Saturday, 23/11/2024 | 01:52 GMT+7

Việt Nam cam kết phát triển năng lượng sạch hơn

27/05/2016

Ngày 24/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo về "Phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam".

Ngày 24/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo về "Phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam".

Việt Nam cam kết phát triển năng lượng sạch hơn. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đã xây dựng được Chiến lược Phát triển nhiên liệu tái tạo nhằm huy động mọi nguồn lực phát triển nguồn năng lượng này, giúp giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Chiến lược này được ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc quốc gia UNDP đánh giá cao bởi đây là tín hiệu mạnh mẽ gửi đến các nhà đầu tư rằng Việt Nam cam kết chuyển đổi năng lượng sang các dịch vụ và phát triển điện sạch hơn.

Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo quốc gia là bước đi then chốt đúng hướng. Chiến lược phản ánh cam kết phát triển ít Carbon và Đóng góp Dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam đối với Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Chiến lược cũng hỗ trợ thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu mà Việt Nam đã cùng với hơn 175 quốc gia ký kết.

Theo ông Bakhodir Burkhanov, tuy có những thay đổi chính sách đáng khích lệ nhưng sản xuất điện ở Việt Nam vẫn sẽ phụ thuộc vào than và than là nguyên nhân chủ yếu gây phát thải khí nhà kính. Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị thu hẹp đầu tư do điện than là hiểm họa môi trường đối với quốc gia và toàn cầu trong những thập niên tới.

Trên thế giới, năng lượng tái tạo đang có nhiều thay đổi nhanh và tích cực về kỹ thuật, tài chính. Việt Nam cần tiếp cận và tận dụng được những thay đổi này. Có chính sách và hướng dẫn cụ thể nhằm khuyến khích việc áp dụng giao thông điện, túi ủ khí sinh học và lắp đặt hệ thống quang điện mặt trời trên nóc nhà, nhờ đó vừa giảm đáng kể chi phí sử dụng điện và bảo vệ môi trường.

Ông Ingmar Stelter, Giám đốc Chương trình hỗ trợ năng lượng Bộ Công Thương/GIZ đánh giá, với bờ biển trên 3.000 km, Việt Nam có tiềm năng năng lượng gió cao, ước tính 24 GW.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản để tư nhân đầu tư vào điện gió như: giá bán điện ưu đãi quá thấp, doanh nghiệp không thể tìm được nguồn tài trợ hay thủ tục phức tạp và không rõ ràng đối với các dự án đầu tư… Do đó, Việt Nam vẫn cần có thêm các cơ chế, chính sách cụ thể hơn trong hỗ trợ phát triển điện gió.

Đánh giá về khả năng phát triển điện mặt trời ở Việt Nam, ông Koos Neefjes, đại diện UNDP cho rằng, nhà đầu tư vẫn đang cảm thấy gặp rủi ro cao về tài chính trong đầu tư hay những hạn chế về năng lực chế tạo, lắp đặt và vận hành nên chi phí cao hơn so với đầu tư vào điện đốt than và khí.

Do đó, điện mặt trời cần được trợ giá hoặc định giá giá điện đốt nhiên liệu hóa thạch đắt hơn với giá Carbon; tăng dần giá bán lẻ điện… Cùng với đó là loại bỏ dần mọi hình thức hỗ trợ cho sản xuất điện đốt than và đưa vào áp dụng phí môi trường hoặc giá Carbon đối với việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dũng, Trưởng phòng Năng lượng tái tạo, Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 3, năng lượng tái tạo vẫn là mảng rất mới đối với doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp vẫn thiếu nhiều kinh nghiệm và năng lực về cả kỹ thuật lẫn tài chính.

Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ thể hiện sự quyết tâm trong lĩnh vực này, nhưng vẫn chưa đủ, chẳng hạn như giá điện. Giá điện vẫn còn thấp, giá điện cần tăng lên thì doanh nghiệp mới đạt lợi nhuận, đủ tài chính đầu tư.

Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam giai đoạn 2030, tầm nhìn đến 2050 chú trọng phát triển thủy điện, năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, khí sinh học, nhiên liệu sinh học. Mục tiêu là tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 7% năm 2020, trên 10% vào năm 2030.

Theo bnews.vn