Friday, 15/11/2024 | 08:44 GMT+7

Tăng cường tỷ lệ năng lượng tái tạo để phát triền bền vững

25/04/2015

Việt Nam cần đẩy mạnh việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế nguồn năng lượng sơ cấp đang cạn kiệt.

Theo số liệu từ Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương, dự báo nhu cầu điện của Việt Nam trong giai đoạn từ 2014 - 2020 tăng trung bình khoảng 10,6% mỗi năm. Tăng trưởng kinh tế cùng với quá trình công nghiệp hóa là nguyên nhân khiến nhu cầu sử dụng năng lượng tăng cao. Bên cạnh đó, nhiều nguồn năng lượng chưa được sử dụng hiệu quả, việc phân phối, quản lý năng lượng còn kém, cũng góp phần gây ra lãng phí năng lượng.

Việt Nam đang là nước xuất khẩu năng lượng. Tuy nhiên, dự kiến đến năm 2015, Việt Nam sẽ trở thành nước nhập khẩu ròng về năng lượng. Ước tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khoảng 37 triệu tấn than và khoảng 1,8 tỷ m3 khí đốt cho cho sản xuất điện. Đến năm 2030, Việt Nam sẽ nhập khẩu một nửa năng lượng.

 

Với những quan ngại về an ninh năng lượng và suy thoái môi trường, Liên minh Châu Âu nhận định, năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng có vai trò tương đương nhau.

Số liệu báo cáo từ Bộ Công Thương cho biết, tính đến năm 2010, điện được sản xuất từ năng lượng tái tạo mới chỉ chiếm 3,5% tổng sản lượng điện. Dự kiến tỷ lệ này sẽ được nâng lên lức 4,5% vào năm 2020.

Song song với tình trạng thiếu hụt năng lượng, sử dụng nhiều năng lượng còn kéo theo những hệ lụy về môi trường. Dự đoán, từ 2012- 2030, lượng khí thải của Việt Nam sẽ tăng gấp 3 lần, trong đó có gia tăng khí thải liên quan đến tiêu thụ năng lượng.

Để duy trì phát triển kinh tế, Việt Nam sẽ phải đối mặt với các thách thức lớn về năng lượng trong ngắn hạn và dài hạn như: công suất phát điện, tăng phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng, tăng hiệu quả năng lượng, tăng phát thải khí nhà kính…

Giải quyết vấn đề này, ngoài việc tăng cường hiệu quả năng lượng, Việt Nam cần đẩy mạnh việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế nguồn năng lượng sơ cấp đang cạn kiệt. Có nhiều loại năng lượng tái tạo có thể khai thác ở Viêt Nam bao gồm: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối, năng lượng địa nhiệt và thủy điện nhỏ. Trong đó, trọng tâm của vấn đề là khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo từ khu vực tư nhân với một chính sách giá điện hấp dẫn.

Mới đây, Liên minh Châu Âu tuyên bố sẽ hỗ trợ Việt Nam 346 triệu EUR cho phát triển năng lượng bền vững. Hỗ trợ của EU có thể dưới hình thức hỗ trợ về ngân sách và hỗ trợ kỹ thuật gắn liền với chính sách chuyển đổi sang thị trường năng lượng xanh và sạch.

Ngoài ra, Liên minh Châu Âu cho biết sẽ tập trung vào việc phát triển cơ sở hạ tầng cho năng lượng tái tạo. Trong đó, chú trọng vào việc củng cố các mục tiêu của chính sách liên quan đến năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng và tiếp cận năng lượng tại các khu vực nông thôn. Đồng thời, EU sẽ thúc đẩy các hoạt động sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như biogas và năng lượng mặt trời.

Các mục tiêu cụ thể của EU bao gồm việc thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ năng lượng Việt Nam trở nên hiệu quả hơn; nâng tỷ trọng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo trên tổng năng lượng sản xuất tại Việt Nam; hỗ trợ người dân được tiếp cận với các dịch vụ năng lượng tin cậy và bền vững.

Bên cạnh đó, EU cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế tiếp tục các hoạt động thúc đẩy năng lượng bền vững. 

Mai Lan