Friday, 08/11/2024 | 06:53 GMT+7
Đối với các nước đang chuẩn bị bước lên con đường phát triển nền công nghệ điện hạt nhân, cùng với nhu cầu về đội ngũ nhân lực, cần cả cơ sở hạ tầng pháp lý, pháp quy đầy đủ.
Tầm quan trọng của cơ sớ pháp lý
Yêu cầu cơ sở hạ tầng pháp lý là không thể coi nhẹ được, đặc biệt với dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên như trường hợp nước ta, nhằm đảm bảo rằng công nghệ hạt nhân giữ được an toàn, an ninh và bền vững ngay từ lúc bắt đầu khởi động và kéo dài hàng 50-60 năm khai thác.
Ý kiến trên đây cũng là kết luận của cuộc họp về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân của IAEA vừa diễn ra vào đầu tháng 2/2016 này với sự có mặt của khoảng 80 nhà quản lý cấp cao từ 36 quốc gia thành viên; bao gồm đại diện của các cơ quan chính phủ các nước, các tổ chức chủ sở hữu và vận hành trong tương lai, các cơ quan pháp quy và các tổ chức khác của các nước mới và cả các nước đang sở hữu nhà máy điện hạt nhân.
Tại hội nghị này, ông Milko Kovachev, Trưởng Bộ phận Phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân của IAEA nhấn mạnh: “Bắt tay vào một chương trình điện hạt nhân là một công việc quan trọng; đòi hỏi nguồn lực tài chính đáng kể cũng như trách nhiệm để đảm bảo cơ sở hạ tầng cần thiết". Ở hội nghị các nước lần đầu tiên xây dựng điện hạt nhân, gọi là các “nước hạt nhân mới", như Maroc, Belarus… đều phải đối mặt với một số thách thức quan trọng giống nhau trong phát triển cơ sở hạ tầng như hoàn thiện một chính sách và chiến lược quốc gia cho chương trình, xây dựng khung pháp lý và cơ quan pháp quy hạt nhân độc lập, tăng cường quản lý dự án đồng hành với xây dựng một lực lượng lao động có kỹ năng. Và các thành viên cuộc họp đã thông qua khung IAEA, bản hướng dẫn chính của IAEA về phát triển cơ sở hạ tầng (pháp lý) hạt nhân cho một chương trình điện hạt nhân.
Tình hình cơ sở pháp lý VN?
Dự án về nền công nghiệp điện hạt nhân Việt Nam, cụ thể dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Ninh Thuận đã được đẩy lùi một số năm, nhưng hệ thống cơ sở pháp lý hay các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử nói chung đã bắt đầu được xây dựng gần 10 năm trước và nay vẫn còn phải nghiên cứu bổ sung hoàn chỉnh và ban hành.
Trước hết, Luật Năng lượng Nguyên tử được Quốc hội VN thông qua vào ngày 3/6/2008 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2009. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 07/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Năng lượng Nguyên tử, đặc biệt Nghị định 70/2010/NĐ-CP ngày 22/06/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Năng lượng Nguyên tử về nhà máy điện hạt nhân.
Tiếp theo, từ năm 2012 cho đến năm 2015 đã ban hành một loạt 20 văn bản pháp lý liên quan năng lượng hạt nhân nguyên tử, từ quyết định của Thủ tướng đến thông tư hay quy định của cấp liên bộ và phần lớn của Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong đó, quan trọng là Quyết định số 1756/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật đến năm 2020 phục vụ phát triển điện hạt nhân và Quyết định số 2241/QĐ-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân giai đoạn đến năm 2020.
Ý kiến của những người trong cuộc
Về hệ thống văn bản pháp luật liên quan năng lượng hạt nhân đã được ban hành, ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) có một số ý kiến sau đây.
Ý kiến đầu tiên là từ sau sự cố Fukushima tại Nhật Bản năm 2011, Việt Nam đã chú trọng ban hành nhiều văn bản đảm bảo an ninh, an toàn trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam. Tuy vậy, đến giờ vẫn còn nhiều việc phải giải quyết về mặt quy phạm pháp lý an toàn hạt nhân liên quan đến nhà máy điện hạt nhân. Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân yêu cầu chủ đầu tư phải đủ năng lực để quản lý, đảm bảo an toàn cho nhà máy và cơ quan quản lý phải thực hiện tốt chức năng giám sát. Hiện luật Việt Nam chưa có quy định rõ ràng, hiệu quả cho cơ quan quản lý với chức năng thanh, kiểm tra tính an toàn của nhà máy, hay việc cấp phép chưa đảm bảo nguyên tắc độc lập trong vấn đề quản lý an toàn theo thông lệ quốc tế.
Ông Tấn còn cho rằng: Việt Nam đang nghiên cứu sửa đổi Luật Năng lượng Nguyên tử và nghiên cứu mô hình quản lý giám sát về điện hạt nhân, đảm bảo các quyết định không bị chi phối để nếu nhà máy không đảm bảo an toàn sẽ không được vận hành. Việc xây dựng khuôn khổ pháp lý, một hệ thống văn bản pháp quy như vậy cũng phản ánh nỗ lực của Việt Nam nhằm đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả trong chương trình điện hạt nhân.
Về vấn đề này, ông Phạm Gia Chương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đưa ra quan điểm của mình. Theo ông, hiện nay hệ thống các văn bản pháp luật về năng lượng nguyên tử trong lĩnh vực điện hạt nhân rất đa dạng, không chỉ là các văn bản quy phạm quy định trực tiếp các hoạt động năng lượng nguyên tử, mà còn cả các văn bản quy phạm quy định chuyên ngành thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau có liên quan.
Ông Chương còn đề cập đến việc tham gia các điều ước quốc tế trong phạm trù này. Phát triển điện hạt nhân là một lĩnh vực đặc thù, nhạy cảm nên các quốc gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân nói chung và Việt Nam nói riêng phải tham gia các điều ước quốc tế liên quan đến an toàn, an ninh và bảo vệ thực thể hạt nhân. Hơn nữa, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng khuyến nghị các quốc gia khi triển khai chương trình điện hạt nhân nên tham gia đầy đủ vào các điều ước quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Ông cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất tham gia các điều ước quốc tế khác như: Công ước bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và quy định bổ sung; Công ước viên về trách nhiệm dân sự đền bù thiệt hại hạt nhân; Nghị định thư chung liên quan đến áp dụng Công ước viên và Công ước Paris; Công ước về đền bù bổ sung đối với thiệt hại hạt nhân…
Hiện Việt Nam đã tham gia các điều ước quốc tế như Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân 1982; Công ước về thông báo sớm khi có tai nạn hạt nhân 1987; Công ước về trợ giúp trong trường hợp sự cố hạt nhân hoặc tai nạn phóng xạ 1987; Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện; Hiệp ước thanh sát ký giữa quốc gia và IAEA về việc áp dụng thanh sát theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân 1989; Hiệp định về quyền ưu đãi và miễn trừ đối với IAEA 1967; Hiệp định sửa đổi, bổ sung liên quan đến quy định về trợ giúp kỹ thuật của IAEA 1983; Công ước an toàn hạt nhân 2010; Công ước chung về quản lý an toàn nhiên liệu đã qua sử dụng và an toàn quản lý chất thải phóng xạ 2013.
Đây là các điều ước quốc tế hết sức quan trọng và cơ bản khi Việt Nam thực hiện phát triển điện hạt nhân. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay Việt Nam cần chủ động trong việc triển khai thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, thành lập các cơ quan chuyên trách đủ mạnh để tổ chức thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ đối với các cam kết mà Việt Nam là thành viên.
Cuối cùng, một ý kiến khác mà ông Phạm Gia Chương nêu ra cũng đáng lưu ý. Đó là, khi xem xét tham gia điều ước quốc tế phải cân nhắc các yếu tố như bảo vệ chủ quyền, uy tín quốc gia, bí mật Nhà nước, nhân lực, tài chính, cũng như những ràng buộc sau khi tham gia điều ước quốc tế.
Như trình bày ở trên, cơ sở pháp lý cho dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam nhìn chung đã sẵn sàng. Tuy vậy, sự điều chỉnh và cập nhật bổ sung vẫn không ngừng được quan tâm. Mọi dự án công nghiệp lớn khác cũng vậy, nhưng đối với công nghệ điện hạt nhân còn hệ trọng hơn vì liên quan đến tính mạng của nhiều con người.
Theo Vietnamnet