Friday, 10/01/2025 | 23:04 GMT+7

Hoàn thiện chính sách về tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững

18/09/2023

Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngành Công Thương đã đạt được nhiều kết quả, trong đó có tiết kiệm năng lượng & phát triển bền vững.

Đẩy mạnh truyền thông về tiết kiệm năng lượng
An ninh năng lượng và phát triển ngành năng lượng bền vững luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Để đối phó với thách thức về an ninh cung cấp điện, và an ninh năng lượng nói chung cần thiết phải xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi để khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Theo đó, triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (Chương trình VNEEP3) Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình giai đoạn 2021 - 2025. 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã xây dựng kế hoạch hành động chi tiết, trong đó nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình trên địa bàn.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với 63 tỉnh, thành phố, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức các đoàn công tác, đoàn kiểm tra tại các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng để kiểm tra công tác chấp hành các quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và chấp hành Chỉ thị 20 của Thủ tướng về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Chương trình VNEEP3 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, các hoạt động chính ở Trung ương và địa phương đều bám sát Quyết định số 280/QĐ-TTg, tập trung vào 6 nhiệm vụ: Rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách; hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh; xây dựng cơ sở dữ liệu về năng lượng; tăng cường năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và đánh giá hiệu quả thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; truyền thông nâng cao nhận thức trong cộng đồng.
Nhiều hoạt động hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023.
Chỉ tính riêng trong năm 2021, theo kết quả đánh giá sơ bộ của 17 tỉnh/ thành phố, tổng năng lượng tiết kiệm được năm 2021 là 284,1kTOE. Trong đó, thành phố Hà Nội là địa phương có mức tiết kiệm năng lượng cao nhất với 122,4 kTOE. Tiếp sau là thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp, Gia Lai, Long An, Bạc Liêu, Bến Tre...
Trong năm 2022 - 2023, Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng báo cáo nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chủ trì nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong sửa đổi Luật Điện lực; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2021 theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…
Bên cạnh đó, Bộ cũng phối hợp với các cơ quan truyền thông trong tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật nhà nước, các mô hình, giải pháp của doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phối hợp với Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức các giải thưởng lớn thường niên hàng năm như: Giải thưởng “Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp”, Giải thưởng “Hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng”, Giải thưởng “Hiệu suất năng lượng cao nhất” và “Giải thưởng báo chí và tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”… Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác tiết kiệm năng lượng.
Thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững
Thực hiện Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, từ năm 2021 đến nay, Bộ Công Thương đã triển khai một số mô hình điển hình theo hướng kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, điển hình là: Xây dựng và triển khai thực hiện mô hình sử dụng thí điểm các dạng năng lượng thay thế; áp dụng mô hình quản lý năng lượng tại các cơ sở công nghiệp; xây dựng, phổ biến và nhân rộng các mô hình trình diễn thành công về sử dụng năng lượng thay thế trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước; phát triển, triển khai nhân rộng các mô hình trình diễn các dạng năng lượng tái tạo tại chỗ (như mặt trời, khí sinh học…) quy mô công nghiệp; xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cho một số ngành; tính toán và xây dựng định mức tiêu hao nguyên vật liệu cho các ngành công nghiệp, áp dụng xây dựng cho ngành phân bón; xây dựng tài liệu kỹ thuật và nâng cao năng lực về thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng đối với sản phẩm bao bì,..
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết: Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện, đến nay, Bộ Công Thương đã hỗ trợ, hướng dẫn 24 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hoạt động Chương trình Quốc gia về sản xuất và Tiêu dùng bền vững (SCP). Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã xây dựng được 5 hướng dẫn kỹ thuật chuyên sâu cho các ngành triển khai sản xuất và tiêu dùng bền vững; xây dựng được Bộ tiêu chí áp dụng cho các làng nghề thủ công bền vững; xây dựng được bộ bài giảng đào tạo về sản xuất và tiêu dùng bền vững cho giảng viên, tuyên truyền viên; xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cho một số ngành; tính toán và xây dựng định mức tiêu hao nguyên vật liệu áp dụng cho ngành phân bón; xây dựng tài liệu kỹ thuật và nâng cao năng lực về thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng đối với sản phẩm bao bì…
“Năm 2022, để triển khai hiệu quả Chương trình SCP Bộ Công Thương đã ban hành Quy chế hoạt động của chương trình nhằm thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Căn cứ vào danh mục nhiệm vụ năm 2022, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, dự án nhằm đạt được mục tiêu đề ra như: Rà soát, bổ sung, xây dựng và hoàn thiện chính sách về sản xuất và tiêu dùng bền vững” - ông Vũ cho hay.
Trong đó, tập trung xây dựng định mức tiêu hao nguyên liệu cho các ngành giấy, nhựa, dệt may; khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển nhiên liệu, vật liệu tái tạo, tái sinh; thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường và đẩy mạnh áp dụng mô hình và liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm; phát triển hệ thống phân phối, tiêu dùng bền vững, xuất nhập khẩu bền vững; triển khai áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong một số lĩnh vực chế biến, chế tạọ. Đặc biệt, truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Nhằm tiếp nối những thành công của Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức; đẩy mạnh mua sắm bền vững các sản phẩm thân thiện môi trường; xây dựng và thúc đẩy mô hình sản xuất bền vững trong một số ngành; tổ chức các triển lãm kết nối cung - cầu đối với các sản phẩm phụ trợ, sản phẩm trung gian trong các khâu sản xuất nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp…
Theo: Báo Công Thương