Saturday, 23/11/2024 | 17:56 GMT+7
Nhiều doanh nghiệp còn ngần ngại thực hiện các giải pháp sử dụng hiệu quả điện năng bởi tâm lý lo sợ đầu tư lớn mà hiệu quả thu hồi vốn lâu dài. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, các giải pháp công nghệ là cần thiết, đòi hỏi vốn lớn nhưng nếu thực hiện không tốt đôi khi hiệu quả mang lại không như mong đợi. Để giảm chi phí năng lượng trước tiên các doanh nghiệp cần chú trọng đến công tác quản lý năng lượng.
PGS.TS. Phạm Hoàng Lương, Phó Hiệu trưởng, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng công tác quản lý năng lượng trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng hay còn gọi là DN trọng điểm đóng vai trò vô cùng quan trọng, bởi khi đảm bảo tốt công tác này, các doanh nghiệp có thể giảm thiểu được chi phí năng lượng cũng như những ảnh hưởng xấu tới môi trường.
Đầu tư ít, hiệu quả cao
Các chuyên gia khẳng định, làm tốt công tác quản lý năng lượng doanh nghiệp có thể tiết kiệm từ 2 đến 10% tổng năng lượng tiêu thụ. Với giải pháp này doanh nghiệp chỉ phải đầu tư vốn thấp cho các thiết bị đo đếm, sau 2 đến 3 đã hoàn toàn hoàn vốn.
Điển hình áp dụng thành công mô hình quản lý năng lượng phải kể đến là các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam- Vinacomin. Từ nhiệm vụ “Đánh giá khảo sát tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các hộ tiêu thụ điển hình vùng Quảng Ninh, xây dựng mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong Tập đoàn” do Bộ Công Thương và Vinacomin giao, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ đã xây dựng mô hình quản lý năng lượng cho các hộ tiêu thụ điển hình trong Vinacomin. Các mô hình này đã giúp các đơn vị quản lý điện năng tiêu thụ, kiểm toán tự động đưa ra các cảnh báo về tiêu thụ năng lượng để kịp thời xử lý các khu vực sử dụng điện chưa hiệu quả và nhanh chóng khắc phục.
Mô hình quản lý năng lượng trong Vinacomin được thực hiện đồng bộ bao gồm quản lý cơ sở dữ liệu tiêu thụ năng lượng, quản lý giám sát điện năng tự động và quản lý giám sát nhiên liệu tự động.
Đại diện Vinacomin cho biết, tiếp theo các kết quả kiểm toán, các đơn vị sẽ lập dự án đầu tư, triển khai lắp đặt và đưa vào vận hành các thiết bị tiết kiệm năng lượng một cách tổng thể, đồng thời sẽ áp dụng rộng rãi mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các đơn vị sản xuất của Tập đoàn nhằm đem lại hiệu quả sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp nói riêng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nói chung.
Quan trọng là nhận thức
Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội mỗi năm thực hiện kiểm toán năng lượng cho vài chục doanh nghiệp trên địa bàn và các tỉnh lân cận. Trong quá trình thực hiện kiểm toán có một thực tế là không riêng gì các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà ngay cả những doanh nghiệp lớn cũng chưa nhận thấy tầm quan trọng cũng như lợi ích của công tác quản lý năng lượng.
Anh Hoàng Quân, chuyên viên Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội cho biết, hiện trạng quản lý năng lượng của các nhà máy được kiểm toán năng lượng đa phần đạt mức trung bình, điều này cho thấy còn tiềm năng rất lớn để cải thiện hệ thống quản lý năng lượng nhằm đưa đến hiệu quả sử dụng năng lượng cho doanh nghiệp, giảm bớt chi phí năng lượng cho vận hành. Đa phần doanh nghiệp chưa quan tâm đến chính sách năng lượng, tổ chức, động lực và hệ thống theo dõi, giám sát, báo cáo, nhận thức của nhân viên, đào tạo hay các chính sách khuyến khích. Vì vậy nhóm kiểm toán luôn đề xuất doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý năng lượng hoàn thiện trong chiến lược sử dụng năng lượng lâu dài.
Hệ thống quản lý năng lượng đóng vai trò hạt nhân, là cốt
lõi của công tác TKNL. Đương nhiên trong các giải pháp đều có những công
nghệ, thiết bị để giải quyết, nhưng nếu không nắm vững về quan điểm, lý
thuyết của hệ thống thì dù đưa thiết bị tối tân hay gì vào cũng không hiệu
quả. Qua những hoạt động đánh giá rút kinh nghiệm, kiến thức thu được chính
là thực lực của doanh nghiệp. Nếu chúng ta không thực sự hiểu mà cứ đầu tư
thiết bị TKNL rồi đưa vào áp dụng thì sẽ không có ý nghĩa nữa. - Ông Yutaka OGURA,
Giám đốc Hợp tác kỹ thuật Trung tâm TKNL Nhật Bản Hồ Nga - Bản tin TKNL
|
Hiện nay mô hình quản lý năng lượng trong các DN sản xuất trọng điểm ở nước ta vẫn chưa được hình thành một cách rõ rệt. Những công việc cụ thể của một cán bộ quản lý năng lượng trong doanh nghiệp chưa được tiến hành một cách có bài bản, mới chỉ dừng lại ở những ghi chép sơ bộ về những chi phí điện năng hay nhiệt năng, trong khi yêu cầu phải là việc ghi chép cụ thể để từ đó đối chiếu, so sánh giữa các thời điểm khác nhau và có thể tính được chi phí năng lượng. Trong khi đó, tại các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản… công tác quản lý năng lượng trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trọng điểm đã và đang được đặc biệt lưu tâm.
Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động và giảng dạy về quản lý năng lượng, ông Lương nhận định, nhận thức về tiết kiệm năng lượng có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác quản lý năng lượng. Trong hầu hết các xí nghiệp công nghiệp, các nhân viên kỹ thuật và công nhân vận hành thường chỉ quan tâm đến các hệ thống, thiết bị năng lượng do mình quản lý, vận hành có hoạt động hay không để đảm bảo quy trình sản xuất của xí nghiệp mà không biết chính xác đặc tính vận hành của hệ thống, thiết bị cũng như các chi phí nguyên vật liệu và nhiên liệu cho từng hệ thống thiết bị đó. Vì vậy, công tác đào tạo về hiệu quả năng lượng đóng vai trò quan trọng giúp các doanh nghiệp tăng lợi nhuận từ các hoạt động tiết kiệm năng lượng.
Hùng
Linh