Saturday, 23/11/2024 | 07:55 GMT+7

Kinh nghiệm triển khai các dự án TKNL tại Việt Nam và quốc tế

15/11/2011

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức.Hội thảo về kinh nghiệm thực hiện các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Hôm nay, 15/11/2011, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo "Kinh nghiệm thực hiện các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu tại Việt Nam và quốc tế" quả do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức.

0bf657ed0_pecsme.jpg

Tại hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế cùng chia sẻ kinh nghiệm từ một số dự án trong việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và phát triển thị trường sử dụng hiệu quả năng lượng tại Việt Nam. Các chuyên gia đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản cũng tham gia giới thiệu kinh nghiệm liên quan đến chính sách thể chế, chuyển giao công nghệ, phát triển công ty dịch vụ năng lượng và nguồn tài chính cho các dự án đầu tư hiệu quả năng lượng; đồng thời phổ biến những bài học kinh nghiệm thu hút sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam.

Theo ông Trần Việt Thanh- Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ: Việt Nam là nước có nguồn năng lượng đa dạng về chủng loại nhưng không nhiều về trữ lượng, trình độ công nghệ và trình độ quản lý thấp nên việc sử dụng năng lượng còn lãng phí, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và sinh hoạt được đánh giá khá cao. Để đạt mục tiêu giảm 3-5% tổng nhu cầu năng lượng thương mại giai đoạn 2016- 2020 và 5-8% giai đoạn 2011-2015, chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được xem như một chính sách quan trọng trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.

Một trong những dự án được đánh giá thành công nhất trong hoạt động tiết kiệm năng lượng thời gian qua là dự án nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa (PECSME) do Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện. 5 năm qua, đã có 543 dự án được thực hiện trong 5 ngành công nghiệp: sản xuất gạch, gốm sứ, giấy và bột giấy, dệt may và chế biến thực phẩm. Tổng mức năng lượng tiết kiệm được từ các dự án  là 232 tấn dầu tương đương, giảm phát thải 944.000 tấn CO2, chi phí năng lượng trên giá thành sản phẩm giảm 24,3%. Có 35 tổ chức dịch vụ tiết kiệm năng lượng tham gia hỗ trợ trên 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng. Khó khăn nhất với các doanh nghiệp là việc tiếp cận các nguồn vốn.

Theo ông Phạm Ngọc Chuyển, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc điều hành Công ty CP gạch ngói Quỳnh Lâm (Hòa Bình), các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận các nguồn thông tin và ban điều hành dự án để mở ra cơ hội tiếp cận các nguồn vốn. Điều quan trọng là các dự án phải đảm bảo tính hiệu quả và khả năng thu hồi vốn.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu sẽ thăm làng gốm Bát Tràng, nơi có 132 doanh nghiệp, hộ sản xuất áp dụng thành công công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào sản xuất gốm sứ, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần phát triển bền vững làng nghề.

Minh Sơn