Monday, 23/12/2024 | 17:35 GMT+7

Đan Mạch cam kết thúc đẩy năng lượng bền vững tại Việt Nam bằng DEPP3

26/09/2021

Chính phủ Đan Mạch cam kết tài trợ ODA không hoàn lại 60,29 triệu Krone, tương đương 8,96 triệu USD cho Việt Nam thực hiện Dự án “Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020-2025”, Chương trình DEPP3.

Mở rộng hợp tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ) đặc biệt là đối với các doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn tiêu thụ nhiều năng lượng và thực hiện cam kết Thỏa thuận Paris, ngày Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030. Chương trình đã và đang được Bộ Công Thương triển khai tích cực và đồng bộ các hoạt động với mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5 đến 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025 và từ 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 đến năm 2030.
Bộ Công Thương đã phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch thuộc Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch và Đại sứ quán Đan Mạch triển khai Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch, Chương trình DEPP giai đoạn 2017 - 2020. Chương trình đã hỗ trợ hiệu quả cho Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam  và lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 
Kết thúc giai đoạn 2017-2020, các kết quả đã thực hiện của Chương trình DEPP2 được đánh giá rất có giá trị. Chương trình đã đưa ra được các khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy mạnh mẽ nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) và tiết kiệm năng lượng (TKNL), đào tạo nâng cao năng lực kèm các công cụ để thực thi đồng bộ từ khâu lập quy hoạch cho đến vận hành thời gian thực hệ thống điện với tỷ lệ cao nguồn NLTT và nâng cao năng lực và các quản lý thực thi quy định của Luật SDNL TK&HQ. Các kết quả hỗ trợ có hiệu quả cho Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam nói chung và lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói riêng. 
Từ kết quả thành công của Chương trình DEPP2, Chính phủ Đan Mạch tiếp tục tài trợ từ nguồn ODA viện trợ không hoàn lại 60,29 triệu Krone Đan Mạch (tương đương 8,96 triệu USD) hỗ trợ Việt Nam thực hiện Dự án “Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020-2025”, Chương trình DEPP3. Chương trình  sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu chung là nhằm giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết "Đóng góp do Quốc gia tự quyết định" của Việt Nam nhưng với tham vọng và mục tiêu cao hơn. 
Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2019 là một cột mốc quan trọng trong Chương trình Đối tác năng lượng của Đan Mạch
Xây dựng mục tiêu cụ thể cho từng Hợp phần
Chương trình DEPP3 đặt ra mục tiêu hỗ trợ Việt Nam xây dựng lộ trình phát triển carbon thấp cho ngành năng lượng phù hợp với cam kết giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao mục tiêu đóng góp do Quốc gia tự quyết định và tăng cường các giải pháp liên quan vào năm 2025. Chương trình chia thành 03 Hợp phần.
Hợp phần 1: Nâng cao năng lực về quy hoạch dài hạn ngành năng lượng do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương chủ trì thực hiện. Mục tiêu của Hợp phần là nâng cao năng lực về quy hoạch ngành năng lượng và xây dựng cơ chế chính sách, tích hợp nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm cả phát triển điện gió ngoài khơi và các công nghệ tiết kiệm năng lượng là các giải pháp có hiệu quả về kinh tế nhằm thực hiện cam kết NDC đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Hợp phần 2: Nâng cao năng lực tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện do Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương chủ trì thực hiện. Mục tiêu của Hợp phần là xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý và các giải pháp linh hoạt cho vận hành hệ thống điện để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi an toàn và hiệu quả theo hướng sử dụng năng lượng sạch với tỷ trọng các nguồn NLTT tăng lên.
Hợp phần 3: Phát triển carbon thấp trong ngành công nghiệp do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương chủ trì thực hiện. Mục tiêu của Hợp phần là xây dựng các cơ chế khuyến khích để thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ) trong lĩnh vực công nghiệp, nâng cao năng lực xây dựng và sửa đổi khung pháp lý về SDNL TK&HQ ở cấp quốc gia và thực thi hiệu quả quy định pháp luật về SDNL TK&HQ ở cấp tỉnh.
Doanh nghiệp công nghiệp sử dụng năn lượng trọng điểm là đối tượng ưu tiên của Dự án
Đối tượng thụ hưởng của dự án, ngoài các Cục, Vụ của Bộ Công Thương còn có các các Sở Công Thương trên toàn quốc, các trung tâm tiết kiệm năng lượng và các công ty dịch vụ năng lượng; các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến việc quản lý lĩnh vực năng lượng; các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia vào đầu tư nguồn điện; các đơn vị quản lý và và vận hành nguồn điện và lưới điện; khách hàng sử dụng điện; các đối tượng sử dụng năng lượng lĩnh vực dân dụng, công cộng, thương mại.
Trước các thách thức đối với ngành năng lượng của Việt Nam, dự án hỗ trợ kỹ thuật thuộc Chương trình DEPP3 là cần thiết cho Bộ Công Thương nhằm tăng tỷ trọng nguồn NLTT kể cả phát triển điện gió ngoài khơi, cơ hội tham gia thị trường cho nguồn NLTT, xây dựng cơ chế khuyến khích nhằm thúc đẩy mạnh mẽ thực hiện SDNL TK&HQ trong lĩnh vực công nghiệp.
Chương trình DEPP3 sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu của Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển NLTT; Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030” (VNEEP3) cũng như đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo môi trường bền vững, giảm thiểu phát thải carbon.
Các kết quả dự kiến của 03 Hợp phần thuộc Chương trình DEPP (giai đoạn 2020 - 2025) 
Hợp phần 1:
- Bộ Công Thương có khả năng tự chủ trong việc xây dựng các kịch bản của quy hoạch dài hạn hệ thống năng lượng Việt Nam với chất lượng cao thông qua việc xây dựng và xuất bản Báo cáo Triển vọng Năng lượng định kỳ hai năm một lần nhằm hỗ trợ công tác hoạch định chính sách và lập quy hoạch hệ thống năng lượng quốc gia.
- Năng lực của các cơ quan có thẩm quyền để chỉ đạo, quản lý và triển khai phát triển điện gió ngoài khơi được nâng cao.
Hợp phần 2:
- Khung pháp lý để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn và chất lượng, quy định định mức hiệu quả hoạt động của các công ty điện lực để tăng cường tích hợp nguồn NLTT vào hệ thống điện được xây dựng và hoàn thiện.   
- Các giải pháp tập trung vào phía phụ tải và nguồn điện có thể huy động linh hoạt nhằm đảm bảo tăng tỷ trọng tích hợp nguồn NLTT vào hệ thống điện được xây dựng.
- Năng lực vận hành hệ thống điện quốc gia để tích hợp tối ưu nguồn NLTT vào hệ thống điện được nâng cao.
Hợp phần 3: 
- Khung pháp lý về SDNL TK&HQ, thực thi tuân thủ quy định SDNL TK&HQ ở cấp tỉnh được xây dựng và sửa đổi.
- Cơ chế khuyến khích thực hiện SDNL TK&HQ trong lĩnh vực công nghiệp được thiết kế cho một số doanh nghiệp được chọn ở một số tỉnh, lộ trình và kế hoạch hành động triển khai thực hiện cơ chế khuyến khích được hoàn thiện, sẵn sàng để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Cẩm nang công nghệ SDNL TK&HQ cho lĩnh vực công nghiệp và hướng dẫn kỹ thuật cho các ngành/phân ngành công nghiệp được chọn được xây dựng, phổ biến và đánh giá tình hình áp dụng ở cấp tỉnh. 

 Mai Anh