Saturday, 23/11/2024 | 04:34 GMT+7

Khơi dậy thị trường tiết kiệm năng lượng Đông Nam Á

10/09/2013

Tiết kiệm năng lượng rõ ràng là giải pháp hiệu quả nhất về kinh tế để thúc đẩy an ninh năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu và cải thiện sức cạnh tranh trong công nghiệp.

Tiết kiệm năng lượng rõ ràng là giải pháp hiệu quả nhất về kinh tế để thúc đẩy an ninh năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu và cải thiện sức cạnh tranh trong công nghiệp. Tăng cường tiết kiệm năng lượng chắc chắn sẽ giúp hệ thống năng lượng của thế giới bền vững hơn cả về kinh tế và môi trường. Nhìn ở góc hẹp hơn, sử dụng năng lượng hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh trong thị trường. Tuy nhiên, tại sao đến nay ở Đông Nam Á (ĐNA) phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa đánh giá cao điều này? Đâu là rào cản cho thị trường EE (hiệu suất năng lượng) ở ĐNA? Làm thế nào để vượt qua những rào cản này? Đó là những câu hỏi mà báo cáo “Market potential in energy efficiency in southeast asia” (Tiềm năng thị trường cải thiện hiệu suất năng lượng ở Đông Nam Á) đặt ra để đi tìm lời giải.

4fb358a8c_tuyphong.jpg

Báo cáo tập trung khảo sát tại Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, năm nước chiếm tới 86% tổng GDP của ASEAN năm 2010 và có thị trường lớn cho các sản phẩm và công nghệ EE. Dựa trên dữ liệu phỏng vấn với nhiều doanh nghiệp bao gồm các nhà cung cấp công nghệ EE, các công ty dịch vụ năng lượng (ESCOs) và người sử dụng sản phẩm EE, báo cáo kỳ vọng đưa ra khuyến cáo hữu ích cho các bên liên quan trong ngành công nghiệp EE tại ĐNA.

Rào cản phát triển thị trường EE?

Với nhu cầu năng lượng đang gia tăng mạnh mẽ ở ĐNA, các chương trình hiệu suất năng lượng (EE) có tiềm năng lớn đối với khu vực và mở ra những cơ hội kinh doanh mới. Báo cáo dự báo đến năm 2020 các nước ĐNA có thể đạt được hiệu suất tiết kiệm khoảng 12-30%, nghĩa là khoảng 119-297 TWh, tương đương với 15-43 tỷ USD. Tuy nhiên thị trường này hiện vẫn còn nhiều rào cản mà các chính phủ cũng như ngành công nghiệp cần vượt qua.

Theo đó, nghiên cứu đã liệt kê ra 4 khó khăn chính ngăn ngản sự khởi sắc của thị trường EE trong khu vực, bao gồm:

Thiếu các tiêu chuẩn và chính sách

Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, sự ủng hộ của chính phủ về mặt chính sách và các tiêu chuẩn đối với thị trường EE hiện chưa đủ. Ngoại trừ Singapore và Thái Lan đã có những có những chính sách khá toàn diện hỗ trợ áp dụng công nghệ EE, khảo sát ở các nước khác cho thấy các chính sách hỗ trợ thường chưa tương xứng với mục tiêu tiết kiệm năng lượng đề ra.

Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ năng lượng ở nhiều quốc gia trong khu vực được các doanh nghiệp đánh giá là đã che giấu giá trị thực của năng lượng và vì thế giảm động lực để các công ty đầu tư vào EE.

ffdae1d28_khidotnga.jpg

EE chưa phải là mục tiêu ưu tiên

Rõ ràng việc các công ty không mấy mặn mà với EE cũng là một nguyên nhân khiến thị trường này đến nay chưa được khởi sắc. Các sáng kiến EE vẫn chưa được coi là cách thức tốt nhất giúp các công ty giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh, đặc biệt là đối với các công ty mà chi phí năng lượng không chiếm phần lớn tổng chi phí đầu vào. Cũng vì thế mà các khoản đầu tư cho EE thường bị đưa xuống cuối danh sách đầu tư tài chính và thường bị lấn lướt bởi các khoản đầu tư quan trọng hơn đối với chiến lược kinh doanh của công ty.

Khoảng cách trong kỳ vọng giữa nhà cung cấp và người sử dụng

Tình trạng được phản ánh khá phổ biến trong khu vực là sự chênh lệch trong kỳ vọng giữa nhà cung cấp và người sử dụng EE. Người sử dụng cho rằng các nhà cung cấp chưa dành nguồn lực cần thiết để quy hoạch và thiết kế hệ thống EE cẩn thận trong khi họ thiếu các thông tin về sáng kiến EE có thể áp dụng.

Điều này được các nhà cung cấp lý giải là do người sử dụng thường không mua sản phẩm và dịch vụ của họ sau khi họ hoàn tất quá trình đánh giá năng lượng. Đồng thời, nhiều khách hàng không thể cung cấp các dữ liệu chính xác về xu hướng tiêu thụ điện năng trong quá khứ, vốn được yêu cầu như điểm xuất phát cho quá trình đánh giá.

Thiếu tài chính đầu tư

Thiếu vốn đầu tư cho các dự án EE là một trong những nỗi lo lớn nhất được các bên liên quan chia sẻ trong quá trình phỏng vấn. Nguyên do cốt lõi là các dự án EE thường ngốn một nguồn vốn lớn và quá trình thu hồi lâu dài, thông thường phải mất trên 3 năm. Chính vì vậy nhiều công ty không sẵn sàng tự bỏ vốn ra để đầu tư.

Do đó, việc đảm bảo rằng người sử dụng tiếp cận được với các nguồn tài trợ bên ngoài là cực kỳ quan trọng đối với sự vận hành trơn tru của thị trường EE. Trong khi đó, theo chia sẻ của các công ty thì các ngân hàng trong khu vực có xu hướng không mấy hồ hởi tài trợ cho các khoản vay đầu tư EE vì họ thiếu kinh nghiệm và chuyên môn kỹ thuật liên quan đến thị trường này. Hơn nữa, rủi ro tài chính đối với các dự án EE thường cao vì phụ thuộc nhiều vào hiệu quả tiết kiệm năng lượng của công nghệ.

9ea0090ca_010813_tietkiemnangluong.jpg

Mở cánh cửa vào thị trường EE

Cùng với các khó khăn thách thức phát triển thị trường EE được liệt kê, báo cáo cũng khuyến cáo các giải pháp do chính các doanh nghiệp gợi ý nhằm vượt qua các rào cản để đến với thị trường EE đầy tiềm năng.

Đối với các chính phủ

Các chính phủ cần đóng vai trò tích cực hơn trong việc thúc đẩy thị trường EE thông qua các chính sách thúc đẩy thị trường. Bởi lẽ, thực tế đã cho thấy các chính sách và chương trình EE được thiết kế tốt là điều kiện cần vô cùng quan trọng cho sự thành công của tất cả các nền công nghiệp EE phát triển trên toàn cầu.

Các tiêu chuẩn thực hành tiết kiệm năng lượng và các chương trình dán nhãn sản phẩm đã được chứng minh là phương pháp hiệu quả để chuyển dịch thị trường và làm dịu sự gia tăng nhu cầu điện năng trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và thương mại. Đó là công cụ chính sách để loại các sản phẩm ít tiết kiệm năng lượng ra khỏi thị trường và khuyến khích người tiêu dùng đến với các sản phẩm hiệu suất năng lượng cao. Ở Mỹ, việc áp dụng luật EE từ năm 1993 đã giúp giảm 60% lượng điện năng tiêu dùng cho tủ lạnh từ 1980 đến 2001.

Chính phủ cũng phải có quy định bắt buộc các công ty, đặc biệt là các công ty tiêu dùng điện năng lớn, giám sát và báo cáo về năng lượng một cách thường xuyên và nghiêm túc. Ở Singapor Luật Bảo tồn Năng lượng có hiệu lực vào năm 2013 quy định việc quản lý năng lượng đối với các công ty sử dụng năng lượng lớn. Các công ty tiêu dùng hơn 15GWh mỗi năm sẽ phải bổ nhiệm một quản lý năng lượng để giám sát và báo cáo với Cơ Quan Môi trường Quốc gia, đồng thời phải triển khai và đệ trình kế hoạch thúc đẩy EE.

Đi đôi với chính sách, các chính phủ cũng cần chú trọng khâu thực thi với việc thành lập các cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm thực thi, giám sát về tiêu dùng năng lượng với trách nhiệm rõ ràng, nguồn đầu tư xứng đáng và quy chế xử phạt minh bạch.

Ngoài ra, Chính phủ cần tăng cường nhận thức về EE để thay đổi suy nghĩ về sự cần thiết sử dụng EE thông qua các cuộc tọa đàm hội thảo cấp khu vực và địa phương và quan trọng hơn là thông qua các dự án “trình diễn”.

Do sự nhỏ lẻ của thị trường ở giai đoạn hình thành, chính phủ cần đóng vai trò điều phối để tập hợp các bên liên quan lại với nhau, giúp họ dễ dàng đạt được mục tiêu hơn, đồng thời điều tiết mỗi giai đoạn trong chuỗi giá trị bao gồm: xác định nhu cầu, sản xuất và bán sản phẩm, đánh giá và đầu tư, phân phối và lắp đặt, vận hành và bảo trì. Để làm điều này chính phủ có thể tạo cơ chế giúp các nhà cung cấp tập hợp các dự án EE nhỏ thành một danh mục đầu tư đa dạng nhằm giảm thiểu rủi ro và trở nên hấp dẫn hơn đối với các ngân hàng đầu tư.

Chính phủ cũng có thể trở thành cầu nối giữa nhà cung cấp công nghệ EE và các thể chế tài chính, đồng thời cũng có thể là đồng tài trợ cho các công ty. Điều này trở nên đặc biệt quan trọng đối với khu vực ĐNA vì thị trường EE hiện mới đang ở giai đoạn trứng nước và các ngân hàng vẫn còn dè dặt trong việc hỗ trợ phát triển thị trường này.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hỗ trợ tài chính từ phía chính phủ dù rất quan trọng ở giai đoạn đầu song không thể coi là giải pháp dài hạn. Theo đó, chính phủ cũng cần gỡ bỏ dần các chính sách làm méo mó thị trường đặc biệt là các khoản trợ giá năng lượng, vốn làm cho người tiêu dùng và các công ty ít có động cơ gia tăng hiệu suất năng lượng.

Chính phủ cũng cần công bố rộng rãi và chính xác thông tin về các sản phẩm EE và ESCOs đồng thời với việc thiết lập hệ thống cấp phép và chứng nhận để giúp người sử dụng phân biệt sản phẩm. Điều này cần đi đôi với việc giám sát và kiểm định sự tuân thủ tiêu chuẩn của các công ty được cấp phép để đảm bảo uy tín của sản phẩm và dịch vụ được chứng nhận. Trong tương lai ASEAN có thể cân nhắc để phát triển các tiêu chí và cơ chế cấp phép liên ASEAN nhằm tăng sự cạnh tranh trong thị trường ESCO khu vực.

Đối với các doanh nghiệp

Tuy vai trò điều phối của chính phủ là vô cùng quan trọng, các doanh nghiệp cũng không thể chỉ ngồi trông chờ chính sách, tự bản thân họ cũng phải hành động để thúc đẩy ngành công nghiệp EE.

Các doanh nghiệp phải tự nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng bằng cách đưa ra các gói lựa chọn dịch vụ đa dạng hơn phù hợp với yêu cầu của khách hàng.

Đồng thời, các nhà cung cấp và các ESCOs cần tiếp cận thường xuyên với các tổ chức tài chính nhằm xây dựng chuyên môn kỹ thuật cho họ để tài trợ các dự án EE. Đồng thời, các ESCOs lớn hơn cần sẵn sàng tài trợ hoặc phối hợp với các đối tác khác để phát triển các kế hoạch tài chính nhằm khuyến khích khách hàng đầu tư vào công nghệ và sản phẩm EE.

Đối với các dự án nhỏ việc kết hợp nhiều dự án có thể là cách khiến dự án trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư tài chính. Có thể kết hợp về địa lý đối với các dự án ở cùng một địa phương, có thể về mặt kỹ thuật khi tập trung vào các loại hình công nghiệp có yêu cầu công nghệ chung hoặc kết hợp giữa một số ngành công nghiệp.

Cuối cùng, cùng với chính phủ các doanh nghiệp cũng cần tìm ra các cách thức sáng tạo để quảng bá thông tin về EE và thuyết phục người sử dụng áp dụng công nghệ EE.
Theo ThienNhien.Net