Tuesday, 24/12/2024 | 10:27 GMT+7

Điện gió: Tài nguyên bị lãng quên

13/12/2014

Mặc dù đã được đưa vào khai thác ở nhiều địa phương ven biển nhưng thực tế, năng lượng điện gió vẫn còn xa lạ với rất nhiều người và có thể nói, những gì mà điện gió mang đến chưa thực sự xứng tầm với tiềm năng của nguồn năng lượng này.

Mặc dù đã được đưa vào khai thác ở nhiều địa phương ven biển nhưng thực tế, năng lượng điện gió vẫn còn xa lạ với rất nhiều người và có thể nói, những gì mà điện gió mang đến chưa thực sự xứng tầm với tiềm năng của nguồn năng lượng này.
Vì thế, trong một tương lai không xa, khi mà các nguồn năng lượng khác như thủy điện, nhiệt điện hay thậm chí cả điện hạt nhân ngày càng cạn kiệt cũng như khó khai thác thì điện gió thực sự là một giải pháp hữu ích cho bài toán năng lượng điện ở nước ta.
Nguồn tài nguyên vô tận
Theo thống kê của Viện Tài nguyên và Môi trường, nước ta có đặc điểm là có bờ biển dài lên đến hơn 3000 cây số, nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa có địa hình tự nhiên đa dạng, đồng bằng, trung du, cao nguyên, có bờ biển dài... là một lợi thế tiềm năng cho khai thác nguồn năng lượng sức gió. 
Theo khảo sát của các nhà khoa học, năng lượng gió của Việt Nam có tổng công suất đạt 513.360 MW, gấp 200 lần công suất của Nhà máy thủy điện Sơn La và gấp 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020. Các địa phương ven biển như Bình Thuận, Ninh Thuận hay thậm chí cả Lâm Đồng và một phần tại tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng... là những khu vực có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho xây dựng các nhà máy điện gió chạy bằng sức gió. 
Cụ thể, theo những nghiên cứu mới đây của Ngân hàng thế giới, hai vùng giàu tiềm năng nhất để phát triển năng lượng gió của nước ta là Sơn Hải (Ninh Thuận) và vùng đồi cát ở độ cao 60-100m phía tây Hàm Tiến đến Mũi Né (Bình Thuận). Với đặc điểm chính là gió vùng này không những có vận tốc trung bình lớn mà còn có một thuận lợi khác. Đó là số lượng các cơn bão khu vực ít và gió có xu thế ổn định. 

ac219acfa_dien_gio_1.jpg
Đây là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển năng lượng gió. Trong những tháng có gió mùa, tỷ lệ gió Nam và Đông Nam lên đến 98% với vận tốc trung bình 6-7m/s, tức là vận tốc có thể xây dựng các trạm điện gió công suất 3-3,5MW. Có thể nói, với đặc điểm tự nhiên vô cùng thuận lợi như đã nêu, nguồn tài nguyên điện gió ở nước ta là rất lớn, gần như vô tận.
Theo nhiều chyên gia về môi trường, ưu điểm lớn nhất của nguồn năng lượng gió khi khai thác được là bởi đây là nguồn năng lượng xanh, thân thiện với môi trường và không gây ra những tác hại đáng kể tới an sinh xã hội. Bên cạnh đó, năng lượng gió còn được đánh giá cao bởi nó là một trong những nguồn năng lượng tái sinh quan trọng nhất đang và sẽ đóng góp ngày càng lớn vào sản lượng năng lượng của thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Nghĩa là, sau khi xây dựng nhưng hệ thống tuốc-bi để hấp thụ nguồn năng lượng gió, sản lượng điện có thể tái tạo hàng năm, vào những mùa có gió chứ không như những nguồn năng lượng than đá, dầu mỏ thường cạn kiệt dần theo thời gian.
Mặc dù vậy, cũng như nhiều nguồn năng lượng tự nhiên đang được khai thác khác, điện gió cũng có một số nhược điểm nhất định, cần phải giải quyết. Đầu tiên là tình trạng phụ thuộc quá lớn vào tự nhiên. Nghĩa là, nếu như nhiệt điện có thể được tạo ra bởi sự chi phối hoàn toàn của con người hay như thủy điện, tác động của con người cũng rất lớn, bằng hệ thống hồ đập chứa nước. 
Theo đó, ngay cả mùa khô, khi lượng mưa giảm, nước ở những dòng chảy sông ngòi tự nhiên không có, hệ thống thủy điện vẫn có thể hoạt động được, do lượng nước dự trữ trong lòng hồ. Vậy nhưng, điện gió thì lại hoàn toàn không thể hoạt động được nếu ở trong tự nhiên không có gió. Điều này dẫn đến việc sản lượng điện thường xuyên không ổn định, nhất là trong thời gian mà thời tiết có nhiều thay đổi, biến động như hiện nay. 
Vì vậy, dù có xây dựng hệ thống nhà máy, cánh quạt hay đường dẫn hiện đại đến đâu đi chăng nữa mà thời tiết thay đổi, hướng và tốc độ gió biến động thì nhà máy điện gió cũng bị ảnh hưởng. Cũng vì những lý do có tính phụ thuộc vào điều kiện môi trường như trên, năng lượng gió tuy ngày càng phổ biến và quan trọng nhưng không thể là nguồn năng lượng chủ lực, chỉ đóng vai trò thứ yếu mà thôi.
Ngoài ra, một đặc điểm cần lưu ý nữa là khả năng các trạm điện gió sẽ gây ô nhiễm tiếng ồn trong khi vận hành, cũng như có thể phá vỡ cảnh quan tự nhiên và ảnh hưởng đến tín hiệu của các sóng vô tuyến nếu các yếu tố về kỹ thuật không được quan tâm đúng mức. Do vậy, khi xây dựng các khu điện gió cần tính toán khoảng cách hợp lý đến các khu dân cư, khu du lịch để không gây những tác động tiêu cực. Nghĩa là, hầu hết các dự án điện gió ở nước ta chỉ được phép hoạt động ở những khu vực hẻo lánh, hoang vu mà thôi.
Đẩy mạnh phát triển trong tương lai
Theo những ghi nhận thực tế về tình hình điện gió trên thế giới thì trong khoảng mười năm trở lại đây, điện gió phát triển đột biến, ở nhiều đất nước chứ không chỉ riêng Việt Nam. Lý do trước hết nằm ở nguy cơ khủng hoảng năng lượng của các nước đã phát triển. 
Mặt khác, mối quan tâm ngày càng cao của các nước này về bảo vệ môi trường đã tiếp thêm sức mạnh cho những nỗ lực tìm kiếm các dạng năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường, trong đó điện gió hiển nhiên là một ứng cử viên sáng giá. 
Cụ thể, Đức là nước dẫn đầu chiếm hơn 30% tổng công suất điện gió của thế giới. Sau đó là Tây Ban Nha và Mỹ. Ở Anh, số lượng các tuốc bin phát điện bằng sức gió lắp đặt mới sẽ tiếp tục gia tăng trong vòng ít nhất 4 năm tới, mặc dù có nhiều phản đối vì chúng gây tiếng ồn và mất mỹ quan. Điều này sẽ khiến tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp năng lượng gió sẽ gia tăng nhanh hơn dự kiến. 
Năng lượng gió riêng ở Scotland có thể gia tăng nhiều nhất, đạt sản lượng khoảng 6000 MW vào năm 2020 tức là gấp gần 10 lần so với khoảng 665 MW trong năm nay. Các tuốc bin chạy bằng sức gió ở đất liền hiện cung cấp điện cho khoảng 3 triệu gia đình ở Anh và chiếm 5% tổng sản lượng điện của nước này. 
Tại các nước châu Âu, các nhà máy điện gió không cần đầu tư vào đất đai để xây dựng các trạm tuốc bin mà thuê ngay đất của nông dân. Giá thuê đất khoảng 20% giá thành vận hành thường xuyên giúp mang lại một nguồn thu nhập ổn định cho nông dân, trong khi diện tích canh tác không bị ảnh hưởng nhiều.
e608fa73e_wind.jpg
Còn ở Việt Nam, với hai nguồn năng lượng chính là dầu mỏ và than đá nhưng với tốc độ khai thác như hiện nay, những nguồn tài nguyên này chắc chắn sẽ dần cạn kiệt. Vì vậy việc phát triển, khai thác nguồn năng lượng gió có tiềm năng vô tận này ngày càng đóng vai trò quan trọng cho cân bằng năng lượng và an ninh năng lượng của đất nước. 
Để tận dụng triệt để nguồn năng lượng gió thường xuyên tái tạo, cần sớm triển khai chương trình phát triển điện gió. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc phát triển điện gió không hề đơn giản bởi dù tiềm năng thiên nhiên sẵn có nhưng vốn đầu tư để phát triển vẫn còn là một bài toán khó. Nghĩa là, không như thủy điện, việc phát triển điện gió vẫn chưa được nhiều nhà đầu tư quan tâm đúng mức dù Chính phủ đã có nhiều chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển. 
Theo đó, hầu hết các công trình dự án điện gió đều có vốn đầu tư lớn mà thời gian thu hồi vốn lại dài, khiến nhiều doanh nghiệp còn e dè. Một nghiên cứu gần đây cho biết, giá thành có điện gió thường cao hơn so với điện nhiệt và thủy điện. 
Điều này là nguyên nhân chính cản trở, làm chậm quá trình phát triển điện gió, biến nguồn năng lượng này thành những dòng điện có ích phục vụ cuộc sống. Tuy nhiên, như một nhu cầu tất yếu của cuộc sống, nhiều dự án điện gió hiện nay ở miền Tây như Sóc Trăng, Bến Tre cũng đang chuẩn bị hình thành để dần thay thế các nguồn điện khác khi mà vốn đầu tư vào công nghệ điện gió ngày càng trở lên thông dụng, không quá đắt đỏ nữa. Hi vọng, trong tương lai không xa, nguồn năng lượng tự nhiên thân thiện với môi trường này sẽ được đưa vào sử dụng rộng rãi trong thực tiễn cuộc sống ở nước ta.
Theo Người đưa tin