Saturday, 23/11/2024 | 08:30 GMT+7

Ưu tiên đầu tư năng lượng sạch

23/06/2015

Đầu tư phát triển năng lượng sạch không chỉ giúp Việt Nam tận dụng lợi thế tự nhiên của mình mà còn giúp đảm bảo an ninh năng lượng trong thời gian tới.

Việt Nam có thể tăng sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài nhờ phát triển nguồn năng lượng xanh. Đó là khẳng định của rất nhiều đại biểu tham dự cuộc họp bàn về Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tổ chức. 

8 tỷ USD/năm để đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng

Ông Christoph Schill, Phó Chủ tịch Ủy ban Tăng trưởng xanh, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, cho biết, nguồn cung ứng điện năng tại Việt Nam tăng gấp đôi sau mỗi 6 năm. Và để đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng này, từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần gần 8 tỷ USD/năm để đầu tư cho nguồn cung ứng. Điều đáng nói là cho đến nay, Việt Nam vẫn chỉ đang ưu tiên cho phát triển nguồn năng lượng giá thấp là thủy điện, than, mà chưa có chính sách đầu tư hiệu quả cho phát triển nguồn cung ứng năng lượng sạch. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng sạch để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng của quốc gia.

Đầu tư phát triển năng lượng sạch không chỉ giúp Việt Nam tận dụng lợi thế tự nhiên của mình mà còn giúp đảm bảo an ninh năng lượng trong thời gian tới. Thậm chí, trong trường hợp phải tăng giá bán năng lượng cũng không ảnh hưởng đến sự hấp dẫn đầu tư của các doanh nghiệp. Đó là kết quả nghiên cứu mới nhất do Ủy ban Tăng trưởng xanh (EuroCham GGSC) và Viện Quốc tế về phát triển bền vững thực hiện sau khi khảo sát, phỏng vấn 150 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp được lấy ý kiến khẳng định, khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam không dựa trên năng lượng giá rẻ. Giá năng lượng là yếu tố ít quan trọng nhất trong 10 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của họ tại Việt Nam. Các yếu tố quan trọng hơn đối với nhà đầu tư là chi phí, mức độ sẵn sàng của lao động có tay nghề, điều kiện thị trường nội địa và chính sách phát triển của Chính phủ. Khi được yêu cầu đánh giá tầm quan trọng của giá năng lượng trong quyết định đầu tư (với thang điểm tăng dần từ 1 đến 10), 72% các công ty tham gia cho điểm từ 5 trở xuống. Các nhà đầu tư nước ngoài không lo ngại lắm về việc giá năng lượng đang có xu hướng tăng dần.

Điều này một phần có thể do các công ty nước ngoài tiêu tốn một chi phí tương đối không đáng kể cho điện. 90% công ty nước ngoài trong hầu hết các ngành chi ít hơn 10% trong tổng chi phí hoạt động cho điện. 60% công ty có chi phí cho điện thấp hơn 5%. Đa số các công ty tham gia khảo sát cho biết họ sẵn sàng chịu được mức tăng giá điện hàng năm ở mức 15% hoặc hơn trước khi cân nhắc lại các ý định đầu tư trong tương lai, và trên 65% các công ty có thể chấp nhận được mức tăng giá điện 10% mỗi năm.

Chuyển hướng đầu tư sang năng lượng sạch

Kết quả nghiên cứu trên đã tạo nên khoảng không gian chính sách để Chính phủ Việt Nam quyết tâm hơn trong việc quy hoạch phát triển nguồn năng lượng tái tạo và đưa ra mức giá năng lượng phù hợp mà không phải lo lắng rằng làm như vậy sẽ gây ra phản ứng ngược, bất lợi cho thu hút đầu tư quốc gia. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, cùng với việc chấp nhận chuyển đổi nguồn năng lượng sử dụng sang năng lượng sạch cộng với yếu tố gia tăng chi phí điện năng tiêu thụ thì Việt Nam cần hoàn thiện hơn chất lượng cung ứng điện năng. Điều này xuất phát từ thực tế có đến 65% các công ty cho biết họ cảm thấy không thỏa mãn với hạ tầng cung cấp năng lượng. 2/3 các công ty tiết lộ họ sử dụng hệ thống phát điện dự phòng của riêng mình. Ngoài ra, 73% các công ty cho rằng việc không có đủ độ tin cậy về khả năng cung cấp năng lượng là yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Việt Nam hơn là yếu tố giá năng lượng theo thời gian.

 

 

Bên cạnh đó, ông Xavier Denoly, Chủ tịch Tập đoàn Schneider Electric Việt Nam, cho biết, Việt Nam cần có kế hoạch dài hạn hướng đến sử dụng năng lượng điện xanh hơn; khuyến khích các hình thức đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực này. Quan trọng hơn là cần xây dựng một môi trường pháp lý cho sự phát triển trong tương lai của năng lượng tái tạo. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu nhấn mạnh, cộng đồng châu Âu không những là một trong các đối tác thương mại lớn của Việt Nam với tổng giá trị hàng hóa thương mại là 27,6 tỷ EUR, mà còn là một trong những nhà đầu tư lớn với 1.810 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Con số này được dự báo sẽ tăng nhanh hơn khi Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (FTA) ký kết.

Hiện Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (FTA) đang ở giai đoạn đàm phán cuối cùng. Việc ký kết hiệp định này dự kiến diễn ra trong năm 2016, ngoài việc góp phần tăng cường hợp tác và cơ hội tiếp cận thị trường cho các hàng hóa và đối tác Việt Nam tại châu Âu thì cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa cho các hoạt động thương mại và đầu tư của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng sạch và tăng trưởng xanh. Vấn đề còn lại là Chính phủ Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý khuyến khích các hình thức đầu tư tư nhân và một môi trường pháp lý mới cho đầu tư rõ ràng hơn.

Theo Sài Gòn Giải Phóng