Friday, 08/11/2024 | 14:33 GMT+7

IEA: Khí thải CO2 từ lĩnh vực năng lượng duy trì ở mức ổn định

19/02/2020

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, năm 2019, lượng khí thải CO2 từ ngành năng lượng đã “ổn định”, dù 2 năm liên tiếp trước đó tăng mạnh. Kết quả này đạt được là nhờ sự phát triển của năng lượng tái tạo và quá trình chuyển đổi nhanh chóng từ than đá sang khí đốt.

Năm 2019, ngành năng lượng đã thải ra 33 triệu tấn khí thải CO2. Trước khi con số này được công bố, người ta đã dự đoán rằng lượng khí thải CO2 từ ngành năng lượng sẽ tiếp tục tăng, theo xu hướng của 2 năm trước đó. 

Tuy nhiên, IEA cho biết, thực tế là lĩnh vực nhiệt điện (sản xuất điện bằng than đá) đã cắt giảm được 200 triệu khí thải CO2, tương đương với 1,3% so với mức của năm 2018. Ngược lại, lượng khí thải do việc sản xuất điện năng từ dầu và khí tự nhiên lại tăng lên tương ứng. 

Nhìn chung, các quốc gia phát triển cắt giảm được 370 triệu tấn khí thải CO2 (khoảng 3,2%/ năm), trong khi đó, các nền kinh tế không phát triển lại thải ra thêm gần 400 triệu tấn khí CO2 trong năm 2019. Đặc biệt, các quốc gia châu Á đóng góp gần 80% con số này, mặc dù, Trung Quốc và Ấn Độ, vốn là hai quốc gia thải ra lượng khí CO2 lớn nhất, đã “kìm hãm” được phần nào tốc độ tăng trưởng. 

Ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành của IEA, cho biết: "Bây giờ chúng ta phải làm mọi cách để đảm bảo rằng mức khí thải của năm 2019 sẽ mãi là mức tăng cao nhất. Chúng ta có thể đạt được điều đó bằng cách sử dụng tất cả công nghệ hiện có".

Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kêu gọi các quốc gia cắt giảm khí thải để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng lên dưới 2 độ C.

Thỏa thuận mang tính bước ngoặt này đã kết nối chính phủ các nước hướng tới mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C. Theo đó, Liên Hợp Quốc tuyên bố, để đạt được điều này, lượng khí thải toàn cầu phải giảm hơn 7,6% mỗi năm cho đến năm 2030. 

Theo IEA, khí thải từ ngành năng lượng ở các nền kinh tế phát triển đã giảm xuống mức chưa từng thấy kể từ cuối những năm 1980, thời điểm nhu cầu điện thấp hơn 1/3 so với mức hiện nay. Thời tiết ôn hòa ở một số quốc gia và tăng trưởng kinh tế chậm hơn ở một số nền kinh tế mới nổi cũng là một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng trên, theo IEA.

Hoa Kỳ ghi nhận mức giảm 2,9%, tương đương 140 triệu tấn CO2. Tại Liên minh châu Âu, lượng khí thải giảm 5% (-160 triệu tấn). Năm 2019, lần đầu tiên khí đốt tự nhiên sản xuất nhiều điện hơn than ở châu Âu, IEA nhấn mạnh. Phát thải từ Nhật Bản đã giảm 4% sau khi các lò phản ứng hạt nhân của nước này được khởi động trở lại trong thời gian gần đây.

“Sự tăng trưởng ổn định của khí thải tạo thái độ lạc quan về khả năng chống biến đổi khí hậu của nhân loại trong thập kỷ này”, ông Birol nhận định. 

Ngọc Diệp (https://www.afp.com/en/news/826/carbon-emissions-energy-flat-2019-iea-doc-1ow89z2+&cd=20&hl=vi&ct=clnk&gl=vn)