Saturday, 23/11/2024 | 10:30 GMT+7

Ngành công nghiệp sản xuất bia hướng tới mục tiêu tiết kiệm năng lượng

25/10/2011

Nhà máy có công nghệ cũ tiềm năng tiết kiệm khoảng 15% chi phí điện năng. Với những nhà máy có dây chuyền mới hơn mức tiết kiệm cũng vào khoảng 10%.

Đảm bảo an ninh năng lượng là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, trong đó, điện năng đóng vai trò quan trọng là nguồn động lực của nền kinh tế. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây khi nền kinh tế phát triển đã dẫn đến nhu cầu điện năng ngày càng tăng, vì vậy, vấn đề bức thiết lúc này là làm thế nào để sử dụng điện năng tiết kiệm và hiệu quả trong toàn xã hội.

Chia sẻ gánh nặng năng lượng quốc gia, cùng với với nhiều ngành công nghiệp khác, các doanh nghiệp trong ngành sản xuất bia đã và đang triển khai nhiều dự án sử dụng hiệu quả năng lượng.

Những thành công ban đầu

Năm 2008, với sự hỗ trợ của Văn phòng Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương, Nhà máy Bia Sài Gòn Nguyễn Chí Thanh, trực thuộc Sabeco đã có những bước đi đầu tiên triển khai hoạt động tiết kiệm năng lượng. Một Ủy ban tiết kiệm năng lượng đã được thành lập có chức năng tư vấn cho các đơn vị kiểm tra đánh giá, thông báo kịp thời nguyên nhân lãng phí, thất thoát năng lượng và đề xuất những biện pháp khắc phục.

7f3d5bfc7_bia_4.jpg

Từ đó đến nay nhà máy liên tục áp dụng những cải tiến giúp giảm lượng điện năng tiêu thụ đáng kể. Có thể kể ra một số giải pháp lớn như sáng kiến điều chỉnh áp suất nước qua bộ trao đổi nhiệt của máy lạnh, giảm được gần 500 triệu đồng, vận dụng lò hơi với áp suất lò từ 4-6 bar so với trước đây là 7-10 bar, điều chỉnh các van dù, vừa đảm bảo cung cấp đủ hơi nước vừa tiết kiệm dầu, bên cạnh đó các kỹ thuật viên còn áp dụng biện pháp sử dụng điện trở đun nước nóng để thay hơi nóng xông CO2 lỏng thành khí tinh khiết cung cấp cho sản xuất vào ngày đầu tuần nhằm mục đích ngưng hẳn hò hơi để tiết kiệm dầu. Chỉ tính riêng năm 2010 Nhà máy Bia Sài Gòn Nguyễn Chí Thanh đã tiết kiệm được 1,7 tỷ đồng nhờ thực hiện tiết kiệm điện năng.

Một điển hình sử dụng hiệu quả năng lượng trong các nhà máy bia khác là Nhà máy bia Thanh Hóa. Được sự hỗ trợ của tổ chức NEDO Nhật Bản, Bộ Công Thương và ngành bia Việt Nam, nhà máy bia Thanh Hóa đã được lựa chọn than gia trình diễn dự án “Ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng tại Nhà máy Bia Thanh Hóa”.

Sau khi kết thúc dự án nhà máy đã tiết kiệm năng lượng được 3.386 tấn dầu quy đổi/năm, giảm lượng phát thải CO2 10.476 tấn/năm. Không chỉ tiết kiệm từ việc giảm chi phí năng lượng, với lượng phát thải thu được khi đem bán tại thị trường phát thải CO2 theo Nghị định thư Kyoto mỗi năm nhà máy có thể thu được lợi ích kinh tế khoảng 400 000 USD.

a74dfe3b1_bia_3.jpg

Bên cạnh đó, còn rất nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng đã được triển khai và bước đầu đem đến hiệu quả lớn. Gần đây nhất, kết quả kiểm toán năng lượng tại Công ty CP Bia Hà Nội Sài Gòn cho thấy tiêu thụ năng lượng của công ty thấp hơn nhiều so với các nhà máy trong ngành. Cụ thể, lượng điện, dầu, nước đều thấp hơn khoảng 10%. Các giải pháp đã thực hiện bao gồm Xây dựng định mức tiêu hao nguyên nhiên liệu cho từng tháng quý năm; . Phát triển phong trào sáng kiến sáng tạo trong sử dụng hiệu quả năng lượng; cải tiến công nghệ, sử dụng thiết bị tiết kiệm điện…

Tiềm năng lớn

Việt Nam được đánh giá là quốc gia tiêu thụ bia lớn trên thế giới. Đáp ứng nhu cầu đó ngành công nghiệp bia, nước giải khát đang có sự phát triển mạnh mẽ. Điều này là tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế đồng thời thách thức về năng lượng cũng đem đến gánh nặng không nhỏ.

Mới đây tại hội thảo Quốc tế về tiết kiệm năng lượng trong các nhà máy bia diễn ra tại Hà Nội, ông Desmond Chua – Giám đốc bán hàng Grundfos việt Nam cho biết  gần 20% năng lượng điện trên toàn thế giới được dùng để vận hành hệ thống bơm và có thể tiết kiệm được khoảng 30 – 50% điện năng dùng cho hệ thống này. Vì thế , tiềm năng tiết kiệm điện trong ngành sản xuất bia là rất lớn. Tận dụng được nguồn năng lượng đó, các doanh nghiệp sản xuất bia thế giới nói chung và các doanh nghiệp ngành bia Việt Nam sẽ tiết kiệm được chi phí sản xuất đáng kể và quan trọng hơn là giảm thiểu tác động môi trường, tạo dựng niềm tin từ phía người tiêu dùng.

3c4640846_bia_moi.jpg

Theo ông Nguyễn Văn Long, chuyên viên Văn phòng Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương, tiềm năng sử dụng hiệu quả năng lượng trong ngành công nghiệp bia – rượu- nước giải khát còn rất lớn. Đối với các nhà máy có công nghệ cũ tiềm năng tiết kiệm khoảng 15% chi phí điện năng. Với những nhà máy có dây chuyền mới hơn mức tiết kiệm cũng vào khoảng 10%.

Trong khuôn khổ Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng đã thực hiện kiểm toán năng lượng cho một số doanh nghiệp ngành bia. Gần đây nhất là kiểm toán năng lượng tại Công ty Bia Hà Nội- Hưng Yên; Bia Sài Gòn- Hà Nội; Bia Sài Gòn- Đắc Lắc; Bia Sài Gòn- Phú Yên; Bia Sài Gòn- Nguyễn Chí Thanh…

Từ kết quả kiểm toán năng lượng có thể thấy, tiềm năng sử dụng tiết kiệm năng lượng trong các nhà máy bia là không hề nhỏ. Như nhà máy bia Công ty CP Bia Hà Nội Sài Gòn, báo cáo kiểm toán năng lượng đã chỉ ra doanh nghiệp còn có cơ hội tiết kiệm đến 4 tỷ đồng/ năm nếu áp dụng đầy đủ các giải pháp đề xuất.

Ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng giúp giảm thiểu những thiệt hại không đáng có do sử dụng năng lượng bất hợp lý,  đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường xung quanh. Thực hiện tiết kiệm năng lượng chính là thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Từ những thành công ban đầu từ các doanh nghiệp đi trước các doanh nghiệp ngành bia đang có những hành động tích cực nhằm đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm năng lượng góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm gánh nặng năng lượng quốc gia và cũng là tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Trần Liễu