Friday, 08/11/2024 | 01:50 GMT+7

Bảo đảm an ninh năng lượng

22/08/2023

Từ một nước sản xuất năng lượng, đến nay Việt Nam phải nhập khẩu than, khí, dầu nhằm bảo đảm nhiên liệu sản xuất điện cho ngành công nghiệp, dịch vụ. Chưa kể, nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng vẫn duy trì ở mức cao, từ 9-10%/năm, đòi hỏi ngành điện phải đầu tư xây dựng thêm nhiều nhà máy sản xuất điện và nhập thêm nhiều nhiên liệu để đáp ứng nhu cầu đó.

Ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, chỉ cần người dân, doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 2% sản lượng điện năng tiêu thụ mỗi năm, thì cả nước có thể tiết kiệm được khoảng 5 tỷ kWh điện/năm, tương đương với việc không phải xây dựng thêm một nhà máy điện than công suất 1.200MW.
Ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Theo phân tích của các chuyên gia năng lượng, hành động tiết kiệm điện góp phần giảm áp lực cung ứng và vận hành hệ thống điện. Ông có thể lý giải rõ hơn về vấn đề này?
Trước nhu cầu sử dụng điện được dự báo sẽ tăng khoảng 8,5%/năm trong 5 năm tới, tình hình cung ứng điện của Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là các năm 2024-2025 ở khu vực miền Bắc. Trước thực tế này, Đảng và Chính phủ xem sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường là quốc sách quan trọng và cần có sự tham gia của toàn xã hội. Hiện nay, nguồn năng lượng sơ cấp như khí đốt, than, dầu dùng để sản xuất ra điện tại Việt Nam bắt đầu khan hiếm, nếu chúng ta sử dụng điện lãng phí, đồng nghĩa với khai thác nhiều nhiên liệu hóa thạch, hoặc nhập khẩu nhiên liệu, dẫn đến gia tăng chi phí sản xuất và chi phí vận hành cho toàn hệ thống. Hậu quả là tài nguyên cạn kiệt, giá điện tăng cao.
Báo cáo của EVN cho thấy, sản lượng điện thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh vào năm 2025. Trong bối cảnh này, hành động tiết kiệm điện năng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng. Bởi lẽ, khi chúng ta sử dụng điện năng tiết kiệm, hiệu quả, chúng ta giúp giảm nhu cầu sản xuất năng lượng, giảm áp lực lên hệ thống cung cấp năng lượng, giảm khả năng xảy ra tình huống cắt điện bất ngờ, cũng như bảo đảm nguồn cung ổn định cho tất cả mọi người. Tôi ví dụ, chỉ cần người dân, doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 2% sản lượng điện năng tiêu thụ mỗi năm cả nước có thể tiết kiệm được khoảng 5 tỷ kWh điện/năm, tương đương với việc không phải xây dựng thêm một nhà máy điện than công suất 1.200MW.
Điều này có nghĩa Việt Nam đang đối mặt với những thách thức không nhỏ về an ninh năng lượng nói chung và khả năng cung ứng điện nói riêng?
Đúng vậy. Điện là mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý và việc thiếu điện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cũng như nhu cầu sản xuất, kinh doanh thương mại của người dân. Do đó, để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội bền vững của Việt Nam, EVN - đơn vị chịu trách nhiệm chính trong bảo đảm cung cấp điện năng thường xuyên đưa ra những giải pháp quan trọng, như tập trung nâng cấp, phát triển mạng lưới truyền tải, phân phối điện, xây dựng nhà máy sản xuất điện, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động vận hành, quản lý toàn bộ hệ thống. Mặt khác, EVN cũng tăng cường mở rộng hệ thống kết nối lưới điện, mua bán điện với Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Trước những thách thức không nhỏ về an ninh năng lượng, EVN đã đề xuất Chính phủ có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đầu tư các hệ thống pin tích trữ năng lượng (khoảng 20-25% công suất) tại các nhà máy điện mặt trời, điện gió nhằm duy trì việc vận hành công suất ổn định, hạn chế quá tải cục bộ lưới điện. Cùng với đó, Chính phủ cũng cần tạo điều kiện để các đơn vị khai thác than trong nước phát triển thêm mỏ than mới. Đối với nguồn năng lượng tái tạo, cần có cơ chế phát triển với quy mô, công suất phù hợp tiềm năng nắng, gió ở nước ta. Ngoài các giải pháp vĩ mô, việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hành tiết kiệm điện trong bối cảnh hiện nay là yếu tố quan trọng nhằm bảo đảm các vấn đề về an ninh năng lượng.
Vì sao thực hành tiết kiệm điện là rất quan trọng, thưa ông?
Theo tôi, nhận thức của người dân, doanh nghiệp về sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm để bảo đảm an ninh năng lượng là rất quan trọng. Bởi lẽ, chi phí để sản xuất và phân phối 1kWh điện tới người tiêu dùng cao gấp 4 - 5 lần chi phí để tiết kiệm 1kWh điện. Nói cách khác, “tiết kiệm điện là nguồn năng lượng đầu tiên” mà ai cũng có thể làm được, chỉ cần nhận thức đúng và hành động ngay từ bây giờ.
Nhìn xa hơn, tiết kiệm điện không chỉ giúp giảm chi phí điện của cá nhân và doanh nghiệp, mà để duy trì sự ổn định của nguồn năng lượng này. Chưa kể, việc chúng ta sử dụng điện tiết kiệm trong mùa nắng nóng giúp chia sẻ nguồn điện với các hộ dân khác khi nhu cầu điện tăng cao. Ví dụ, nếu tất cả mọi người đều sử dụng điện trong một thời điểm nhất định, có thể gây quá tải hệ thống lưới điện, dễ dẫn đến sự cố cháy nổ, mất điện cục bộ.
Đà Nẵng vừa triển khai một loạt giải pháp về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo. Ông đánh giá thế nào về những giải pháp này?
Với việc ban hành kế hoạch tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo, tôi cho rằng Đà Nẵng đã nhìn thấy những thách thức về an ninh năng lượng trong thời gian tới. Theo tôi, đây là những giải pháp rất cần thiết, góp phần bảo đảm nguồn cung ứng điện cho phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định xã hội trên địa bàn thành phố.
Tôi đánh giá cao những giải pháp cụ thể mà thành phố đưa ra, như yêu cầu các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ có mức sử dụng điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện (Demand Response - DR) và thực hiện việc giảm nhu cầu sử dụng điện khi có thông báo từ Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng. Cũng như, yêu cầu các nhà hàng, khách sạn, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư tắt hoặc giảm tối thiểu 50% công suất chiếu sáng quảng cáo, trang trí ngoài trời vào giờ cao điểm buổi tối, tuân thủ quy định về chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả. Thành phố cũng bắt đầu huy động các nguồn lực để đầu tư, lắp đặt, sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà trụ sở công, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời nhằm giảm tiêu thụ điện từ hệ thống điện quốc gia; phấn đấu đến năm 2030, có 50% tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu… Tôi cho rằng, đây là những giải pháp căn cơ, hướng đến mục tiêu tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ hằng năm của thành phố giai đoạn 2023-2025.
Có thể khẳng định, nhằm giảm thiểu tình trạng điện lưới quá tải, Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các chính sách, quy định của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, kèm theo đó là các giải pháp, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp, cơ sở sử dụng điện năng trọng điểm) và người dân tích cực tham gia hoạt động này.  
Xin cảm ơn ông!
Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cả nước hiện có 3.068 cơ sở, hầu hết là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Các doanh nghiệp này có mức tiêu thụ điện bình quân là 80 tỷ kWh/năm. Nếu các doanh nghiệp này thực hành để tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm (theo Chỉ thị số 20 về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 của Thủ tướng Chính phủ) thì bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh, tương ứng với tiền điện tiết kiệm được hơn 3.200 tỷ đồng.
Trước những thách thức về an ninh năng lượng, ngoài kêu gọi người dân thực hành tiết kiệm, đến năm 2022, EVN đưa vào vận hành nhiều công trình quan trọng như: đường dây 500kV Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi; dự án lưới điện đồng bộ Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1; đường 220kV Nậm Mô - Tương Dương, đồng thời triển khai các dự án nguồn điện như thủy điện Ialy mở rộng, thủy điện Hòa Bình mở rộng, dự án Nhiệt điện Ô Môn III và IV, thủy điện Trị An mở rộng và thủy điện tích năng Bác Ái...
 Theo: Báo Đà Nẵng