Thursday, 18/04/2024 | 23:59 GMT+7

Doanh nghiệp xi măng đầu tư nhà máy phát điện tận dụng nhiệt dư

28/02/2022

Việc đầu tư các nhà máy phát điện tận dụng nhiệt dư trong quá trình sản xuất không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giúp các doanh nghiệp xi măng chủ động nguồn điện trong sản xuất, tối ưu hoá thiết bị và đặc biệt hơn là còn giúp giảm áp lực thiếu điện cho ngành điện.

Điển hình như Tập đoàn Thành Thắng, từ năm 2017 đã xây dựng nhà máy phát điện tận dụng nhiệt khí thải tại dây chuyền sản xuất xi măng số 2, với công suất thiết kế là 7,5 MW. Nhà máy được thiết kế và lắp đặt đồng bộ hệ thống thu hồi nhiệt dư từ nguồn khí thải sau tháp trao đổi nhiệt và nguồn khí thải sau thiết bị làm lạnh clinker của dây chuyền sản xuất clinker. Lượng nhiệt dư này sau khi được hệ thống thu hồi về sẽ nung nóng làm nước bốc hơi và làm quay turbine phát điện.
Ông Lê Xuân Nam, Trưởng phòng Năng lượng (nhà máy Xi măng Thành Thắng) cho biết: "Điện sản xuất từ tận dụng nguồn nhiệt khí thải được hòa vào lưới 6kV của trạm 110 kV, sau đó cấp trở lại cho nhà máy. Lượng điện tự sản xuất ra đã đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng điện của nhà máy, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất."
Phòng Điều khiển trung tâm Trạm phát điện tận dụng nhiệt dư tại Tập đoàn Thành Thắng.
Từ lợi ích này, năm 2019, Tập đoàn Thành Thắng tiếp tục xây dựng nhà máy phát điện nhiệt dư tại dây chuyền sản xuất xi măng số 3 cùng có công suất 7,5 MW. Hiện nay, tính chung cả 2 nhà máy mỗi ngày sản xuất được 160.000 kW. Sau 3 năm vận hành phát điện, đến nay những người thợ của Xi măng Thành Thắng đã hoàn toàn làm chủ công nghệ tận dụng nhiệt dư. Cả hai nhà máy phát điện tận dụng nhiệt khí thải đều chạy đạt công suất thiết kế. 
Trong năm 2020, giá trị sản lượng điện sản xuất từ tận dụng nhiệt khí thải đạt 190 tỷ đồng. Đặc biệt rút kinh nghiệm từ hoạt động của nhà máy phát điện nhiệt dư số 1, ở nhà máy phát điện số 2 Xi măng Thành Thắng đã có những cải tạo, điều chỉnh hợp lý hơn so với ban đầu nhằm tối ưu hóa sản xuất như các đường ống thu hồi nhiệt đã được lắp thưa hơn bảo đảm áp và vệ sinh tốt hơn; bể làm mát được làm to, rộng hơn và chìm sâu dưới đất đã bảo đảm tốt hơn chế độ làm mát cho toàn bộ hệ thống so với thiết kế ban đầu.
Các doanh nghiệp sản xuất xi măng ngày càng trú trọng tận dụng nhiệt thừa để phát điện.
Tại Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành, năm 2020, sản lượng điện sản xuất của nhà máy phát điện nhiệt dư đạt 160 triệu kW. Sau hơn một năm hoạt động nhà máy phát điện tận dụng nhiệt dư vận hành ổn định và khẳng định hiệu quả rõ rệt. Lợi ích lớn nhất là lượng điện tự sản xuất ra đã đáp ứng được khoảng trên 30% nhu cầu sử dụng điện năng cho toàn bộ nhà máy, góp phần làm giảm chi phí sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Hay tại Công ty Cổ phần Xi măng Vissai, việc lắp đặt nhà máy phát điện nhiệt dư cũng được chú trọng đầu tư. Ông Phạm Việt Hưng, Giám đốc Nhà máy Vissai Hà Nam cho biết: "Công ty Cổ phần Xi măng Vissai đã thiết kế và lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt dư để phát điện. Với công suất thiết kế là 7 MW, nhà máy đáp ứng được khoảng 20 - 25% nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất."
Việc tận dụng nhiệt dư để phát điện tại các đơn vị sản xuất xi măng đã đem lại lợi ích đa mục tiêu. Bởi nó không chỉ giúp tiết kiệm điện năng, mang lại lợi ích về kinh tế mà còn mang lại lợi ích xã hội to lớn, nhất là trong giải quyết bài toán giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí CO2 .
Khánh An
Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện