoạt động, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ông Chu Mạnh Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học – Công nghệ, Bộ GTVT đã có cuộc trao đổi với phóng viên Bản tin TKNL về vấn đề này.
985cf7cd8_tai_xuong_40.jpg
Pv: Xin ông cho biết hiện trạng sử dụng nănglượng trong ngành GTVT hiện nay?

Ông Chu Mạnh Hùng : Theo biểu đồ tiêu thụ nhiên liệu quốc gia thì nhiên liệu chi phí cho vận tải nói chung chiếm tới hơn 50% lượng nhiên liệu tiêu thụ của quốc gia, đây là con số khá lớn, được sắp xếp theo thứ tự 5 lĩnh vực trong ngành: Đường bộ, Hàng không, Hàng hải, Đường sắt, Thủy nội địa. 

Trong đó đường bộ là lĩnh vực có tính xã hội rất cao. Chúng ta có khoảng 2 triệu ôtô và 38 triệu xe máy đang lưu hành tại Việt Nam và theo số liệu kiểm toán ước chừng, hiện nay cả nước tiêu thụ khoảng 15-18 triệu l xăng/năm cho lĩnh vực đường bộ. Ngoài ra, có thể thấy mạng lưới phân phối xăng chủ yếu phân phối cho phương tiện giao thông, mà chủ yếu là cho phương tiện cá nhân. 

Đối với Hàng không, tuy chưa có số liệu cụ thể nhưng trước tình hình đội máy bay ngày càng gia tăng số lượng như hiện nay, sân bay thì được phủ kín trong mạng lưới vận tải hàng không toàn quốc, thì có thể ước chừng số lượng nhiên liệu xăng tiêu thụ cho tàu bay là rất lớn. Bên cạnh đó còn có Hàng hải, Đường sắt, Thủy nội địa, tuy đây cũng là những lĩnh vực góp sức tiêu tốn trong 50% lượng  nhiên liệu tiêu thụ năng lượng của ngành nhưng có phần khiêm tốn hơn. 

Pv: Trước thực trạng này, ông có thể cho biết, Bộ GTVT đã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ) đến giai đoạn nào và đạt kết quả ra sao?

Ông Chu Mạnh Hùng: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng TK&HQ, nhất là trong ngành GTVT, thời gian qua, Bộ GTVT đã triển khai nhiều hoạt động vừa phát triển ngành GTVT vừa góp phần tích cực trong việc nâng cao việc sử dụng năng lượng TK&HQ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nhiều biện pháp đã được triển khai ở các cơ quan đơn vị trong ngành GTVT nhằm tiết kiệm năng lượng trong hoạt động GTVT. Cùng với việc nâng cao ý thức, quy định việc tiết kiệm điện trong quản lý, sản xuất và sinh hoạt, ngành GTVT còn đẩy mạnh nghiên cứu, tổ chức nhằm hợp lý hóa sản xuất, tận dụng tối đa năng lực của máy móc, thiết bị trong GTVT; ứng dụng vận tải đa phương thức, khoán chi phí nhiên liệu. Bên cạnh đó, nhiều kỹ thuật, công nghệ, đổi mới phương tiện nhằm tiết kiệm nhiên liệu được ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh cũng như việc ứng dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong GTVT cũng được đẩy mạnh. 

Cụ thể, đối với Hàng không, bắt đầu từ năm 2012, chúng tôi thực hiện nghiên cứu và áp dụng “Tối ưu hóa đường bay”, được biết trong năm đó, ngành Hàng không tiết kiệm được 20 triệu USD chi phí cho nhiên liệu. Đối với Đường sắt, cũng từ năm 2012, chúng tôi yêu cầu phải xác định định mức tiêu hao nhiên liệu cho từng loại đầu máy và xác định cung trọng vận chuyển hợp lý và hiện vẫn đang trong thời gian nghiên cứu. Kết hợp với đó, chúng tôi đã biên soạn sổ tay Tiết kiệm năng lượng (TKNL) hướng dẫn nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, trong đó yêu cầu rõ: “Trong công tác lập quy hoạch, lập dự án đầu tư công trình giao thông đường bộ, trong hệ thống động lực tàu thủy cho một số loại đầu máy đường sắt hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp trong ngành thực hiện” và đang bàn giao.

PV: Như vậy là Bộ GTVT đã hoàn thành hết những chương trình đã đưa ra?

Ông Chu Mạnh Hùng: Quan điểm của chúng tôi là đưa ra đến đâu, làm đến đấy theo kiểu “trọn gói”. Nhiệm vụ nào làm được là phải làm ngay. Ngoài ra, chúng tôi đã có Thông tư số 64/2011/TT-BGTVT ngày 26/12/2011 của Bộ GTVT quy định biện pháp sử dụng năng lượng TK&HQ trong hoạt động giao thông vận tải giao cho các cơ quan chuyên ngành, các doanh nghiệp vận tải đều phải vận dụng và áp dụng. 

Pv: Các yếu tố như: sự phát triển kinh tế, dân số, sự tăng giảm của giá đất đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tăng tiêu thụ năng lượng trong ngành, Bộ GTVT đã có liên kết như thế nào với các Bộ, ngành khác để giải quyết vấn đề này, thưa ông?

Ông Chu Mạnh Hùng: Như chúng ta đã thấy, việc TKNL trong ngành GTVT liên quan trực tiếp đến những vấn đề như lượng phát thải khí nhà kính, hành động Quốc gia về chống biến đổi khí hậu… vậy nên chúng tôi rất chú trọng việc liên kết với các đầu mối trực tiếp quản lý vấn đề trên. Theo đó, Bộ GTVT đã liên kết với Bộ Công Thương trong việc nghiên cứu, đưa ra công nghệ sản xuất ôtô, hướng dẫn cho các doanh nghiệp sử dụng công nghệ mới. Về kiểm soát lượng phát thải, Bộ Tài Nguyên Môi trường có hệ thống quan trắc quốc gia ở các thành phố, do đó họ có các số liệu về lượng phát thải tại đây một cách chính xác và chi tiết. Từ những số liệu được cung cấp, Bộ GTVT sẽ xây dựng các chương trình sao cho phù hợp với tính chất cũng như thực trạng tham gia giao thông của từng vùng. Tuy các Bộ các Ngành cùng ngồi lại và bàn bạc phương án hành động nhưng tồn tại song song với đó vẫn còn có những khó khăn về cơ chế cũ chưa phù hợp với thực tế, nhận thức của nhiều người sử dụng phương tiện còn hạn chế, kinh phí chậm … làm trì trệ các chương trình.

Pv: Xin ông cho biết hành động cụ thể của Bộ GTVT trong việc sử dụng năng lượng TK&HQ trong thời gian tới?

Ông Chu Mạnh Hùng: Có thể khẳng định rằng chúng tôi đang đi đúng hướng chương trình mục tiêu vạch ra. Đó là chúng tôi đưa ra chương trình TKNL, trong đó quy định định mức tiêu hao năng lượng cụ thể cho từng ngành áp dụng, nhờ vậy mà chúng tôi có những số liệu để kiểm định cũng như quản lý tốt hơn các phương tiện trong mọi lĩnh vực. Cùng với đó, Bộ GTVT tính đến hướng sử dụng năng lượng sạch như việc hướng dẫn các công ty xe bus sử dụng nhiên liệu CNG thay thế diesel, đảm bảo phát thải sạch trong đô thị. Tôi cũng xin chia sẻ thêm rằng, TP. Hồ Chí Minh đã chuyển đổi 70 xe bus sang dùng CNG thay cho diesel, hiệu quả rất tốt. Vậy nên chúng tôi đang hướng dẫn cho doanh nghiệp xe bus tại TP. Hà Nội cũng chuyển từ sử dụng diesel sang CNG. 

Về chiến lược lâu dài, Bộ GTVT giao nhiệm vụ nghiên cứu nhiên liệu sinh học (Biodiesel) thay thế cho các trường như Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, Đại học Hàng Hải. Ví dụ như đối với đầu máy đường sắt, chúng tôi đang xúc tiến để hướng dẫn họ sử dụng Biodiesel sinh học thay cho diesel truyền thống (xuất xứ từ khoáng thạch, dầu mỏ…) được chế biến từ các cây sinh học như jatropha, cây cải dầu, dầu hạt cau, mỡ cá basa… Và sắp tới sẽ đưa ra các chương trình khuyến khích và hướng dẫn các doanh nghiệp sử dụng xăng sinh học như E5 và tiến đến là E10 và nếu đưa ra những loại Biodiesel mới thì chũng tôi chắc chắn sẽ thực hiện khâu ứng dụng, thử nghiệm để đánh giá kết quả một cách nghiêm túc. 

Với những chương trình đã đề ra, hy vọng sẽ có một cơ chế thông thoáng hơn phù hợp với tình hình năng lực thực tế của các cơ quan, có nhiều chương trình khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân sử dụng nhiên liệu tiết kiệm và hiệu quả hơn để họ có thể an tâm cùng với các Bộ, ngành hành động vì một xã hội xanh.

Pv: Xin cảm ơn ông! 
Hạ Viên