Saturday, 23/11/2024 | 15:50 GMT+7
iệt Nam đặt mục tiêu, tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng, so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và 14% vào năm 2045.
Đồng bộ, liên thông
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được ban hành. Chương trình phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng trong nước, phục vụ cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030). Trong đó, năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175 - 195 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), đến năm 2045 đạt khoảng 320 - 350 triệu TOE… Bên cạnh giải pháp phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng khả năng tự chủ thì chương trình yêu cầu cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả…
Bộ Công Thương triển khai nhiều chương trình, dự án với đối tác quốc tế
Hiện tại, Bộ Công Thương đang triển khai nhiều hoạt động về tiết kiệm năng lượng, điển hình là Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp, với sự hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới. Dự án sẽ tài trợ khoảng 30 tiểu dự án tiềm năng thuộc các ngành công nghiệp. Đã có 5 tiểu dự án thuộc lĩnh vực sản xuất mía đường và xi măng được thực hiện. Hàng năm, các dự án này sẽ tiết kiệm khoảng 234 triệu kWh điện, giảm phát thải ra môi trường khoảng 204,8 ngàn tấn CO2.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã, đang triển khai nhiều chương trình, dự án với các đối tác quốc tế như: Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật ngành năng lượng Việt Nam - EU (EVEF), Dự án Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng (4E)/GIZ; chương trình đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch…
Kinh nghiệm từ thế giới
Để chương trình tiết kiệm năng lượng đạt được mục tiêu đề ra, bên cạnh các dự án hỗ trợ từ khu vực nhà nước và nhà tài trợ quốc tế thì việc khuyến khích nhà đầu tư tham gia vào thị trường tiết kiệm năng lượng được xem là giải pháp hiệu quả, bền vững; trong đó, cơ chế tài chính hỗ trợ cho các dự án tiết kiệm năng lượng là vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm.
Phần lớn các nước trong khu vực và trên thế giới, những chương trình tiết kiệm năng lượng được cung cấp tài chính trực tiếp từ ngân sách nhà nước, hoặc thông qua các biện pháp miễn giảm thuế. Ở một số nước đã xây dựng được quỹ bảo tồn năng lượng thu được từ lượng thuế thu trên các sản phẩm dầu hoặc điện.
Điển hình tại Đan Mạch, đã thành lập quỹ tiết kiệm điện với mục tiêu hỗ trợ việc thay thế sưởi điện bằng khí gas tự nhiên trong khu vực công cộng và hộ gia đình. Quỹ thu được từ thuế 0,006 đồng Đan mạch (0,001 USD) trên mỗi kWh. Mỗi năm nguồn thu của quỹ tương ứng 90 triệu đồng Đan Mạch (16 triệu USD).
Còn tại Phần Lan, hợp đồng bảo tồn năng lượng tự nguyện, theo đó Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) hỗ trợ kiểm toán năng lượng và đầu tư vào tiết kiệm năng lượng thông qua ngân sách nhà nước. Tổng vốn đầu tư của MTI trong giai đoạn 1998 - 2005 là 16.5 triệu EUR. Tỷ lệ hỗ trợ từ năm 2002 cao nhất là 15 - 20%. Bên cạnh đó, MTI cũng cung cấp hỗ trợ đầu tư cho các ESCO nhằm mục đích khuyến khích dự án tiết kiệm năng lượng…
Theo: Báo Công Thương