Lộ trình bắt buộc sử dụng xăng E5 tại 7 tỉnh, thành phố lớn trong cả nước đã cận kề, loại nhiên liệu sinh học (NLSH) chủ chốt này muốn đưa ra thị trường tiêu thụ rộng rãi lại không hề dễ dàng, những vướng mắc gặp phải hiện nay, tầm cỡ một doanh nghiệp không thể giải quyết được.
Khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ
Chúng ta đều biết, các nguồn năng lượng sơ cấp của Việt Nam hiện rất hạn chế. Trong thời gian ngắn tới đây, vấn đề thiếu hụt năng lượng là tất yếu sẽ xảy ra và điều quan trọng đối với đất nước là phải có năng lượng chứ không phải là giá rẻ nữa. NLSH chính là đáp án bù đắp cho chỗ thiếu hụt đó, đồng thời góp phần bảo vệ, gìn giữ môi trường bởi vì NLSH ít gây hại với môi trường và mục tiêu hết sức quan trọng khác nữa là góp phần giúp đỡ bà con nông dân, đặc biệt là những hộ trồng sắn có đầu ra nhanh hơn, ổn định hơn, cuộc sống đỡ khó khăn hơn.
Thực tế việc sản xuất và kinh doanh, phân phối NLSH tại Việt Nam trong thời gian qua đã và đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Ở giai đoạn khởi đầu, giá thành sản xuất còn cao, phần lớn là do lương thực toàn cầu tăng mạnh, nguyên liệu sắn lát đầu vào vì thế cũng tăng mạnh kéo theo giá xăng E5 chưa thể rẻ hơn so với xăng truyền thống. Người tiêu dùng chưa có nhiều thông tin về loại nhiên liệu mới này nên còn phát sinh tâm lý dè dặt, lo lắng khi sử dụng cho các phương tiện của mình. Giá dầu thô và các sản phẩm xăng dầu trên thế giới cũng liên tục biến động tăng, việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm NLSH sẽ làm tăng chi phí đáng kể cho doanh nghiệp, dẫn đến kết quả là kinh doanh thua lỗ, tình hình kinh doanh xăng E5 vốn đang khó khăn như hiện nay lại càng khó khăn hơn.
Đến nay, Nhà nước vẫn chưa có các cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể cho NLSH nói chung và xăng sinh học nói riêng, ngoài việc Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho NLSH. Mặc dù chiến lược, chương trình thúc đẩy phát triển sản xuất và sử dụng NLSH theo hướng bền vững, trên cơ sở đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề xã hội... đã có từ 5 năm qua.
Khó khăn của các dự án NLSH cần được tháo gỡ ở hầu hết các khâu từ vốn, giống đầu tư cho vùng nguyên liệu đến phương thức thu mua, dự trữ và bảo quản; từ đầu tư phát triển hệ thống phân phối, quảng bá sản phẩm đến chính sách dài hạn hỗ trợ tiêu dùng; từ chính sách thuế nhập khẩu thiết bị vật tư phục vụ tồn trữ, vận chuyển, pha chế, phân phối đến các loại thuế phí như thuế môi trường đối với phần xăng nền dùng để pha chế xăng E5, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 đưa vào lưu thông, thuế VAT đối với sản phẩm đầu ra E100 của các nhà máy NLSH.
Kinh nghiệm nước ngoài
Trên thế giới, hầu hết những quốc gia hướng đến phát triển NLSH đều có các hình thức khuyến khích thông qua những ưu đãi về thuế, phí và nhiều chính sách hỗ trợ khác vào giai đoạn đầu.
Tùy thuộc hoàn cảnh của mỗi nước, động lực phát triển NLSH được đặt theo thứ tự quan trọng khác nhau. Động lực chính của NLSH tại Mỹ và EU là tăng cường an ninh năng lượng và giảm khí thải độc hại, trong khi đó, tại các nước đang phát triển là nâng giá trị gia tăng của nông nghiệp và tăng thu nhập cho nông dân.
Brazil là quốc gia sử dụng NLSH rộng rãi và triệt để nhất hiện nay. Với 8 triệu ha trồng mía nguyên liệu, hơn 500 nhà máy đường ở Brazil hầu hết đều sản xuất ethanol để pha vào xăng. Chính phủ Brazil dành một nguồn lực tài chính khổng lồ và những chính sách công phù hợp, ưu đãi khiến cho sản phẩm xăng sinh học ở đây có sức cạnh tranh lớn nhất thế giới.
Mỹ cũng có chương trình hỗ trợ sản xuất ethanol cho các nhà máy chế biến với những chính sách ưu đãi đặc biệt bao gồm các khoản tín dụng thuế cho doanh nghiệp, hỗ trợ Nhà nước cho nghiên cứu và phát triển, khuyến khích sản xuất thông qua hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt (khoảng 2,5 nghìn đồng/lít) và thuế đặc biệt đánh lên ethanol nhập khẩu (khoảng 3 ngàn đồng/lít). Bên cạnh đó là việc giảm thuế nhập khẩu ethanol, đề ra những nguyên tắc sử dụng pha chế ethanol với xăng và những đạo luật về việc chế tạo động cơ, ôtô có khả năng sử dụng hỗn hợp E15 và E85.
Philippines là quốc gia tiên phong ở châu Á, các chính sách phát triển NLSH của Philippines được triển khai đồng bộ với sự tham gia của các bộ, ngành về nông nghiệp, năng lượng, thương mại và giao thông vận tải. Để hỗ trợ cho chương trình NLSH, bên cạnh việc khuyến khích đầu tư thêm các nhà máy NLSH, Philippines đang áp dụng thuế nhập khẩu ở mức 10% đối với ethanol và 3% đối với Bio-diesel ít nhất cho tới năm 2015 nhưng miễn thuế nhập khẩu đối với sản phẩm đến từ các nước thành viên ASEAN. Cũng để hỗ trợ ngành sản xuất ethanol trong nước, Chính phủ Philippines quy định các công ty xăng dầu phải mua hết sản phẩm sản xuất trong nước trước khi tìm đến nguồn nhập khẩu. Tuy xăng dầu được áp dụng theo cơ chế thị trường, các chính sách giá bán tối thiểu vẫn được áp dụng với sản phẩm trong nước.
Thái Lan đặt mục tiêu trong 10 năm (2012-2021) NLSH sẽ thay thế 80% lượng dầu mỏ nhập khẩu. Để hỗ trợ chương trình phát triển NLSH, hiện Thái Lan đang áp dụng chính sách trợ giá cho E20 thấp hơn M95 khoảng 9,5 cents/lít được trích từ quỹ xăng dầu quốc gia. Bên cạnh đó, để khuyến khích sử dụng E20, Chính phủ Thái Lan áp dụng mức chiết khấu cao hơn 1,58 cents/lít so với M91. Vào tháng 1/2013, Chính phủ Thái Lan đã yêu cầu các công ty dầu dừng cung cấp xăng RON91 và thay thế bằng E85.
Nhìn từ các quốc gia đã đi trước trong việc phát triển NLSH, rõ ràng rằng, để thị trường NLSH Việt Nam có thể hình thành và phát triển mạnh thì Nhà nước cần phải có chính sách ưu đãi riêng cho cả người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh NLSH.
Rất cần ưu đãi
Những chính sách được các doanh nghiệp đề xuất lên Chính phủ tập trung vào việc nâng cao nhận thức cộng đồng về NLSH bằng một chương trình mang tính quốc gia; hỗ trợ vốn, tín dụng cho phát triển trồng sắn nguyên liệu, nghiên cứu các loại giống sắn mới chất lượng tốt và kỹ thuật canh tác hiện đại và chuyển giao cho nông dân áp dụng để nâng cao năng suất; miễn thuế nhập khẩu thiết bị vật tư phục vụ tồn trữ, vận chuyển, pha chế, phân phối NLSH; miễn thuế môi trường đối với xăng pha cồn E5, giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 đưa vào lưu thông; áp dụng mức thuế suất VAT bằng 0% đối với sản phẩm đầu ra E100 của các Nhà máy NLSH; áp thuế nhập khẩu sản phẩm E100 (20-30%) để bảo hộ thị trường sản xuất trong nước; trợ giá xăng sinh học để kích cầu người tiêu dùng; tăng cường kiểm tra chất lượng xăng pha etanol để bảo đảm lòng tin cho người tiêu dùng.
Theo PetroTimes