Saturday, 23/11/2024 | 08:58 GMT+7

Cách "tiết kiệm điện" của ông Hai Tam

06/03/2015

Bằng cách thay đổi toàn bộ các bóng đèn đang sử dụng trong gia đình bằng đèn compact; điều chỉnh thói quen sử dụng đồ điện trong gia đình một cách hợp lý, gia đình ông Nguyễn Văn Tam đã tiết kiệm mỗi tháng khoảng 40-45% tiền điện.

Từ cuối năm 2006 đến nay, bằng cách thay đổi toàn bộ các bóng đèn đang sử dụng trong gia đình bằng đèn compact; điều chỉnh thói quen sử dụng đồ điện trong gia đình một cách hợp lý, gia đình ông Nguyễn Văn Tam (ở thôn 1, xã Bình Triều, Thăng Bình, Quảng Nam) đã tiết kiệm mỗi tháng khoảng 40-45% tiền điện. Giảm tiền điện liên tục trong nhiều năm qua, tương ứng 8 triệu đồng đối với gia đình nông dân quả là không nhỏ.

Ông Tam được người dân trong xóm đặt cho cái tên "ông Hai Điện", bởi ông là người đầu tiên bỏ tiền mua dây kéo điện về xóm cho bà con thắp nhờ, và sau này ông cũng là người thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện đầu tiên trong xóm, sau đó nhân rộng điển hình trong cả xóm.

Gặp lúc mùa màng vào dịp thu hoạch, hai vợ chồng ông đang gặt lúa ngoài đồng, con cái đi học cả nên nhà vắng hoe. Ngồi đợi trên bậc thềm chán chê, mãi vẫn không thấy ông về, chúng tôi đành đi quanh vườn ngắm cảnh. Trong chuồng hàng chục con lợn đang kỳ vỗ béo, đàn gà đủ loại lớn nhỏ đang tíu tít đòi ăn, vườn cây ăn quả đến kỳ ra quả cho thấy ông "Hai Điện" chắc là nông dân sản xuất giỏi. Khi mặt trời chập choạng mới thấy hai đứa nhỏ đạp xe đi học về. Vừa chào hỏi xong, chúng vội quẳng cái cặp xuống bàn, lao vào bếp lo chuyện cơm nước, cho heo ăn, lùa gà vịt vô chuồng. Không biết có phải do bận chuyện bếp núc hay do "lệnh" tiết kiệm điện của người cha mà mấy đứa trẻ "quên" chuyện bật đèn lên và quên cả chuyện mời khách vô nhà. Quan sát chung quanh hàng xóm, nhiều nhà cũng chưa lên đèn. Hỏi ra mới biết, quan niệm của người nông dân xóm này thật rõ ràng: Cách tiết kiệm duy nhất là dùng điện hợp lý, đúng lúc và chỉ bật công-tắc khi thật cần thiết. Có lẽ vì thế mà xóm này còn được gọi là xóm tiết kiệm điện.

Trời đã tối hẳn, nhưng vì muốn biết gia đình ông Hai Tam tiết kiệm điện như thế nào nên chúng tôi quyết định ngồi chờ. Mới kéo chiếc xe bò chất đầy lúa vào ngõ, ông đã cười xởi lởi: "Để mấy anh chờ lâu tôi thấy ái ngại và sốt ruột quá! Thông cảm nhé, mùa này bão lụt bất thường, để lúa ngoài đồng không yên tâm nên phải gặt sớm vài ngày". Không rào trước đón sau như thường tình, ông tự nhiên vào đề ngay: "Nhà báo cần gì ở tôi nào?". Vừa nói, ông vừa sai đứa lớn bật đèn lên, rót nước mời khách. Nhà trên, nhà dưới và trong bếp đều thắp một loại bóng đèn compact tiết kiệm điện. Khi biết ý định của chúng tôi muốn tìm hiểu ông tiết kiệm điện ra làm sao, hiệu quả như thế nào, ông Hai Tam ngạc nhiên: "Ai nói cho các ông biết mà lặn lội từ trong tỉnh về đây giờ này vậy? Tôi chẳng có sáng kiến gì ngoài việc làm theo hướng dẫn và khuyến cáo của Điện lực Thăng Bình để tiết kiệm tiền điện cho gia đình mình mà thôi". Và rồi ông chỉ qua mấy nhà lân cận, cho biết họ cũng đã thay thế dần các loại bóng đèn cũ bằng đèn compact tiết kiệm điện rồi. Ông không giấu nổi niềm vui: "Nông dân chúng tôi nhặt từng hạt lúa rơi, mót từng củ khoai thì đâu dám lãng phí thứ gì. Đối với nông dân, giảm được một chữ điện cũng là điều đáng quý. Tiết kiệm điện mang lại hiệu quả thì đâu cần phải nhắc nhở mới làm. Có điều các nhà quản lý kinh tế, kỹ thuật phải hướng dẫn để chúng tôi biết mà thực hiện. Cái gì có lợi thì phải làm, dù không nhiều nhưng đối với nhà nông chúng tôi "tích cóp từng đồng" mới có tiền cho con ăn học".

Theo ông Tam, mặc dù các loại đèn compact đã được bán nhiều tại chợ xã, và nhiều người trong xóm cũng mua về dùng thử, song loại đèn này trôi nổi trên thị trường vừa kém chất lượng, giá lại cao, mua về sử dụng "ba bảy hăm mốt" ngày thì đen dần ở phần sát cái chuôi, rồi tắt ngúm. Ông Tam dẫn chứng, đèn compact loại 1 chữ U giá mua chỉ có 12 nghìn đồng, lúc điện yếu vẫn sáng được, nhưng nếu thắp liên tục thì trong khoảng 1 tuần là "đi tong". Vì vậy, khi điện trong thôn còn chập chờn vì quá tải, người trong xóm thường thắp bóng đèn tròn, rất tốn tiền điện mà độ sáng không nhiều, còn nếu thắp đèn tuýp thì vào giờ cao điểm đèn không sáng được. "Khi Điện lực Thăng Bình nâng cấp bình biến áp trong thôn và tuyên truyền thực hiện chủ trương tiết kiệm điện thông qua việc bán đèn compact, có hướng dẫn và thông báo rộng rãi trên tivi và đài truyền thanh huyện, tôi lưu ý ngay. Đầu năm 2007, tôi bán 5 con gà mua ngay một lúc 10 cái bóng về thay toàn bộ bóng tròn, đèn tuýp trong nhà, còn 5 cái để dành thay thế khi bóng cháy" - ông Tam nói.

Dù phải mua 25 nghìn đồng 1 bóng đèn compact, hơi mắc nhưng theo ông Tam, ưu điểm của nó là rất bền, độ sáng cao, tiêu tốn điện ít. Vậy là ông tin và chỉ vài tháng sau, cả xóm đều bắt chước, thay toàn bộ bóng đèn tròn, đèn tuýp bằng đèn compact. Dù rất tiếc khi phải loại bỏ các bóng đèn cũ, song ông vẫn phải làm vì tính toán thấy có lợi mà điện bật lên lúc nào cũng sáng. Ngoài ra, ông còn mua thêm 1 đèn tích giữ điện phòng khi mất điện vào ban đêm.

Như để dẫn chứng cho lời nói của mình, ông Hai Tam chỉ tay xuống cái đèn đang treo lủng lẳng trong chuồng lợn, cho biết: "Cái đèn này tôi mua lần đầu, đến nay đã 5 năm rồi đấy, những lúc lợn nái đẻ bà nhà tôi chong đèn suốt đêm mà nó vẫn còn sáng tốt, chân đèn vẫn chưa đen". "Ông không sợ mua phải bóng đèn xấu à?". "Xem tivi được biết ngành điện giới thiệu các biện pháp tiết kiệm điện và giới thiệu đèn compact. Lúc đầu tôi cũng ngại, song khi dùng thử thấy tốt và ít tốn điện nên tôi rất thích. Vả lại, tôi xem tivi, người ta bày cho cách chọn mua bóng đèn có nhãn hiệu của EVN được in trên chuôi đèn và ngoài bao bì, lại mua đèn trực tiếp tại Điện lực Thăng Bình thì làm sao mua phải đồ giả được?".

Ông Hai Tam cầm đèn pin dẫn chúng tôi vào sâu trong xóm. Nơi đây hầu hết các nhà đều dùng đèn compact. Bà Giáo đã 86 tuổi nhưng bắt đến 4 bóng, có 1 bóng ở nhà ngang treo toòng teng bên cạnh bóng đèn tuýp cũ chưa kịp tháo bỏ. Điện sáng choang trong nhà, một màu sáng trắng rọi ra tới ngoài sân và sau hè. Bà nói: "Tôi tuổi già, mắt kém nên phải dùng loại đèn này để cần lúc nào thì sáng ngay lúc đó. Hồi trước dùng đèn tuýp, phải bật đèn từ chiều lúc điện còn mạnh thì mới sáng được". Ông Tam làm phép tính nhẩm rồi nói: "sử dụng các thiết bị điện hợp lý, như chỉ bật điện khi có người, ra khỏi nhà thì tắt cầu dao, khi xem tivi thì tắt đèn, không nấu thức ăn bằng bếp điện, không lãng phí nước bởi đó cũng chính là lãng phí điện… thì mỗi tháng gia đình tôi có thể tiết kiệm 40-45% tiền điện, tương ứng 70 nghìn đồng. Như vậy, qua 3 tháng thực hành tiết kiệm chúng tôi lấy lại tiền mua bóng đèn". Bà Giáo cũng cho biết mỗi tháng bà chỉ trả 15-20 nghìn đồng tiền điện thay vì 40 nghìn đồng như thời gian trước.

Từ thực tế dùng điện tiết kiệm của các gia đình trong một xóm nhỏ ở nông thôn, chúng tôi nhớ lại lời khuyến cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Nếu mỗi gia đình chỉ thay một bóng đèn sợi đốt bằng đèn huỳnh quang, compact thì với khoảng 20 triệu gia đình trong cả nước sẽ tiết kiệm 1,1 tỷ kWh điện. Nếu trừ chi phí thay thế bóng đèn sợi đốt và chi phí mua bóng đèn huỳnh quang thì có thể làm lợi mỗi năm hơn 12 nghìn tỷ đồng. Một con số vô cùng lớn, tương đương với việc xây dựng một nhà máy điện 783 MW.

Rất nhiều cuộc hội thảo, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm giảm áp lực thiếu điện bằng con đường tiết kiệm điện, song làm thế nào chuyển biến được nhận thức của người dân để mạnh dạn thay thế ngay những bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn huỳnh quang, compact và nắm được những phương pháp điều chỉnh thói quen sử dụng đồ điện trong gia đình hợp lý, tiết kiệm như những người nông dân ở xóm nhỏ nói trên mới là giải pháp cốt lõi để thực hiện chủ trương tiết kiệm điện.

Theo Cadn.com.vn