Monday, 20/01/2025 | 16:04 GMT+7

Chiếu sáng học đường tại Hà Nội, sáng hơn tiết kiệm điện hơn

19/07/2011

Tính đến nay, Hà Nội đã hoàn thiện chiếu sáng trường học cho khoảng 2.000 lớp học trên toàn thành phố, trong đó quận Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Long Biên, Thanh Trì, Đông Anh là các quận hoàn thành 100% cải tạo chiếu sáng học đường cấp tiểu học và THCS.

Trước đây, để chiếu sáng cho 1 lớp học, Trường tiểu học Nghĩa Tân - Cầu Giấy - Hà Nội sử dụng 24 đèn huỳnh quang T10-40W, ba lát sắt từ 12W, công suất tiêu thụ 1.284W, độ rọi trung bình 243 LUX. Đèn không có chao chụp, lắp sát trần, gây hiện tượng sấp bóng, loáng quạt.

Sau khi tham gia chương trình chiếu sáng học đường, mỗi lớp học được trang bị 10 bóng huỳnh quang T8-36W, ba lát điện tử 3,5W, độ rọi trung bình đã tăng lên 420 lux, công suất tiêu thụ chỉ là 395W, giảm hơn 3 lần. Đặc biệt, đèn không gây sấp bóng, loáng quạt, chói mắt cho học sinh – đó là một trong những mô hình thành công của chương trình chiếu sáng học đường khi được triển khai trên địa bàn Hà Nội.

384394543_duanchieusang.jpg

Số liệu của Dự án thí điểm chiếu sáng hiệu quả trường học EVN-SEIR-DSM khi khảo sát 405 lớp học của 135 trường tại 27 tỉnh, thành phố trên cả nước năm 2007 cho thấy 100% các phòng học này không đảm bảo chiếu sáng theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7114:2002, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 05:2008. Còn theo khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tại 7 trường tiểu học, 4 trường THCS và 9 trường THPT cho thấy 100% số lớp có độ rọi không đồng nhất ở các vị trí khác nhau trong lớp, 11-50% các phòng học có độ rọi đạt chưa đến 100 lux (độ sáng chuẩn là 300-500 lux). Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ học sinh bị cận thị tăng lên đáng kể hàng năm, trong đó, tỷ lệ cận thị của học sinh nội thành cao gấp 1,8 lần học sinh ngoại thành và có xu hướng tăng lên theo từng cấp học.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các lớp học này không đạt đủ tiêu chuẩn chiếu sáng là do phòng học không bố trí đúng hướng; Cửa sổ, cửa ra vào không đủ ánh sáng tự nhiên, có dùng đèn nhưng bóng đèn chủ yếu là bóng sợi đốt, được gắn sát vào trần nhà, không đủ độ rọi, không bố trí đúng tiêu chuẩn thiết kế dẫn đến chói lóa, ngược sáng hoặc sấp bóng. Học sinh do đó phải thường xuyên điều tiết thị giác, căng mỏi mắt dẫn đến cận thị.

Trước tình trạng đó, kể từ năm 2006, UBND TP. Hà Nội đã phối hợp với Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông thực hiện chương trình “Chiếu sáng học đường bảo vệ mắt học trò” trên địa bàn toàn thành phố. Theo đó, chương trình đã bắt đầu triển khai một số mô hình chiếu sáng mẫu cho các lớp học mẫu trên địa bàn thành phố bằng cách không lắp trực tiếp bóng đèn vào trần nhà mà lắp thêm máng đèn để học sinh và giáo viên không nhìn thấy bóng đèn, gây chói mắt. Bên cạnh đó, đèn được treo cách mặt phẳng làm việc khoảng 2,15m nhằm đảm bảo độ rọi đồng đều, không bị loáng quạt. Để đảm bảo độ chiếu sáng tốt nhất cho phòng học, sơn tường đều được thay đổi bằng sơn trắng hoặc vàng nhạt.

Sau một thời gian triển khai, giải pháp hạ thấp độ cao treo đèn đã giúp giảm được số đèn so với cách treo sát trần từ 2-3 bóng/phòng học. Bên cạnh đó, đèn huỳnh quang loại T8 ba phổ còn giúp tiết kiệm được 10% điện năng so với bóng đèn huỳnh quang thường. Máng đèn bằng thép được sơn tĩnh điện tạo mặt phẳng phản quang, phân bố ánh sáng hợp lý, tăng độ rọi hữu ích lên mặt bàn học khoảng 30%. Ngoài ra, bóng đèn còn được sử dụng chấn lưu điện tử giúp đèn không bị nhấp nháy, cho ánh sáng đồng đều, giúp học sinh không bị mỏi mắt, đồng thời giúp tiết kiệm điện năng từ 20-60% so với chấn lưu thường.

Không chỉ mang lại hiệu quả chiếu sáng cao, cách lắp đèn theo mô hình này còn mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét. Theo ông Đỗ Hải Triều - Trưởng ban Kỹ thuật và Marketting - Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông: "Với cách lắp với bóng đèn và balát sắt từ truyền thống, chi phí chiếu sáng cho mỗi lớp học là 1,3 triệu đồng và tiêu thụ 2.340 kWh/năm, nhưng với mô hình chiếu sáng học đường, chi phí cho lắp đặt hệ thống khoảng 6-7 triệu đồng nhưng lượng điện năng tiêu thụ chỉ khoảng 823 kWh/năm, do vậy số tiền chi phí mua thiết bị có thể được hoàn vốn sau hơn 1 năm".

Tính đến nay, Hà Nội đã hoàn thiện chiếu sáng trường học cho khoảng 2.000 lớp học trên toàn thành phố, trong đó quận Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Long Biên, Thanh Trì, Đông Anh là các quận hoàn thành 100% cải tạo chiếu sáng học đường cấp tiểu học và THCS.

Tại Trường tiểu học Nguyễn Du, Hà Đông, Hà Nội trước đây mỗi lớp học sử dụng 6 bóng đèn sợi đốt công suất 100W để chiếu sáng với độ rọi trung bình 68lux. Sau khi tham gia chương trình chiếu sáng học đường, trường đã tiến hành thay thế bằng 11 bóng đèn huỳnh quang T8, tổng công suất 434W. Với hệ thống chiếu sáng mới mỗi lớp đã tiết kiệm được 27% điện năng tiêu thụ, độ rọi tăng 5 lần, vừa đảm bảo chiếu sáng, vừa giúp tiết kiệm khoảng trên 2 triệu đồng tiền điện/tháng.

Dù đã có nhiều nỗ lực trong triển khai dự án nhưng ông Đỗ Quang Hòa - Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội nhận định: “Với các trường trong nội thành, việc áp dụng chiếu sáng công cộng không quá khó do có thể huy động được đóng góp từ phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, với các trường ở ngoại thành, điều kiện còn nhiều khó khăn, với suất đầu tư cao, UBND thành phố cần phải hỗ trợ nhiều hơn cho các trường để thực hiện dự án này”.

Theo Ven.vn