Thursday, 31/10/2024 | 02:27 GMT+7

Đầu tư vào năng lượng sạch vẫn chưa đủ

14/06/2012

Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA đã kêu gọi tiếp tục hỗ trợ 36 nghìn tỉ USD cho ngành công nghiệp này tới năm 2050.

Cho rằng các khoản đầu tư vào năng lượng sạch trên thế giới vẫn chưa đủ, tuần qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA đã kêu gọi tiếp tục hỗ trợ 36 nghìn tỉ USD cho ngành công nghiệp này tới năm 2050.

Trong bản báo cáo Các Triển vọng Năng lượng tái tạo dài 700 trang của mình, Giám đốc điều hành IEA Maria van der Hoeven cho biết các Chính phủ và ngành công nghiệp tư nhân cần phải làm nhiều hơn nếu thế giới muốn hiện tượng nóng lên toàn cầu được giữ ở mức mà hầu hết các nhà khoa học cho rằng có thể chấp nhận được.

Bà van der Hoeven cho biết: "Thất bại liên tiếp của chúng ta trong việc nhận ra đầy đủ tiềm năng của công nghệ năng lượng sạch là điều đáng báo động”. Theo bà, "với các chính sách hiện hành, cả nhu cầu năng lượng cũng như hoạt động xả thải đều có khả năng tăng gấp đôi vào năm 2050."

ec4c316b2_solarwindenergy.jpg

Tính trên cả thế giới, trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch năm 2011 cao gấp 7 lần so với dành cho nhiên liệu tái tạo. Báo cáo kêu gọi Chính phủ các nước đặt mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo cao hơn, định giá hoạt động phát thải khí carbon dioxide và chấm dứt trợ cấp cho nhiên liệu hoá thạch.

Bà van der Hoeven cho rằng "Tài chính dành cho các yếu tố trong công cuộc chuyển đổi sang năng lượng sạch hiện còn quá ít”.

Khoản tiền 36 nghìn tỉ USD có vẻ là một con số lớn, song thực tế nó chỉ cao hơn 35% so với số tiền mà thế giới sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng tới năm 2050.

IEA nhấn mạnh rằng các khoản đầu tư thêm – tương đương với 130 USD/ người/ năm - có thể làm giảm chi phí năng lượng của thế giới tới 150 nghìn tỷ USD vào năm 2050 bởi sẽ không cần phải dùng tới số tiền này để mua thêm dầu mỏ, than đá hoặc khí đốt.

Nguồn cung cho hầu hết các hệ thống năng lượng tái tạo - gió, mặt trời, nhiệt - đều là miễn phí, trong khi đó, hệ thống nhiên liệu hóa thạch yêu cầu phải có nhiên liệu liên tục, chủ yếu tới từ một số ít các quốc gia giàu tài nguyên.

Bản báo cáo chỉ rõ rằng “tiếp tục phụ thuộc quá nhiều vào một số ít các công nghệ và nhiên liệu hóa thạch là mối đe dọa lớn đối với an ninh năng lượng, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và phúc lợi toàn cầu, cũng như môi trường”.  

Một số người cho rằng công nghệ tái tạo không thể nhân rộng đủ để đáp ứng nhu cầu năng lượng của thế giới. Song IEA tin rằng năng lượng tái tạo có thể làm được việc này nếu được đầu tư đúng cách.

Theo bản báo cáo, "chính sách có thể mở ra tiềm năng công nghệ nhằm đảm bảo một tương lai năng lượng bền vững cho hành tinh của chúng ta”.

Báo cáo cũng cho rằng trong khi quang năng và phong năng đã phát triển đáng kể trong vài năm trở lại đây thì các công nghệ khác đang bị sao lãng.

Việc thiếu những bước tiến trong công nghệ và sử dụng năng lượng hiệu quả nhằm kiểm soát phát thải carbon dioxide và cũng như trong việc giữ chúng dưới lòng đất đang đặc biệt đáng báo động - nhất là khi thế giới vẫn sẽ có thể tiếp tục phụ thuộc vào than đá.

Đến năm 2025, IEA hi vọng năng lượng thay thế như gió, địa nhiệt, và ánh nắng mặt trời sẽ tiếp tục chiếm phần lớn hơn trong tổng số năng lượng trên thế giới, khi đó, so với các nguồn năng lượng này, khí gas tự nhiên cũng sẽ không còn được coi là năng lượng sạch nữa.

Điều đó đặt ra "câu hỏi xung quanh khả năng tồn tại lâu dài của các nguồn đầu tư vào cơ sở hạ tầng khí đốt nếu thế giới đạt được các mục tiêu về biển đổi khí hậu”.

Lê My (theo CNN)