Wednesday, 30/10/2024 | 22:22 GMT+7

Ngành công nghiệp sinh học ở Việt Nam: Đã hình thành nhưng vẫn còn khó khăn

16/07/2013

Lộ trình bắt buộc sử dụng xăng E5 tại 7 tỉnh, thành phố lớn chỉ còn khoảng 18 tháng nữa là có hiệu lực.

Lộ trình bắt buộc sử dụng xăng E5 tại 7 tỉnh, thành phố lớn chỉ còn khoảng 18 tháng nữa là có hiệu lực. Thế nhưng, ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học ở Việt Nam vẫn gặp khó ở cả khâu triển khai các chính sách, nhà máy hoạt động cầm chừng, công tác truyền thông vẫn chưa được triển khai sâu rộng… Phóng viên Báo điện tử Petrotimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phú Cường, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Bộ Công Thương để rõ hơn về vấn đề này.
 
42ef75de1__dsc0922ds.jpgPV: Từ khi Chính phủ phê duyệt "Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025" (Đề án 177, phê duyệt năm 2007); đến nay lộ trình thực hiện đề án này đã tiến triển đến đâu, thưa ông?

Ông Nguyễn Phú Cường: Thứ nhất về văn bản pháp luật, các chính sách ưu đãi, các hướng dẫn về thủ tục đầu tư; việc xây dựng lộ trình bắt buộc sử dụng, áp dụng các tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống và một số các văn bản quy phạm khác đã tạo hành lang pháp lý để hình thành và phát triển ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học ở Việt Nam.

Thứ hai, chúng ta cũng đã triển khai một loạt các nghiên cứu thử nghiệm tiếp thu công nghệ. Đến nay các cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam cũng đã làm chủ được công nghệ sản xuất ra nhiên liệu sinh học, công nghệ phối trộn nhiên liệu sinh học với trình độ tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới. Các nhà máy sản xuất có công nghệ thuộc thế hệ mới, các loại phụ gia xúc tác cũng là những loại phụ gia an toàn và bảo vệ môi trường. Các loại nguyên liệu thế hệ mới cũng đã bước đầu được nghiên cứu, thử nghiệm và sẽ được triển khai ở quy mô lớn hơn trong thời gian tới. Các hệ thống trạm trộn, phân phối sử dụng các công nghệ rất hiện đại, kết nối hệ thống với các kho và tổng kho.
Ông Nguyễn Phú Cường, Phó vụ trưởng 
Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương

So sánh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines hay Trung Quốc, Ấn Độ; các hệ thống của ta có trình độ công nghệ tương đương với các nước tiên tiến. Điều đó chứng tỏ vai trò của công tác nghiên cứu đã được đẩy mạnh và thu được một số các kết quả nhất định.

Từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đến nay chúng ta đã hình thành được ngành công nghiệp sinh học. Năm 2009 bắt đầu có sản phẩm nhiên liệu sinh học được sản xuất và kinh doanh ở quy mô thương mại. Có thể nói rằng ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học Việt Nam đã hình thành và bước đầu phát triển tuy còn gặp một số khó khăn. Hiện nay, có gần 169 cửa hàng kinh doanh xăng dầu bán xăng E5 (xăng có pha với ethanol nhiên liệu).

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng như Sài Gòn Petro đã đầu tư khác hệ thống trạm trộn ở tại các kho đầu mối, các tổng kho và các điểm kinh doanh xăng dầu lớn tại Đình Vũ (Hải Phòng), Nhà Bè (TP HCM) hay Cần Thơ, Trà Nóc…

Việc tuyên truyền phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức của cộng đồng bước đầu đã có một số hiệu quả nhất định. Tuy nhiên trong thời gian tới việc tuyên truyền phải đẩy mạnh hơn để nhiên liệu sinh học trở thành một sản phẩm phổ dụng trong toàn xã hội, góp phần vào việc đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

PV: Bên cạnh việc tuyên truyền thì lộ trình bắt buộc sử dụng xăng sinh học cũng đã được đưa ra là đến cuối năm 2015 xăng E5 sẽ được sử dụng trên toàn quốc và xăng E10 sẽ được sử dụng vào năm 2017. Tuy nhiên hệ thống 13.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu chưa có chuẩn bị cho việc tiêu thụ xăng sinh học. Cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Bộ Công Thương sẽ khắc phục cơ sở hạ tầng như thế nào?

Ông Nguyễn Phú Cường: Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 53 về phê duyệt lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống với mục tiêu là tạo dựng thị trường tiêu thụ nhiên liệu sinh học. Song song với việc tuyên truyền, chúng ta cần có cơ chế bắt buộc, đây là bài học kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới. Việc xây dựng một lộ trình để từng bước thay thế nhiên liệu truyền thống bằng nhiên liệu có phối trộn là việc các quốc gia đi trước đã từng làm.

b7d32c196__xang_e5_tai_cay_xang_dong_my_thanh_tri_ha_noi.jpg

Bán xăng E5 tại cây xăng Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội

Khi Thủ tướng ban hành quy định vào tháng 11/2012, ngay sau đó Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã ban hành kế hoạch cụ thể để thực hiện lộ trình, yêu cầu các cơ sở đầu mối kinh doanh xăng dầu, các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng kế hoạch chi tiết. Đến ngày 31/5/2013 hầu hết các đơn vị đã có kế hoạch chi tiết về việc xây dựng lộ trình. Sau khi tìm hiểu bài học của các nước có trình độ, điều kiện khí hậu, hệ thống phân phối tương đồng giống Việt Nam như Thái Lan, Philippines… và kinh nghiệm triển khai một số điểm bán đầu tiên từ năm 2009 tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM thì thấy rằng việc thay đổi các hệ thống phân phối hiện giờ không quá mất nhiều thời gian. Vì chỉ cần lắp thêm một số thiết bị giúp cho việc đảm bảo chất lượng của xăng E5 hoặc E10 không bị hiện tượng nhiễm nước không phải là khó. Điều này được chứng minh bằng thực tế trong việc triển khai của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong giai đoạn vừa rồi.

Cho đến nay các đơn vị như Petrolimex, PV Oil, Sài Gòn Petro đều có kế hoạch chi tiết để thực hiện lộ trình và các đơn vị đều có cam kết đảm bảo thực hiện đúng lộ trình trên. Thậm chí có một số tỉnh như Quảng Ngãi còn đăng ký làm vượt trước thời gian quy định. Điều này tùy vào từng địa phương, khi chính quyền địa phương cùng chung tay thực hiện thì tôi nghĩ là sẽ đảm bảo về mặt thời gian.

Tôi nghĩ từ giờ đến tháng 12/2014 vẫn còn đủ thời gian cho các đơn vị triển khai trên 7 tỉnh, thành phố. Mặc dù chúng ta phải thay đổi từ cái cũ sang cái mới nhưng tôi tin rằng các tính toán trong lộ trình của Chính phủ đã có cân nhắc đến thời gian để các đơn vị kịp chuẩn bị.

PV: Việc phối trộn xăng E10 sẽ thiếu nguồn nguyên liệu sắn, vậy nếu lộ trình bắt buộc này được thực hiện thì việc đảm bảo nguồn nguyên liệu sẽ được quan tâm như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Phú Cường: Năm 2012, Việt Nam xuất khẩu xấp xỉ 2,3 triệu tấn sắn khô và tính đến 15/6/2013, Việt Nam xuất khẩu trên 1,2 triệu tấn sắn khô. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta xuất khẩu nguyên liệu thô và nhập khẩu sản phẩm chế biến là xăng dầu. Vậy thì cần phải có một chính sách giữ lại nguyên liệu thô để chế biến tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ cho xã hội và góp phần giảm phụ thuộc vào xăng dầu nhập khẩu. Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta có chính sách tốt thì chúng ta không thiếu nguyên liệu cho sản xuất xăng sinh học.

Bước đầu lộ trình cũng đã tính đến việc phổ biến xăng sinh học E5, E10 tại các thành phố lớn trước, sau đó mới đến vùng sâu, vùng xa. Vì vậy tôi nghĩ rằng nguyên liệu sẽ không bị thiếu. Vì với 2,3 triệu tấn sắn, chúng ta xuất khẩu thì đã làm được xấp xỉ 800.000 tấn cồn 100o (tức là ethanol 100).

PV: Thưa ông, những nhà máy nhiên liệu sinh học đã cho ra sản phẩm đang phải hoạt động cầm chừng, hướng giải quyết nào trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Phú Cường: Tôi cho rằng công tác truyền thông có vai trò vô cùng quan trọng trong giai đoạn hiện nay, quyết định sự thành bại của sự phát triển công nghệ nhiên liệu sinh học ở Việt Nam. Chúng ta cũng cần làm tốt hơn trong việc quy hoạch và điều tiết thị trường nguyên liệu. Như vậy, vai trò của việc xây dựng các chính sách để điều tiết, kiểm soát, không để cho nguyên liệu thô bị chảy ra nước ngoài; phải coi nguyên liệu sắn như một nguyên liệu thô cần phải giữ lại thay vì xuất khẩu.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo PetroTimes