Theo lộ trình được đề ra, đến tháng 12-2014, xăng sinh học Ethanol E5 phải được sản xuất, phân phối, chế biến, và chính thức đi vào kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ tại 7 tỉnh, thành phố. Thế nhưng, hiện nay, thị trường xăng sinh học E5 nội địa vẫn chưa xác định được chỗ đứng.
Hiện nay, thị trường xăng sinh học E5 nội địa vẫn chưa xác định được chỗ đứng.
Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH) sáng 16-5, tại Hà Nội, Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ – Bộ Công Thương Nguyễn Phú Cường cho biết: Do khó khăn về thị trường tiêu thụ trong nước, phần lớn các sản phẩm NLSH của các nhà máy phải xuất khẩu với giá thấp, trong đó giá bán không đủ bù chi phí giá thành khi giá Ethanol thế giới xuống thấp, còn giá nguyên liệu sắn trong nước đạt tiêu chuẩn sản xuất NLSH lại tăng thêm 2.000 đồng/kg.
Hệ quả là không chỉ nhà đầu tư của cả 7 dự án sản xuất NLSH Ethanol E100 trên cả nước đang “méo mặt” khi các nhà máy hoạt động với công suất cầm chừng 20%, thậm chí phải ngừng sản xuất như Công ty Cổ phần Đồng Xanh hay tính đường rút khỏi dự án như trường hợp của Itochu Nhật Bản.
Hiện nay, thị trường xăng sinh học E5 nội địa vẫn chưa xác định được chỗ đứng. Chẳng hạn, đi vào hoạt động từ tháng 4-2012, nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu tại Bình Phước của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã sản xuất được 13,677 triệu lít cồn.
Tuy nhiên, lượng sản phẩm bán nội địa được 9,099 triệu lít, xuất khẩu được 0,1 triệu lít. Trong quý I-2013, nhà máy sản xuất được 2,607 triệu lít nhưng bán nội địa được 1,890 triệu lít và xuất khẩu được rất ít 0,3 triệu lít.
Tương tự, nhà máy tại Bình Sơn (Quảng Ngãi), quý I-2013 cũng sản xuất được 5,505 triệu lít nhưng không xuất khẩu được và bán nội địa chỉ được 0,566 triệu lít. Trong khi đó, nhà máy sản xuất Ethanol sinh học tại huyện Tam Nông (Phú Thọ) có công suất thiết kế 100 triệu lít Ethanol nhiên liệu/năm dự kiến đi vào hoạt động từ cuối năm 2012, nhưng do khó khăn về vốn đầu tư và tiêu thụ sản phẩm rất chậm nên dự án hiện đang tạm dừng.
Để tháo gỡ khó khăn về mặt cơ chế chính sách, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cũng yêu cầu Vụ Thị trường trong nước – đơn vị đang được Chính phủ giao sửa đổi dự thảo Nghị định 84 về quản lý kinh doanh xăng dầu để các DN kinh doanh xăng dầu có thể kinh doanh xăng E5 thuận lợi.
Còn theo DN tham gia sản xuất, phân phối xăng sinh học E5 để sản phẩm này được tiêu thụ rộng rãi, thì một số chính sách thuế như: thuế nhập khẩu trang thiết bị, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT cần được ưu đãi. Ông Hoàng Mạnh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, chính sách thuế hiện nay đối với nhiên liệu sinh học là tương đối hoàn chỉnh, từ nguyên liệu đến tiêu thụ sản phẩm cuối cùng.
Những kiến nghị của DN chưa được thực hiện sẽ tiếp tục nghiên cứu để đề xuất cấp trên xem xét hỗ trợ hợp lý, đẩy mạnh tiêu thụ xăng sinh học ra thị trường.
Theo Tapchikinhdoanh