Monday, 20/01/2025 | 09:48 GMT+7

Còn nhiều tiềm năng tiết kiệm điện

29/01/2012

Hiện trên cả nước vẫn xảy ra hiện tượng dùng điện lãng phí với đủ cấp độ khác nhau. Theo đánh giá của các chuyên gia, tiềm năng về tiết kiệm điện hiện còn rất lớn.

Vẫn còn lãng phí điện

Gia đình bà Hoàng Thị Mây ở bản Lậm Cáy, xã Hoang Thèn (Phong Thổ, Lai Châu) dù là diện hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện nhưng mỗi tháng chỉ dùng chưa hết 10kWh. “Nhà chỉ có 2 cái bóng tiết kiệm điện, và dùng cái nồi cơm, ti vi thì có nhưng cũng chỉ bật một lúc vào buổi tối vì sợ… tốn tiền” - bà Mây nói.

Ông Phạm Chiến Thắng - Phó Giám đốc Điện lực huyện Phong Thổ (Lai Châu) cho biết: “Trên địa bàn hầu hết người dân đều dùng bóng đèn compact tiết kiệm điện nên mức tiêu thụ điện trung bình hàng tháng rất thấp chỉ khoảng 30 - 50 kWh/hộ dân”. Khác với đồng bào vùng cao, hiện trên cả nước vẫn xảy ra hiện tượng dùng điện lãng phí với đủ cấp độ khác nhau.

Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội cho biết, khi kiểm toán năng lượng ở một doanh nghiệp sản xuất bia năm 2011 đã phát hiện mức tiêu thụ điện năng giữa các tháng của đơn vị này không đồng đều. Với cùng một sản lượng bia sản xuất ra, lượng điện tiêu thụ giữa các tháng lại chênh lệch rất lớn, có khi đến 5 - 7 lần. Nguyên nhân chính là do kế hoạch sản xuất và tiêu thụ không đồng bộ nên sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm, phải nằm lại lâu trong hệ thống trữ lạnh. Tình trạng này không phải cá biệt, mà xảy ra khá phổ biến trong các nhà máy sản xuất bia cũng như ngành chế biến thực phẩm.

0d2c516e9_tatnien_36_thodien.jpg

Theo ông Lê Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, giá điện năm 2011 đã tăng 15,28% so với năm 2010 đã dẫn tới mức tiêu thụ mức năng lượng của các doanh nghiệp cao gấp 1,5 lần so với doanh nghiệp Thái Lan hay Malaysia. Để sản xuất ra một đồng giá trị sản phẩm công nghiệp, doanh nghiệp cần một năng lượng từ 50 - 70% .


Một khảo sát thực tế của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, hiện số khu công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh hình thành cách đây 10 năm có mức lãng phí năng lượng rất lớn, tập trung chủ yếu ở hai khu vực chính là hệ thống chiếu sáng từ 30 - 50%; trạm bơm cấp nước 20 - 30%.

Theo TS Vũ Minh Mão - Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam, hiện nay, mỗi năm ở nước ta điện chiếu sáng chiếm khoảng 25% tổng sản lượng điện thương phẩm, trong khi con số này ở các nước trên thế giới chỉ từ 16-17%. Do đó, vẫn còn nhiều tiềm năng để tiết kiệm điện từ hệ thống điện chiếu sáng bằng việc thay đổi công nghệ lạc hậu.

Ý thức chưa cao


Theo EVN Hà Nội, năm 2011, đã phát hiện có tới 20 đơn vị hành chính sự nghiệp đã có thống kê lượng điện tiêu thụ, phát hiện tăng đột biến so với cùng kỳ 2010. Điển hình như tháng 8.2011, mức tiêu thụ điện năng của các đơn vị này tăng từ 165-190% so với cùng kỳ. Qua tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ tiêu thụ điện tại một số đợn vị, đoàn kiểm tra liên ngành của Hà Nội đã kết luận, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tiêu thụ điện tăng cao tại các đơn vị này, nhưng chủ yếu vẫn là ý thức sử dụng điện tiết kiệm còn yếu kém.

Chỉ cần vào một cơ quan, công sở ở Hà Nội, tình trạng đi ra khỏi phòng vẫn để máy tính, điều hòa, bóng điện vào buổi trưa vẫn thường xuyên diễn ra. “Trong khi khu vực sản xuất đổ lỗi cho việc thay đổi công nghệ sẽ rất tốn kém thì khu vực sinh hoạt lại xảy ra tình trạng ý thức kém. Việc dùng điện ở cơ quan công sở do quan niệm “dùng của chùa” nên “cha chung không ai khóc” dẫn tới lãng phí điện” - một lãnh đạo của EVN nhất mạnh.

Năm 2011, chương trình tiết kiệm điện của EVN cũng đã vượt mục tiêu tiết kiệm 1% điện thương phẩm, đồng thời đẩy mạnh giảm tổn thất điện năng khu vực tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ trên 25% xuống dưới 15%” - ông Hồ Tuấn – Trưởng ban Quan hệ cộng đồng, EVN cho biết.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tiềm năng về tiết kiệm điện hiện còn rất lớn. Ông Nguyễn Văn Biên - Trưởng ban Kế hoạch và Kiểm soát chi phí, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết: Với suất tiêu thụ điện khoảng 15 kWh/tấn than, giá điện năm 2011 tăng lên 15,28% thì tổng giá thành than của Tập đoàn cũng tăng thêm khoảng 100 tỷ đồng. TKV đang tiếp tục đầu tư công nghệ mới bởi tiềm năng tiết kiệm điện trung bình tại các mỏ hầm lò còn rất lớn. Hiện Tập đoàn đã đạt 10,8%, tương đương tiết kiệm khoảng 31,5 tỷ đồng/năm.

TS Bùi Huy Phùng (Viện Khoa học Năng lượng) cho biết: “Bên cạnh việc tạo lập hành vi sử dụng tiết kiệm điện hằng ngày, việc mấu chốt là các doanh nghiệp phải quyết tâm đổi mới công nghệ và quan trọng hơn cả là phải làm thay đổi ý thức, trách nhiệm của từng người trong việc sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng điện”.

Dự báo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, năm 2012 khả năng sẽ thiếu gần 1 tỷ m3 khí, buộc các nhà máy nhiệt điện phải chuyển sang chạy dầu. Điều này cũng sẽ khiến chi phí của EVN bị đội lên gần 18.000 tỷ đồng và nguy cơ có thể xảy ra thiếu điện. Để đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và kinh doanh, ngoài việc đẩy mạnh đầu tư các công trình điện sớm đưa vào sản xất, các chương trình thực hiện kiểm toán năng lượng, sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng cũng sẽ được đẩy mạnh.

Theo DanViet