Thursday, 14/11/2024 | 23:10 GMT+7
Vancouver vừa trở thành thành phố mới nhất cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Thành phố 600 nghìn dân ở bờ biển phía Tây Canada này đang đặt ra mục tiêu chỉ sử dụng nguồn năng lượng xanh cho hệ thống điện, sưởi ấm và làm mát cũng như giao thông.
Các thành phố và khu vực đô thị đang phát thải đến 70-75% lượng CO2 toàn cầu, đây là nơi “hành động thực tế đối với khí hậu sẽ được thực hiện", ông Park Won-Soon, Thị trưởng thành phố Seoul (Hàn Quốc) phát biểu tại Diễn đàn về môi trường toàn cầu ICLEI World Congress 2015 được tổ chức 3 năm một lần dành cho các chính quyền thành phố. Đây cũng là nơi mà giới chức Vancouver đã đưa ra tuyên bố nói trên.
“Chúng ta là những làn sóng xanh, cùng nhau tới đây để cứu thế giới khỏi sự biến đổi khí hậu”, ông Park phát biểu trước gần 15,000 quan chức chính quyền địa phương, trong đó có hơn 100 thị trưởng.
Bà Andrea Reimer, Phó Thị trưởng thành phố Vancouver chia sẻ với tờ The Guardian: “Đây là một chỉ thị hợp lý và cũng là cơ hội tuyệt vời về kinh tế để trở thành một thành phố xanh”. Mục tiêu 100% năng lượng sạch cho hệ thống làm mát/sưởi ấm dự kiến được hoàn thành vào năm 2030 tới 2035.
Trong khi đó, 100% năng lượng sạch cho giao thông sẽ được hoàn thành vào năm 2040 tới 2050. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ diễn ra sớm hơn với sự ủng hộ của chính quyền địa phương và Chính phủ.
Bà Reimer cho hay, người dân và các doanh nghiệp đều muốn sống và làm việc trong môi trường đô thị xanh-sạch-đẹp. Cũng theo vị thị trưởng này, bất cứ ai có chuyên môn trong việc chuyển đổi sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo sẽ trở thành người làm chủ được thế kỷ 21.
Vancouver có thể hoàn thành mục tiêu 100% điện năng tái tạo trong một vài năm nhưng việc sưởi ấm, làm mát hay giao thông vận tải thì cần thời gian lâu hơn.
Tham vọng của Vancouver là trở thành thành phố xanh nhất thế giới vào năm 2020, mặc dù theo bà, Canada đang làm một trong những quốc gia "thiếu trách nhiệm với môi trường nhất” trong 10 năm qua.
Về phần mình, ông Park tuyên bố rằng, Seoul, với 11 triệu dân và đang phát triển nhanh chóng, sẽ giảm mức tiêu thụ điện năng và tăng cường năng lượng tái tạo, bao gồm việc vận hành hơn 40 ngàn tấm pin năng lượng mặt trời trong các hộ gia đình và 15 ngàn chiếc xe điện vào năm 2018. Đến năm 2030, nước này hy vọng có thể cắt giảm được 40% lượng CO2 phát thải.
Có hơn 50 thành phố đã tuyên bố đang tiến tới sử dụng 100% năng lượng tái tạo, trong đó có San Diego và Sanfrancisco của Californica (Mỹ), Sydney (Australia) và Copenhagen (Đan Mạch). Một số thành phố đặt mục tiêu này cho năm 2020, một số khác là tới năm 2030 hoặc 2035.
Riêng một vài thành phố như Reykjavik, Iceland đã sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất điện năng và sử dụng cho hệ thống sưởi ấm. Toàn bộ các khu vực tại Costa Rica đã sử dụng năng lượng tái tạo trong suốt 75 ngày liên tục trong năm nay.
“Mới chỉ 3 năm trước đây chúng tôi còn nói tới việc sử dụng 100% năng lượng tái tạo thực sự là điều có thể. Vậy mà tới giờ đây, rất nhiều các vùng, các thành phố đang thực hiện điều đó", bà Anna Leidreiter, điều phối viên của Global 100% RE Alliance, một liên minh quốc tế các tổ chức thúc đẩy chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng phát biểu.
Theo bà Leidreiter, nếu các nhà máy hoặc các công ty điện năng lớn được quyền kiểm soát, thì việc này sẽ làm chậm các nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. "Các mô hình kinh doanh năng lượng tái tạo hoàn toàn khác biệt, nó phải giúp người dân hưởng lợi chứ không phải là các tập đoàn".
Mai Linh (theo The Guardian)