Friday, 22/11/2024 | 23:27 GMT+7

Phát triển điện sạch

03/02/2016

Chưa bao giờ, điện sạch lại được quan tâm như hiện nay.

Ngay tại cuộc họp vào ngày 19.1 vừa qua của Thường trực Chính phủ về đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (điều chỉnh quy hoạch điện 7) và dự án điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành than VN đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 (điều chỉnh quy hoạch than 60), Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, các tập đoàn: điện lực, than - khoáng sản khi điều chỉnh, thực hiện quy hoạch phải kiểm soát, bảo vệ tốt vấn đề môi trường, nhất là kiểm soát chặt chẽ các nhà máy điện than.

Rà soát, tính toán kế hoạch phát triển tất cả các nhà máy điện than, không phát triển thêm điện than; tiến tới thay than bằng khí. Thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế trong cắt giảm khí phát thải.

Bài học từ Trung Quốc, trong một thời gian dài đã phát triển điện than chiếm đến 60 - 70% nguồn điện của nước này. Họ còn tạo ra xu hướng khí hóa than như trong các lò đốt công nghiệp, với suất đầu tư rẻ trong giai đoạn đầu, có ưu thế cạnh tranh so với các ngành công nghiệp khác. Hậu quả cho thấy là đã gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Thực tế chỉ 20-30 năm, Trung Quốc đã trả giá cho sự phát triển của điện than và khí hóa than.

Bài toán năng lượng của VN đang lặp lại những gì mà Trung Quốc đã trải qua. Cho nên, việc hạn chế phát triển điện than, rõ ràng là cần thiết. Không chỉ vì hậu quả khủng khiếp của ô nhiễm môi trường mà còn vì nếu phát triển điện than, sẽ còn nhiều hệ lụy khác như việc phải lệ thuộc vào nước ngoài khi bảo trì máy móc, thiết bị công nghệ...

Mới đây, vào ngày 16.1, Nhà máy điện gió Khai Long ở ven biển tỉnh Cà Mau (giai đoạn 1) có công suất 100 MW, tổng mức đầu tư 5.519 tỉ đồng đã được khởi công. Một ngày sau đó, Nhà máy điện gió Bạc Liêu công suất 99,2 MW, tổng mức đầu tư 5.217 tỉ đồng, cũng đã khánh thành. Rồi hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời đã và đang được triển khai ở nhiều vùng trên cả nước, cho thấy năng lượng sạch đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Hạn chế điện than, thúc đẩy phát triển mạnh điện tái tạo, trong đó có xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư làm điện mặt trời, điện gió... cũng được người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện. Nhưng để khuyến khích phát triển điện gió, trước hết là chuyện quy hoạch - về cơ bản đã có, nhưng cần sớm hoàn thiện ở cấp độ cao hơn. Thứ nữa là giá điện gió, rất quan trọng đối với các nhà đầu tư. Trong những năm gần đây, dù suất đầu tư điện gió đã giảm khá nhiều, nhưng giá mua điện vẫn còn thấp, cơ chế mua chưa ổn định, đặc biệt là quy trình đàm phán giá mua bán điện vẫn còn rắc rối, quá nhiều khâu, gây mệt mỏi cho các nhà đầu tư nhiều nhất. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư năng lượng sạch cũng chưa đầy đủ, đồng bộ.

Kinh nghiệm cho thấy, nhà nước chỉ cần có cơ chế, chính sách phù hợp thì sẽ thu hút các nhà đầu tư vào năng lượng sạch. Chẳng hạn như điện mặt trời, khi TP.HCM hỗ trợ 2.000 đồng/kWh thì đã thu hút được rất nhanh sự đầu tư. Nếu như trong 30-40 năm qua cả TP.HCM chỉ có khoảng 500 kWp công suất điện mặt trời, thì chỉ 6 tháng sau khi triển khai chính sách hỗ trợ nói trên, đã có khoảng 2 MWp được đầu tư. Điều mà nhà đầu tư điện mặt trời đang cần nữa là cơ chế cho phép được đưa điện lên lưới để không phải tốn kém đầu tư hạ tầng tích trữ (ắc quy trữ điện).

Tất cả các cơ chế, chính sách phải đồng bộ để nhà đầu tư cảm thấy có một sự cam kết, một lộ trình, định hướng dài hạn từ phía Chính phủ, từ đó để các nhà đầu tư có niềm tin, an tâm đầu tư phát triển điện sạch.

Theo Thanhnien.vn