Saturday, 23/11/2024 | 02:53 GMT+7

Rosatom nhận định về tiến độ xây dựng nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1

31/12/2015

Ông Andrey Stankevich, Đại diện Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Rosatom cho biết tiến độ các bước đầu tiên trong việc xây Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 phụ thuộc rất nhiều vào việc thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) của nhà máy.

Báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam trình Chính phủ, sau khi có những bổ sung hồi đầu năm 2015. BáoKhoa học & Phát triển đã có cuộc phỏng vấn ôngAndrey Stankevich, Đại diện Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Rosatom - tập đoàn mẹ của Công ty ASE, đơn vị đóng vai trò tổng thầu dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 - về tiến độ xây dựng của nhà máy.
 
Tính đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Ninh Thuận 1 như thế nào?
 
Cho đến nay, hai bên đang thương thảo những hợp đồng liên qua, chẳng hạn hợp đồng khảo sát thiết kế kỹ thuật, khảo sát bổ sung địa điểm. Cùng với đó, hai bên thực hiện những thủ tục hành chính, pháp lý liên quan.
 
Ví dụ, trong thời gian chúng ta đang đợi Báo cáo F/S được phê duyệt, thì Tổng thầu ASE cũng thực hiện những bước hành chính cần thiết để được phép xây dựng ở Việt Nam.
 
Ngày 4/11/2015, Bộ Xây dựng đã có quyết định Cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho Tổng thầu là ASE.
 
Văn bản này mang nội dung: “Cho phép công ty cổ phần ASE, sau đây gọi là nhà thầu pháp nhân Liên bang Nga, được nhận thầu chính thực hiện công việc thuộc dự án xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Bao gồm 2 tổ máy, lò phản ứng loại công nghệ VVER-1200 với điều kiện chiều khoá trao tay theo Hiệp định Liên chính phủ giữa Nga và - Việt Nam, trong thời hạn từ năm 2014-2029”.
 
Qua văn bản này, chúng ta thấy một cơ quan chuyên trách của Việt Nam là Bộ xây dựng, cơ quan giám sát tất cả việc xây dựng tại Việt Nam đã chính thức công nhận năng lực của nhà thầu của Rosatom là công ty AXE, về khả năng có năng lực và được phép thực hiện quản lý dự án và xây dựng.
 
Andrey Stankevich, Đại diện Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Rosatom
Về phía Rosatom tại Việt Nam, những khó khăn trong triển khai dự án là gì ?
 
Hiện nay, chúng tôi chỉ có mong muốn là phía Việt Nam thực hiện những thủ tục quan trọng là phê duyệt Báo cáo F/S. Đó là việc thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ Việt Nam với sự giúp đỡ của những tư vấn độc lập của Việt Nam.
 
Về phía Rosatom, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, trả lời những câu hỏi phát sinh trong quá trình thẩm định phê duyệt.
 
Giả định, thời điểm xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được Việt Nam quyết định vào mùa xuân năm 2016, theo ông, với tiến độ chuẩn bị cho như án như hiện nay có kịp để năm 2019 đổ mẻ bê tông đầu tiên?
 
Thực ra tiến độ những bước đầu tiên của Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, hai bên (Chủ đầu tư EVN và Tổng công ty ASE Việt Nam - thuộc Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nga-Rosatom) đã thống nhất trong một thoả thuận khung hồi cuối tháng 7/2015.
 
Tiến độ các bước đầu tiên phụ thuộc rất nhiều vào việc thẩm định và phê duyệt F/S của nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Hiện nay, tài liệu khả thi đã được các cơ quan chức năng của Việt Nam tổ chức thẩm định ở cấp Bộ và Hội đồng thẩm định cấp nhà nước.
 
Hi vọng, trong 6 tháng đầu năm 2016, sẽ hoàn thành việc thẩm định và Chính phủ Việt Nam sẽ phê duyệt khả thi. Điều này rất quan trọng, bởi sau đó, chủ đầu tư và tổng thầu sẽ ký một hợp đồng liên quan đến thiết kế kỹ thuật của nhà máy theo phiên bản đã chọn trong khả thi.
 
Việc thiết kế kỹ thuật sẽ tiến hành trong khoảng 1,5 - 2 năm, tuỳ thuộc vào khối lượng công việc. Cùng với đó, hai bên sẽ cùng chuẩn bị hồ sơ xin phép sử dụng. Việc này theo kinh nghiệm quốc tế cũng chiếm khoảng 1,5-2 năm.
 
Như vậy, nếu cuối năm 2016, hai bên ký hợp đồng thiết kế kỹ thuật thì 2018-2019 là hai năm chúng ta phải dành cho tiến hành thiết kế kỹ thuật và xin giấy phép xây dựng - ở đây là cho phép đổ mẻ bê tông đầu tiên vào nền móng của Nhà máy Điện hạt nhân. Theo tiến trình này, việc tiến hành đổ mẻ bê tông đầu tiên vào cuối năm 2019 là hoàn toàn có khả năng.
 
Xin cảm ơn ông!
 
Ngọc Diệp (Theo Báo Khoa học phát triển)