Saturday, 23/11/2024 | 22:58 GMT+7
Trong năm qua, một loạt các sự kiện đã diễn ra mang tới một sự thay đổi sâu sắc, thậm chí có thể gọi là bước ngoặt trong lịch sử của ngành năng lượng.
Sự sụt giảm liên tục của giá dầu, bắt đầu từ đầu năm 2012, càng mạnh mẽ hơn trong năm 2015. Giá dầu chuẩn WTI (West Texas Intermediate) giảm còn 34,53 $/thùng vào ngày 18 tháng 12, thấp nhất kể từ trước khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Goldman Sachs đã dự đoán giá dầu còn có thể giảm xuống mức rất thấp là 20 $/thùng, đà giảm đó sẽ làm tê liệt các nền kinh tế sản xuất dầu mỏ và cùng với đó là các tác động đến chính trị trong những năm tới đây. Đồng thời, giá khí đốt tự nhiên vẫn duy trì xung quanh mức thấp lịch sử. Giá dầu và khí đốt rẻ thường được cho là ảnh hưởng tiêu cực đến việc triển khai các loại năng lượng tái tạo, giảm bớt động lực từ bỏ nhiên liệu hóa thạch của các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều đó dường như lại không làm chậm lại sự chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo vào năm 2015 vừa qua.
Qua chín tháng đầu năm 2015, việc sản xuất điện từ các nhiên liệu hóa thạch hầu như không tăng so với cùng kỳ năm 2014, trong khi điện năng từ năng lượng mặt trời tăng 48%. Lượng tiêu thụ dầu tại Hoa Kỳ, thị trường dầu mỏ lớn nhất thế giới, đang trong xu hướng giảm dài hạn: theo ấn bản “Triển vọng Năng lượng Thế giới” của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, từ nay đến năm 2040, tiêu thụ dầu của Mỹ sẽ giảm gần bốn triệu thùng mỗi ngày, trở về mức của những năm 1960.
Hơn thế nữa, việc triển khai các năng lượng sạch đạt mức kỷ lục trong năm 2015. Theo báo cáo của Green Tech Media Research (một trong những công ty phân tích và tư vấn hàng đầu về lĩnh vực chuyển đổi ngành công nghiệp điện toàn cầu), tổng lượng điện từ năng lượng mặt trời tại Hoa Kỳ đạt 26 GW vào cuối 2015 và được dự báo sẽ tăng gần 10 lần vào năm 2030.
Tuy nhiên, những tiến bộ về năng lượng sạch ở Mỹ vẫn chưa là gì so với tham vọng của Ấn Độ và Trung Quốc. Ấn Độ dự định cho đến năm 2022 sẽ bổ sung 160 GW công suất mới, trong đó có 100 GW năng lượng mặt trời vào mạng lưới điện quốc gia, mức bổ sung điện năng từ năng lượng tái tạo lớn nhất từ trước đến nay của đất nước này. Các kế hoạch đặt ra trong năm 2015 của Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi và Bộ trưởng Bộ Năng lượng, Piyush Goyal, có thể mở ra một con đường mới cho các nước nghèo thiếu dự trữ dầu. Bên cạnh đó, cả Trung Quốc và Ấn Độ còn có tham vọng rất lớn về năng lượng hạt nhân. Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng 6 đến 8 lò phản ứng hạt nhân mỗi năm đến năm 2020, và nếu thành công thì đến năm 2030, Trung Quốc sẽ có 110 lò phản ứng, mạng lưới lò điện hạt nhân lớn nhất thế giới.
Năm 2015 này cũng đánh dấu việc lần đầu tiên trong lịch sử, lượng khí thải carbon giảm trong khi nền kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng. Lượng tiêu thụ than của Mỹ đã giảm 10,5% từ năm 2013 đến 2015, theo báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Trong khi đó, lượng tiêu thụ than của các nền kinh tế đang phát triển như Ấn Độ và Trung Quốc được dự báo vẫn tiếp tục tăng trong vài năm tới, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng hiện đã chậm lại. Thật vậy, nhu cầu than năm 2015 của Trung Quốc hầu như không thay đổi so với năm trước đó, cho thấy việc đốt than của nước phát thải khí các-bon đi-ô-xít lớn nhất thế giới có thể sẽ chững lại trước cả dự đoán của các nhà phân tích.
Cuối cùng, sự kiện đáng chú ý nhất trong lĩnh vực năng lượng 2015 là việc ký kết các Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu. Mặc dù thỏa thuận không đạt được những gì mà hầu hết các nhà hoạt động khí hậu hy vọng (các mục tiêu ràng buộc pháp lý về cắt giảm khí thải và hạn chế sản xuất các nhiên liệu hóa thạch), Hội nghị vẫn đánh dấu việc lần đầu tiên các nhà lãnh đạo thế giới đồng ý với các biện pháp cụ thể để giảm hiệu ứng nhà kính và hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Đây chưa phải là kết thúc của kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch, nhưng cũng có thể là khởi đầu của kết thúc đó.
Hoa Nguyễn (theo Technologyreview.com)