Saturday, 23/11/2024 | 06:00 GMT+7

Thống nhất mạng lưới điện 500kV trên toàn quốc

04/03/2011

Thực hiện Quy hoạch Điện VI đã được Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang phấn đấu đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành toàn bộ công trình Nhà máy thủy điện Sơn La (công suất 2.400 MW) vào cuối năm 2012. Trước mắt, trong năm 2011, EVN dự kiến phát điện tổ máy số 2 vào ngày 30/4; tổ máy số 3, ngày 31/8; tổ máy số 4, ngày 31/12.

Thực hiện Quy hoạch Điện VI đã được Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang phấn đấu đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành toàn bộ công trình Nhà máy thủy điện Sơn La (công suất 2.400 MW) vào cuối năm 2012.


Trước mắt, trong năm 2011, EVN dự kiến phát điện tổ máy số 2 vào ngày 30/4; tổ máy số 3, ngày 31/8; tổ máy số 4, ngày 31/12.
 


Để kịp thời truyền tải hết công suất của Nhà máy thủy điện Sơn La, cách đây gần 1 năm, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) đã khởi công xây dựng Trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa (Bắc Giang) và các đường dây 220kV đấu nối.


avatar.aspx.jpg


Công nhân Công ty truyền tải điện 4 bảo dưỡng thiết bị trạm biến áp Long Bình (Đồng Nai)


Trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa có diện tích rộng gần 16ha là một công trình có quy mô lớn, được lắp đặt 2 máy biến áp có tổng dung lượng 1.800 MVA và các thiết bị phân phối 500kV, 220kV, 35kV. Tổng mức đầu tư trên 1.221 tỷ đồng. 


Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung (Ban AMT) dự kiến tháng 4 năm nay sẽ hoàn thành toàn bộ phần xây dựng. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ chung đơn vị thi công xây dựng móng đến đâu lắp đặt ngay thiết bị đến đó; đồng thời huy động tối đa phương tiện và hơn 400 công nhân túc trực trên công trường để đóng điện Trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa trong quý 4 năm nay.
 


Cùng với Trạm biến áp 500 kV Hiệp Hòa, đường dây 500kV Sơn La-Hiệp Hòa là một trong những công trình trọng điểm cấp quốc gia. Dự án có nhiệm vụ truyền tải điện năng từ Nhà máy thủy điện Sơn La về Trạm biến áp 500kV Sơn La và Hiệp Hòa hòa vào hệ thống điện quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của miền Bắc cũng như cả nước, đồng thời tạo ra mối liên kết mạnh giữa các khu vực trong hệ thống điện toàn quốc.
 


Ông Trần Quang Vinh, Phó Trưởng Ban quản lý Dự án các công trình điện miền Bắc (Ban AMB) cho biết, đường dây 500kV Sơn La-Hiệp Hòa có vốn đầu tư trên 2.801 tỷ đồng, được thiết kế 2 mạch, dài 264,72km, với 545 vị trí cột, đi qua 17 huyện thị của 5 tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Bắc Giang.
 


Để công trình được triển khai đúng tiến độ đề ra, Ban AMB đã chia thành nhiều gói thầu, do 7 đơn vị xây lắp thực hiện. Tính đến nay các đơn vị thi công đã đúc xong 499/545 vị trí móng, triển khai lắp dựng 237 cột. Do tuyến đường dây đi qua nhiều địa hình vùng rừng rậm, núi cao hiểm trở, NPT đã phối hợp với các đơn vị Bộ Quốc phòng rà phá bom mìn nhằm đảm bảo an toàn cho hành lang tuyến.
 


Theo ông Trần Quốc Lẫm, Phó Tổng Giám đốc (NPT), mục tiêu của NPT là đảm bảo đưa các công trình trên sớm đi vào vận hành nhằm khai thác có hiệu quả công suất của nhà máy Thủy điện Sơn La; đồng thời cung cấp điện một cách an toàn, hiệu quả nhất cho các nhu cầu phụ tải của các tỉnh miền Bắc đặc biệt là Thủ đô Hà Nội.
 


Cũng trong thời gian này, gần 100 kỹ sư, công nhân của Công ty Truyền tải điện 1 bố trí dọc theo tuyến đường dây đang ngày đêm bám sát công trường thực hiện nhiệm vụ giám sát, nghiệm thu công trình. NPT đã chỉ đạo các đơn vị tham gia thi công, nghiệm thu đường dây 500kV phải đảm bảo đúng các yêu cầu đề ra, trong đó công tác an toàn cho người và thiết bị vẫn là yếu tố hàng đầu, phấn đấu đóng điện trong quý 3 năm nay.
 


Theo Quy hoạch điện VI, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu và các nhà máy thủy điện trong khu vực được xem là trung tâm thủy điện của các tỉnh Tây Bắc với tổng công suất đặt khoảng 6.540MW; Quảng Ninh, Hải Phòng và các vùng phụ cận được xem là trung tâm nhiệt điện của các tỉnh khu vực Ðông Bắc với tổng công suất đặt khoảng 6.500MW.
 


Sự kết nối giữa 2 trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa và Quảng Ninh và hai đường dây 500kV Sơn La-Hiệp Hòa; Quảng Ninh-Thường Tín sẽ thống nhất lưới điện 500kV trên toàn quốc, từ Nam ra Bắc, từ Đông sang Tây, góp phần cùng EVN giải quyết bài toán thiếu điện hiện nay và tăng cường cung cấp điện cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong thời gian tới.


Mai Phương (TTXVN/Vietnam+)