Thursday, 14/11/2024 | 22:50 GMT+7

Nguồn năng lượng gió biển

06/03/2012

Từ trung tâm TP Bạc Liêu về nhà máy điện khoảng 20 km, gió lồng lộng. Càng gần biển, gió càng thổi mạnh. Anh Lâm Vôl, Trưởng ấp Biển Đông A tươi cười nói: “Vùng đất này giàu tôm, cá, đước và cả gió nữa. Những cơn gió biển bay bổng chúng tôi thời thơ bé, giờ tôi mới biết gió còn làm ra điện”.

Từ trung tâm TP Bạc Liêu về nhà máy điện khoảng 20 km, gió lồng lộng. Càng gần biển, gió càng thổi mạnh. Anh Lâm Vôl, Trưởng ấp Biển Đông A tươi cười nói: “Vùng đất này giàu tôm, cá, đước và cả gió nữa. Những cơn gió biển bay bổng chúng tôi thời thơ bé, giờ tôi mới biết gió còn làm ra điện”.
053b71ad4_bac_lieu.jpg
Trụ turbine đầu tiên của nhà máy điện gió Bạc Liêu

Đó là nhà máy điện gió đầu tiên ở ĐBSCL, tại ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), công suất 99,2 MW, do Cty TNHH Xây dựng-Thương mại - Du lịch Công Lý đầu tư 4.500 tỷ đồng, dự kiến phát điện đầu năm 2012.

Chúng tôi đứng trên cầu Giáp Ranh phóng tầm nhìn ra biển. Xa xa, chiếc turbine gió đầu tiên sừng sững giữa biển với 3 cánh quạt lớn. Đây là một trong 10 chiếc turbine gió đầu tiên thuộc giai đoạn một của dự án điện gió Bạc Liêu. Giai đoạn hai sẽ lắp đặt 52 turbine vào năm 2013, tạo thành một quần thể điện gió hài hòa, đẹp mắt trên diện tích 500 ha. Mỗi turbine hoạt động độc lập, tạo ra dòng điện có công suất 1,6 MW và 62 trụ có tổng công suất 99,2 MW. Điện năng sản xuất 310 triệu kwh/năm. Ban quản lý Dự án cho biết, 5 chiếc turbine đầu tiên sẽ hoàn thành vào đầu năm 2012 và có thể phát điện hòa lưới quốc gia.

Hàng chục chiếc xà lan lớn nhỏ cập quanh trụ turbine để hoàn tất xây trụ móng. Khoảng trăm công nhân ngày đêm làm việc dưới sự giám sát kỹ thuật chặt chẽ của chuyên gia nước ngoài. Chúng tôi chú ý đến con kênh đào giữa lòng biển dài 1,5 km, nối cầu Giáp Ranh với trụ móng. Con kênh này giúp kỹ sư, công nhân ra công trình bằng ca-nô khi nước thủy triều xuống. Cạnh đó, một chiếc cầu bằng cây tràm dài khoảng 1 km mà anh em công nhân gọi là “cầu tràm dài nhất Việt Nam” để dự phòng khi kênh đào cạn nước, công nhân vẫn có thể ra trụ turbine làm việc. Phía trong đất liền, khu điều hành nhà máy điện 10 ha đã định hình gồm hệ thống văn phòng, nhà xưởng, thông tin liên lạc, mương cáp…

Ngước nhìn chiếc turbine vút lên trời xanh, cánh quạt quay chầm chậm, tôi thắc mắc: “Quay như thế có đủ phát điện không?”. Kỹ sư Huỳnh Anh Minh, Phụ trách kỹ thuật khẳng định: “Đủ. Chuyên gia nước ngoài khảo sát gần một năm cho thấy bờ biển Bạc Liêu có lượng gió mạnh, ổn định để sản xuất điện lâu dài. Nhà máy này sẽ giảm phát khí thải nhà kính khoảng 190.000 tấn CO2 mỗi năm”.

Turbine gió được tập đoàn General Electric của Mỹ sản xuất, cung cấp và lắp đặt. Cột turbine làm bằng thép đặc biệt không rỉ, cao 80 m, đường kính 4 m, đặt trên trụ bê tông hình bát giác đường kính khoảng 17 m, xây cách bờ biển từ 300m đến 1.000 m. Mỗi turbine có 3 cánh quạt, mỗi cánh dài 42 m, làm bằng nhựa đặc biệt như cánh máy bay, có một hệ thống điều khiển giúp cánh quạt tự gập lại để tránh bão lớn bất ngờ.

Anh Dương Quang Lộc, đại diện của chủ đầu tư, cho biết: “Đây là một dự án mở, chúng tôi mới sử dụng 10 km trong tổng chiều dài 54 km bờ biển Bạc Liêu nên còn có thể mở rộng nhà máy điện gió lớn hơn nhiều lần”. Khi hoàn thành, mỗi chiếc turbine hoạt động độc lập, có hai kỹ sư theo dõi thường xuyên và hàng trăm công nhân vận hành. Diện tích bờ biển, người dân vẫn sản xuất, đánh bắt hải sản bình thường.

Nhà máy điện gió Bạc Liêu sẽ còn có khu du lịch rộng 5 ha, gồm nhà hàng, nhà nghỉ, khu vui chơi giải trí… Sẽ có những chiếc cầu nối đất liền với các trụ turbine cắm giữa biển để khách tới tham quan. “Khi hoàn thành cả 62 trụ turbine sẽ như một vườn hoa turbine vươn trên sóng biển, rất đẹp”, anh Dương Quang Lộc hào hứng.



Theo Tiền Phong