Saturday, 23/11/2024 | 08:41 GMT+7

Hiệp hội Năng lượng sạch: cần tăng phí môi trường lên than, dầu

01/09/2015

Ngay sau khi được thành lập ngày 29-8 vừa qua, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA) đã bắt tay soạn thảo văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất chính sách nâng giá mua điện từ nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời đề xuất tăng mức phí môi trường áp vào việc khai thác than, dầu để ngăn chặn tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn nhiên liệu hóa thạch.

Ngay sau khi được thành lập ngày 29-8 vừa qua, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA) đã bắt tay soạn thảo văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất chính sách nâng giá mua điện từ nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời đề xuất tăng mức phí môi trường áp vào việc khai thác than, dầu để ngăn chặn tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn nhiên liệu hóa thạch.

Khai thác than tại mỏ than Vàng Danh, tỉnh Quảng Ninh - vùng có trữ lượng than trên 3 tỉ tấn 

Trao đổi với TBKTSG Online sáng 31-8, ông Tạ Văn Hường, Chủ tịch VCEA cho biết, tỷ lệ điện từ năng lượng tái tạo hiện nay của nước ta là quá ít, phải nói là không đáng kể. Nếu muốn điện từ năng lượng tái tạo chiếm tỷ lệ 4,5% trong tổng công suất điện quốc gia vào năm 2020 và nâng lên 6% vào năm 2030 thì ngay từ bây giờ phải có động thái khuyến khích phát triển thật mạnh mẽ, trước mắt là ưu tiên nâng giá mua điện sạch.

“Nếu không sớm có giải pháp hạn chế khai thác nhiên liệu hóa thạch và nâng tỷ lệ năng lượng sạch thì môi trường sẽ ngày càng bị tàn phá. Thuế, phí đánh vào khai thác than, dầu hiện nay chưa đủ, trong khi tài nguyên ngày càng suy kiệt”, ông Hường nhận định. 

Ông Hường cho hay trước mắt VCEA sẽ đề nghị có buổi làm việc với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải để nêu đề xuất này nhằm sớm hình thành chính sách nâng giá mua "điện sạch", nâng thuế phí môi trường để hạn chế khai thác nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu.

Theo nghị định 74/2011/NĐ-CP, phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô là 100.000 đồng/tấn, đối với khí thiên nhiên, khí than là 50 đồng/m3, phí môi trường đối với các loại than là từ 6.000 – 10.000 đồng/tấn. Các khoản phí này được dùng để hạn chế các tác động xấu đối với môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản; khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra.

Theo Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, Quảng Ninh là vùng đất có trữ lượng than lớn nhất nước với trên 3 tỉ tấn và bể than Quảng Ninh đã được khai thác trên 100 năm qua. Ngoài ra, Việt Nam còn có các bể than khác như Thái Nguyên, Sông Đà, Nông Sơn, Sông Hồng …

Theo các nhà khoa học, Việt Nam không phải là quốc gia có tiềm năng lớn về khoáng sản năng lượng, trong đó có than đá mặc dù có trữ lượng nhiều tỉ tấn nhưng ngày càng phải khai thác sâu hơn. Hoặc tại bể than sông Hồng tuy được dự báo vài trăm tỉ tấn nhưng cũng nằm ở độ sâu hàng ngàn mét dưới lòng đất, điều kiện khai thác cực kỳ khó khăn, phức tạp cả về công nghệ, an sinh xã hội lẫn môi trường.

Một số chuyên gia năng lượng nhận định chi phí vốn cho mỗi ki lô gam than bán ra thường chỉ gồm các chi phí khai thác, lương công nhân, vốn đầu tư mỏ. Những tác động đến ô nhiễm môi trường, nguồn nước, sức khỏe thợ mỏ, những tác động đến biến đổi khí hậu, du lịch dường như chưa được các công ty khai thác than tính đến.

Trong khi đó, theo các chuyên gia năng lượng, tiềm năng về nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam rất lớn. Cụ thể, tiềm năng điện gió ước tính khoảng 500 – 1.000 kWh/m2/năm; điện mặt trời với năng lượng bức xạ nắng trung bình 5 kWh/m2/ngày; thủy điện nhỏ cũng ở khoảng 4.000 MW mỗi năm … Tuy nhiên, việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam thời gian qua còn khá chậm chạp, nguyên nhân một phần do giá năng lượng sạch chưa thu hút được nhà đầu tư.

Để dễ so sánh nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư chưa thực sự mặn mà rót vốn vào các dự án năng lượng tái tạo, lấy giá mua điện gió của một số nước lân cận như Thái Lan là 19 cent Mỹ/kWh, Philippines là  21,8 cent Mỹ/kWh thì giá mua điện gió tại Việt Nam chỉ là 7,8 cent Mỹ/kWh đối với điện gió trên đất liền và 9,8 cent Mỹ/kWh đối với dự án điện gió trên biển.

Thành lập Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam

Ngày 29-8 vừa qua, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam được công bố thành lập. Đây là tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện gồm gần 500 đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sạch như thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện địa nhiệt, các nhà đầu tư sản xuất nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thách áp dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường, các nhà đầu tư, khai thác và cung cấp năng lượng sinh học.

Theo Thời báo Kinh Tế Sài Gòn