Monday, 23/12/2024 | 21:59 GMT+7

Công nghệ mới - giảm tiêu hao năng lượng

11/10/2011

Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong khu vực DNNVV là rất lớn, có thể lên đến 60 - 70% đối với các doanh nghiệp sản xuất gạch và gốm sứ

 Xu hướng sử dụng các công nghệ hiện đại nhằm giảm tiêu hao năng lượng, giảm bớt khí thải trong hoạt động sản xuất đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn đầu tư.

Theo khảo sát của Hiệp hội Thép Việt Nam, công nghệ đang áp dụng tại nhiều doanh nghiệp thép hiện cần khoảng 600 kWh điện để sản xuất ra 1 tấn thép. Nhà máy thép Pomina đã sử dụng công nghệ Consteel và cán thép Siemens-VAI với mức tiêu hao điện để làm ra thép chỉ là 450-500 kWh/tấn. Theo ông Trịnh Văn Nam, Trưởng ban Quản lý Nhà máy Pomina 2 – nơi đặt dây chuyền sản xuất thép nói trên, có được kết quả này là bởi khi lập dự án, vào năm 2004, Công ty đã chú trọng đầu tư công nghệ hiện đại, dù chi phí ban đầu cao hơn hẳn so với đầu tư thiết bị, công nghệ giá rẻ mua của Trung Quốc.

3b46808a9_thep1.jpg

Công nghệ này đã giúp Nhà máy Pomina 2 tận dụng được khí thải ở nhiệt độ 300-400 độ C trong lò để sấy phế liệu trước khi đưa vào luyện. Nhờ đó giảm tiêu hao điện cho quá trình luyện thép tới 30%, chi phí sản xuất cũng giảm hơn 10 USD/tấn. Cùng với đó, quá trình sản xuất thép từ phôi nóng được nạp trực tiếp từ nhà máy luyện đã giúp giảm 30% chi phí gia nhiệt trong quá trình cán thép thành phẩm.

Lợi ích rõ ràng khi sử dụng công nghệ này tại Pomina đã khiến Nhà máy Thép Việt Ý, Nhà máy Thép Nghi Sơn quyết định dùng công nghệ này trong các kế hoạch đầu tư của mình mới đây.

Cùng với sự chủ động từ phía doanh nghiệp, Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ năm 2008 đã triển khai Chương trình “Hỗ trợ các doanh nghiệp trọng điểm thuộc ngành công nghiệp luyện kim địa phương thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”. Sau 2 năm thực hiện, đã có 7 doanh nghiệp sản xuất thép được chọn thực hiện kiểm toán năng lượng, tư vấn và hỗ trợ thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Nhờ đó, chỉ tính riêng 4 cơ sở sản xuất sắt thép trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã tiết kiệm được mỗi năm 133.000 kWh điện, 112 tấn than và 81 tấn củi. Bên cạnh việc tiết kiệm năng lượng, giải pháp này còn làm giảm 115 tấn khí thải CO2.

Tuy nhiên, việc thực hiện tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng ở các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn ở mức rất khiêm tốn bởi trình độ công nghệ sử dụng ở dưới mức trung bình.

Theo khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Công thương mới đây, nhiều DNNVV vẫn sử dụng các thiết bị công nghệ rất lạc hậu, trong khi trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ nhân viên vận hành thiết bị trong các DNNVV thường rất hạn chế. Các phương pháp và giải pháp tiết kiệm năng lượng quan trọng như kiểm toán năng lượng, quản lý năng lượng... chưa được nhiều DNNVV biết đến. Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến suất tiêu hao năng lượng trong nhiều ngành công nghiệp ở Việt Nam cao. Đơn cử, trong ngành thép, chỉ tiêu này gấp 2,2 lần Trung Quốc và các nước châu Âu.

Kết quả kiểm toán năng lượng thực tế cũng cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong khu vực DNNVV là rất lớn, có thể lên đến 60 - 70% đối với các doanh nghiệp sản xuất gạch và gốm sứ, nếu áp dụng các công nghệ mới sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng. Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các DNNVV (PECSME) cũng đã chứng minh, chuyển đổi từ công nghệ nung gạch thủ công sang công nghệ lò nung gạch kiểu đứng giúp doanh nghiệp tiết kiệm được từ 30 - 60% chi phí năng lượng; việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng thông qua việc cải thiện hệ thống chiếu sáng, lắp biến tần, nâng cấp và bảo ôn hệ thống cung cấp hơi... đã giúp các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, dệt may, giấy và bột giấy tiết kiệm được 4 - 15% chi phí năng lượng.

Ông Trần Quốc Thắng, Trưởng ban Chỉ đạo Dự án PECSME cho hay, mức tiết kiệm và giảm phát thải khí nhà kính thực tế đạt được của dự án trong các ngành có giải pháp chuyển đổi công nghệ tiết kiệm năng lượng, thường ở mức cao (gạch 30 - 60%, gốm 15 - 40%), bằng với mức tiềm năng được xác định trong các báo cáo kiểm toán sơ bộ và nghiên cứu khả thi. Nhưng để các hoạt động này được nhân rộng, cần có sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước.

“Nếu không có các khuyến khích tài chính và hỗ trợ vốn đầu tư cụ thể, dễ dàng tiếp cận, việc thực hiện các biện pháp, công nghệ sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng cần vốn đầu tư lớn sẽ rất hạn chế”, ông Thắng nói.

Theo Đầu Tư