Friday, 15/11/2024 | 13:35 GMT+7
Ethiopia đang nỗ lực tăng cường khả năng tiếp cận với nguồn năng lượng tái tạo có chi phí hợp lý và thân thiện với môi trường. Theo một báo cáo được Bộ trưởng Bộ Nước, Thuỷ lợi và Năng lượng của nước này công bố vào tháng 12 năm 2014, nước này đã ký hợp đồng với một công ty năng lượng mặt trời – khí sinh khối của Israel để đẩy mạnh tiến trình thực hiện mục tiêu này.
Theo đó, AORA, nhà phát triển công nghệ năng lượng mặt trời và khí sinh khối hàng đầu Israel, sẽ là người đầu tiên cung cấp một giải pháp kết hợp giữa năng lượng mặt trời và khí sinh khối nhằm đưa điện đến nhiều vùng nông thôn của Ethiopia. Quốc gia này thường bị mất điện do tình trạng khan hiếm nguồn cung và có đến 2/3 dân số chưa bao giờ có điện để sử dụng.
“Chúng tôi rất vui khi có cơ hội được hợp tác với Bộ Nước, Thuỷ lợi và Năng lượng cuả Ethiopia với mong muốn đem lại cho người Ethiopia một chi phí hợp lý để tiếp cận với điện.”, Zev Rosenzweig, Giám đốc điều hành của AORA, có trụ sở hoạt động tại Rehovot nói.
“Việc này sẽ tạo nên những tác động đáng kể về xã hội và kinh tế đối với dân cư ở những vùng xa xôi, trong đó quan trọng nhất là đưa được điện đến các trường học, cơ sở y tế, bảo quản và chế biến thực phẩm hậu thu hoạch, bơm nước ngầm và hơn thế nữa,” Rosenzweig cho biết thêm.
Tháng 11 năm 2011, Ethiopia đã đề ra Chiến lược kinh tế xanh chống biến đổi khí hậu nhằm đạt được mục tiêu trở thành một nước có thu nhập trung bình với nền kinh tế xanh vào năm 2025. Trong đó, nhiệm vụ cơ bản đối với lĩnh vực sản xuất năng lượng là chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo phục vụ thị trường trong nước và khu vực.
“Chúng tôi đang trong quá trình hiện thực hoá Chiến lược kinh tế xanh của mình và rất vui khi có thể được hợp tác với AORA nhằm đạt được mục tiêu nêu trên,” ông Alemayehu Tegenu, Bộ trưởng Bộ Nước, Thuỷ lợi và Năng lượng Ethiopia cho biết.
“Công nghệ năng lượng mặt trời hybrid độc đáo của AORA rất ấn tượng và hoàn toàn phù hợp trong việc cung cấp năng lượng và nhiệt cho các vùng nông thôn xa xôi của đất nước, hỗ trợ họ phát triển kinh tế địa phương,” Tegenu cho biết thêm.
Công nghệ của AORA không những có thể hoạt động dựa vào năng lượng mặt trời, mà còn có thể sử dụng bất cứ nhiên liệu khí (lỏng) nào khác như khí sinh khối, nhiên liệu sinh học và khí đốt để tạo ra điện và nhiệt. Điều này cho phép việc sản xuất điện năng có thể được thực hiện theo nhiều chế độ khác nhau – chế độ năng lượng mặt trời khi nguồn ánh sáng dồi dào, chế độ lai khi nguồn ánh sáng không đủ, phải sử dụng thêm nhiên liệu để tạo ra đủ điện năng để đáp ứng nhu cầu. Vào buổi đêm hoặc trong những ngày thời tiết u ám, chế độ sử dụng nhiên liệu hoàn toàn sẽ được khởi động. Điều này đảm bảo điện năng luôn được cung cấp liên tục và ổn định suốt 24 giờ trong mọi điều kiện thời tiết.
Các nhà máy điện năng lượng mặt trời hình hoa tulip của AORA không cần đến một diện tích đất đai lớn để sản xuất điện và nhiệt như các hệ thống khác, đồng thời cũng sử dụng ít nước hơn. Chúng khá nhỏ nhắn, cơ động và thích ứng với mọi địa hình.
Công tác xây dựng các nhà máy thí điểm đầu tiên tại Ethiopia được dự kiến sẽ bắt đầu vào giữa năm 2015. Sau bước thử nghiệm này, chính phủ Ethiopia sẽ quyết định việc mở rộng triển khai lắp đặt các nhà máy của AORA nhằm phát triển kinh tế nông thôn tại các địa phương xa xôi của đất nước.
Anh Tuấn (Theo Breaking Israel News)