Saturday, 16/11/2024 | 06:02 GMT+7
Hai bạn sinh viên lớp K49, khoa Quản trị Kinh doanh, trường ĐH Ngoại thương (Cơ sở 2, TP. HCM) là Đặng Huỳnh Mai Anh và Nguyễn Thị Thùy Dương đưa ra giải pháp về một ngân hàng năng lượng, với ý tưởng độc đáo: Người dùng sẽ được trả tiền, nếu biết tiết kiệm điện.
Cách tính giá điện hiện nay thực hiện theo phương thức: Đặt ra định mức tiêu thụ, khiến người dùng không tiết kiệm điện ở mức tối đa mà chỉ dùng sao cho vừa dưới định mức. Mặt khác, khi người dùng vượt quá định mức thì phải nộp tiền phạt nhưng những người tiết kiệm thì không được khen thưởng, khuyến khích. Giải pháp của Mai Anh và Thùy Dương đã “hóa giải” được “bài toán” này.
Cô bạn nghiên cứu
Mô hình “Ngân hàng năng lượng cho thành phố thông minh” là một trong số rất nhiều công trình nghiên cứu của Mai Anh. Ở trường ĐH Ngoại thương, Đặng Huỳnh Mai Anh là cái tên khá nổi vì luôn có rất nhiều ý tưởng nghiên cứu “xanh” và các hoạt động học thuật. “Lý lịch trích ngang” của cô bạn khiến nhiều người ngưỡng mộ: Đại biểu sinh viên Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh thanh niên thế giới 2012, tại London (Anh); tham gia chương trình: Tìm hiểu về nước Mỹ” dành cho thủ lĩnh sinh viên về vấn đề môi trường toàn cầu, tại Mỹ; dự Diễn đàn thanh niên châu Á – Thái Bình Dương, chủ đề “Các vấn đề miền núi và kế hoạch phát triển đến năm 2015″…
Mai Anh và cô bạn cùng khóa, Thùy Dương, cho biết: “Câu hỏi của chúng mình là, tại sao người dùng vượt quá thì bị phạt trong khi người tiết kiệm thì lại không được gì? “Ngân hàng năng lượng” dựa trên cảm hứng về mô hình ngân hàng tiền tệ, để điều phối cung – cầu tiêu thụ điện. Theo đó, người dùng tiết kiệm sẽ cho người dùng vượt quá định mức “mượn” lượng điện tiết kiệm được của mình để bù đắp phần dùng vượt quá. Bù lại, người dùng vượt quá phải chi trả lãi suất cho những người dùng tiết kiệm”.
Đặng Huỳnh Mai Anh (ngoài cùng, bên trái) và Thùy Dương (thứ hai, từ trái sang) đoạt giải Ba cuộc thi “Go Green in the city” toàn cầu 2014.
Điểm cốt lõi của mô hình này là sự thay đổi trong cách tính toán chi phí điện và hoạt động có khác đôi chút với ngân hàng tiền tệ thông thường. Cơ chế lãi suất chính dựa trên mức độ “có ích” của một đơn vị tiết kiệm, nghĩa là nếu bạn tiết kiệm, trong khi có nhiều người dùng lãng phí thì bạn sẽ được chia nhiều lãi suất hơn. Nhưng nếu tất cả đều tiết kiệm, không ai có nhu cầu “mượn” phần điện tiết kiệm của bạn thì bạn không nhận được lãi suất.
Càng tiết kiệm, càng có lãi
Trong kinh tế – tài chính, ngân hàng được sử dụng như công cụ để điều phối nguồn tiền, mang tiền từ người thừa đến cho người thiếu. Tương tự, với mô hình này, “ngân hàng năng lượng” cũng là nơi điều phối nguồn năng lượng. Mỗi cuối tháng, những người tiết kiệm điện sẽ được trả thêm tiền hoặc điện từ những người dùng điện vượt định mức. Càng nhiều người dùng điện vượt định mức, người tiết kiệm càng được trả nhiều tiền.
Mai Anh và Thùy Dương đã thực hiện khảo sát tại các chung cư ở quận Thủ Đức (TP. HCM), trên phạm vi 1.000 hộ gia đình và một khảo sát sâu khác, với 50 phòng trọ sinh viên, chia thành 2 nhóm: Nhóm áp dụng và nhóm đối chứng để điều tra sự tác động lên hành vi người tiêu dùng. Hoạt động này chủ yếu thu hoạch chỉ số tiêu thụ điện trong 3 tháng gần nhất để áp dụng vào mô hình tính toán kiểm tra khả năng hoạt động.
Theo Mai Anh và Thùy Dương, về mặt kỹ thuật, “ngân hàng năng lượng” được hiện thức hóa bằng các công nghệ tự động hóa, qua môi trường quản lý tương tác điện toán đám mây và Internet. “Ngân hàng năng lượng” hoạt động dựa trên sự bù đắp giữa lượng điện dưới định mức (tiết kiệm) và lượng điện trên định mức (lãng phí) để tạo ra sự cân bằng, hạn chế sự chênh lệch giữa cung và cầu, nên giảm thiểu việc cắt điện. Ngoài ra, khoản lãi suất đóng vai trò như phần thưởng để khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm. Như vậy, khi bạn tiết kiệm, bạn không chỉ cắt giảm chi phí cá nhân mà còn kiếm được tiền từ những người tiêu dùng khác.
Minh họa mô hình hoạt động của “ngân hàng năng lượng”
Trong cách vận hành của mô hình này, hệ thống quản lý và điều khiển điện của mỗi gia đình gồm: Đồng hồ đo điện năng tiêu thụ để theo dõi chỉ số tiêu thụ, các thiết bị cầu dao/công tắc. Hệ thống nội bộ của mỗi hộ được nối với mạng lưới cộng đồng và đưa dữ liệu lên “đám mây”. Người dùng có thể truy cập/truy xuất dữ liệu dựa trên nền tảng “đám mây” qua Internet bằng máy tính hoặc smart-phone để theo dõi chỉ số tiêu thụ, dữ liệu được tính toán bởi “ngân hàng năng lượng” và cho phép tương tác điều khiển, tắt bật điện từ xa.
Qua tham vấn và tiến hành thực nghiệm cùng chuyên gia, cả hai tác giả định hướng mô hình sẽ nhắm đến những cộng đồng nhỏ như: Khu dân cư nhỏ, chung cư hay ký túc xá, khu nhà trọ. Bắt đầu từ nhóm nhỏ và lan rộng bằng hiệu quả minh chứng từ nhóm nhỏ; bằng thay đổi trong cách tính toán ít tốn kém trước, sau đó, áp dụng công nghệ tự động hóa, với sự hỗ trợ của một hệ thống quản lý hoàn chỉnh, trong tương lai gần.
Mô hình “Ngân hàng năng lượng cho thành phố thông minh” của Thùy Dương và Mai Anh đã đoạt giải Ba tại cuộc thi “Go Green in the city” toàn cầu năm 2014, tại Pháp. Mai Anh cho biết: “Từ những quan sát về ý thức tiết kiệm năng lượng, chúng mình đánh giá rằng, ý thức tiết kiệm điện năng tại Việt Nam không đồng đều. Một bộ phận người ủng hộ và tích cực trong việc tiết kiệm nhưng cũng nhiều người không quan tâm hoặc không có động lực tiết kiệm. Người tiêu dùng thiếu những công cụ giúp họ theo dõi, quản lý điện năng tiêu thụ hiệu quả. Việc xây dựng thói quen quản lý sẽ giúp người dân chủ động hơn trong việc giải quyết vấn đề năng lượng. Chi phí, tiêu thụ, cách tính toán rõ ràng hơn thì ý thức tiết kiệm sẽ tăng lên. Giải pháp năng lượng không phải là tìm ra năng lượng mới, không phải công nghệ hiện đại mà quay về là chính con người. Mỗi người là một giải pháp và cũng là nguồn động lực cho người khác tiết kiệm.