Saturday, 23/11/2024 | 05:55 GMT+7

Hợp tác để phát triển năng lượng bền vững

28/06/2017

Hiện nay, năng lượng đóng vai trò then chốt cho sự phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu.

Hiện nay, năng lượng đóng vai trò then chốt cho sự phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu. Đối với Việt Nam, năng lượng giữ vai trò cốt yếu cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính phủ đã thể hiện quyết tâm và dành ưu tiên cao cho các nỗ lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu phấn đấu bảo đảm cung cấp đủ năng lượng theo nhu cầu cho nền kinh tế, cụ thể đến năm 2020 đạt khoảng 100 đến 110 triệu TOE (tấn quy dầu) năng lượng sơ cấp và khoảng 310 đến 320 triệu TOE vào năm 2050. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia điều chỉnh giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 cũng đặt ra các mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước. Theo đó, dự kiến đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 60 nghìn MW, định hướng đến năm 2030, khoảng 129.500 MW…

Việc bảo đảm nguồn lực đáp ứng nhu cầu to lớn nói trên không hề đơn giản, hơn nữa, đi kèm với đó là thách thức trong bảo đảm môi trường. Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới, chi phí của công nghệ năng lượng tái tạo (NLTT) đang giảm, mở ra nhiều cơ hội cho các nước như Việt Nam trong phát triển năng lượng bền vững. Chuyển đổi năng lượng sang hướng nền kinh tế xanh hơn sẽ đóng góp vào ứng phó BĐKH bằng việc giảm nồng độ khí phát thải nhà kính tới mức an toàn.

Ảnh minh họa

Nhiều NLTT hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn sẽ nâng cao chất lượng không khí cho người dân, hạn chế sự phụ thuộc vào nhập khẩu cũng như tạo ra phát triển xanh cùng với nhiều việc làm. Chính phủ đang dành các khoản đầu tư lớn cho lĩnh vực năng lượng, không ngừng xây dựng, cải cách và hoàn thiện các cơ chế, chính sách cũng như cải thiện việc quy hoạch, hoạch định chiến lược phát triển ngành năng lượng để nâng cao hiệu quả và năng suất của ngành năng lượng, tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch, NLTT và thúc đẩy các giải pháp sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả.

Trong bối cảnh nêu trên, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng, tăng cường cơ chế phối hợp và đối thoại, không ngừng hoàn thiện cơ chế chính sách để nâng cao năng lực, hiệu quả, tính bền vững và thích ứng cho ngành năng lượng quốc gia cũng như thực hiện các cam kết quốc tế hướng tới các Mục tiêu Phát triển bền vững. Các cuộc tham vấn giữa các Đối tác phát triển và các cơ quan Chính phủ Việt Nam thời gian gần đây cũng đã khẳng định, việc thiết lập Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) là cần thiết. Chính vì vậy, mới đây, VEPG chính thức ra mắt tại Hà Nội gồm Bộ Công thương, các bộ, ngành khác cùng các Đối tác phát triển hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, được đánh giá là sự kiện quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam.

Theo đó, các bên sẽ nỗ lực tạo điều kiện thu hút nhiều đầu tư hơn nữa vào phát triển năng lượng bền vững, để tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ năng lượng hiện đại và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng cũng như cơ sở hạ tầng năng lượng. Phái đoàn Liên hiệp châu Âu (EU) tại Việt Nam nhấn mạnh: phát triển năng lượng bền vững là mục tiêu chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam và EU cam kết nỗ lực mạnh mẽ giúp Việt Nam giải quyết thách thức này. Điều này đòi hỏi một phương án toàn diện có tính đến những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhân dịp ra mắt VEPG, Liên hiệp châu Âu cùng nhiều nước thành viên và Việt Nam đã ký một Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng bền vững. Theo đó, EU hỗ trợ mạnh mẽ Việt Nam: bảo đảm việc tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người; có biện pháp khẩn cấp để chống BĐKH và các tác động của nó; hỗ trợ các cam kết của Việt Nam trong việc cung cấp hiệu quả năng lượng có chất lượng cao dành cho phát triển xã hội; đa dạng hóa trong đầu tư và mô hình kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, phát triển một thị trường năng lượng cạnh tranh và thúc đẩy các nguồn NLTT cũng như sử dụng năng lượng hiệu quả; chuyển giao công nghệ NLTT của EU cho Việt Nam… qua đó, góp phần quan trọng giúp Việt Nam sớm hoàn thành các Mục tiêu Phát triển bền vững, nhất là hoàn thành các cam kết quốc tế như Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC) và Thỏa thuận Pa-ri về BĐKH…

Theo Nhân dân