Saturday, 23/11/2024 | 07:14 GMT+7
Ngày 12/11, Hội đồng khoa học và công nghệ (KH&CN) chuyên ngành tỉnh Sóc Trăng tổ chức cuộc họp thẩm định Đề cương dự án “Xây dựng mô hình hầm ủ biogas cải tiến sử dụng nhiên liệu chạy máy phát điện cho các trang trại chăn nuôi gia súc tại huyện Châu Thành”, do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Sóc Trăng chủ trì thực hiện, chủ nhiệm dự án là kỹ sư Dương Hoàng Vân - Phó trưởng Phòng Kỹ thuật Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh.
Theo số liệu của ngành Thống kê Sóc Trăng 2010, hiện tổng
đàn gia súc của tỉnh khoảng 261.000 con; tổng đàn gia cầm khoảng 4,6 triệu con.
Trong đó, đàn heo khoảng 225.000 con, với khoảng 121 trang trại chăn nuôi,
trong đó nuôi heo thịt gia công cho các công ty với số lượng từ 1.000 - 3.000
con có khoảng 15 trang trại tập trung chủ yếu tại huyện: Châu Thành, Kế Sách,
thành phố Sóc Trăng…
Tổng đàn gia cầm 4,6 triệu con, trong đó nuôi gà công nghiệp 54 trang trại qui mô từ vài chục ngàn đến trên 100 ngàn con/trang trại. Với thực trạng trên của tổng đàn gia súc, gia cầm nên Sóc Trăng có nhiều tiềm năng cho việc đầu tư mô hình hầm ủ biogas. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng 01 mô hình hầm ủ biogas cải tiến sử dụng gas để chạy máy phát điện phục vụ sản xuất của trang trại nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất và giảm thiểu các tác động môi trường.
Nội dung sẽ triển khai xây dựng 01 mô hình hầm ủ biogas bằng màng phủ HDPE, thể tích hầm ủ khoảng 1.575 m3, xử lý chất thải của 2.000 heo thịt, đồng thời mô hình kết hợp biogas phát điện cùng với hệ thống các ao mương để xử lý nước thải sau biogas, dự kiến hiệu quả xử lý nước thải giảm 70-80% đối với một số chỉ tiêu COD, BOD5, SS…
Kỹ sư Dương Hoàng Vân - chủ nhiệm dự án cho biết: “Việc đầu tư xây dựng mô hình hầm ủ biogas cải tiến sử dụng nguồn nhiên liệu để chạy máy phát điện cho các trang trại chăn nuôi gia súc là nhu cầu bức thiết hiện nay, phù hợp với định hướng phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh, vừa góp phần giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường của các trang trại chăn nuôi vừa tận dụng nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để phục vụ cho nhu cầu sản xuất của các trang trại chăn nuôi, góp phần làm giảm chi phí sản xuất và bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.
Qua các ý kiến của thành viên, Hội đồng KH&CN chuyên ngành tỉnh đã đánh giá Đề cương dự án đạt yêu cầu và thống nhất cho thực hiện. Tuy nhiên, Hội đồng cũng yêu cầu chủ nhiệm đề cương dự án trên phải bổ sung số liệu của một số thông số chuyên môn để hoàn thiện hơn.
Thúy Hằng