Wednesday, 27/11/2024 | 09:50 GMT+7

Điểm sáng trong công tác tiết kiệm điện

06/02/2012

Năm 2011, công tác tiết kiệm điện của cả nước đã đạt được những hiệu quả đáng kể khi “kéo” hệ số đàn hồi tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện và GDP từ 2 xuống còn 1,63

Năm 2011, công tác tiết kiệm điện của cả nước đã đạt được những hiệu quả đáng kể khi “kéo” hệ số đàn hồi tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện và GDP từ 2 xuống còn 1,63. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, con số này còn thấp hơn – chỉ vào khoảng 1.

799d180a2_rmit.jpg
Tòa nhà RMIT – một trong những công trình TKNL tiêu biểu của TP. HCM

Từ những địa chỉ “xanh”

Đại học RMIT là một trong những tòa nhà tiêu biểu của TP. Hồ Chí Minh đạt tiêu chuẩn “tòa nhà xanh”. Chia sẻ về những hiệu quả tiết kiệm năng lượng (TKNL) mà RMIT đạt được, theo Giáo sư Merilyn Liddell, Tổng Giám đốc RMIT Việt Nam: Tòa nhà 1 - cơ sở Nam Sài Gòn là  tòa nhà mới được xây dựng vào năm 2005 và ý thức làm sao xây dựng được một công trình sử dụng năng lượng hiệu quả là điều mà RMIT luôn quan tâm. Do đó, tòa nhà đã được thiết kế theo cách sử dụng nhiều kính để tận dụng ánh sáng; hành lang được thiết kế đặc biệt để có thể tận dụng được lượng gió dọc theo hành lang, làm mát tòa nhà và hạn chế việc phải sử dụng điều hòa. Đối với hệ thống máy lạnh, để hệ thống hoạt động hiệu quả nhưng vẫn đạt mục tiêu tiết kiệm điện, toàn bộ hệ thống máy lạnh được lắp ráp tại tòa nhà là máy lạnh hiệu suất cao, có dãy điều khiển công suất rộng để đảm bảo cho nhu cầu sử dụng, đồng thời sử dụng cảm biến nồng độ CO2 để kiểm soát chất lượng không khí. Bên cạnh đó, tòa nhà đã sử dụng hệ thống chiếu sáng hiện đại thay vì hệ thống chiếu sáng truyền thống, được lập trình và điều khiển bằng phần mềm, có khả năng tự động bật sáng khi có người và tắt đi khi không sử dụng. Toàn bộ đèn điện được lắp đặt cho tòa nhà đều là đèn huỳnh quang T5, giúp tiết kiệm 40% điện năng tiêu thụ so với đèn sợi đốt… Do đó, so với các tòa nhà khác, RMIT luôn có lượng tiêu thụ điện ít hơn khoảng 10 - 40% tùy từng bộ phận.

Một trong những địa chỉ “xanh” khác của TP. HCM là khách sạn Diamond Plaza - công trình đã được vinh danh trong cuộc thi “tòa nhà xanh Đông Nam Á” trong 2 năm 2007 - 2008. Chia sẻ những kinh nghiệm về TKNL trong tòa nhà, kỹ sư trưởng Lương Minh Đức cho biết: "Để đạt được hiệu quả cao trong TKNL trước hết phải nhờ vào ý tưởng thiết kế ban đầu. Kết cấu xây dựng, kiến trúc và các hệ thống kỹ thuật hiện đại đã giúp tòa nhà tiết kiệm được khoảng 10% - 40% năng lượng". Cụ thể, hệ thống điện, hệ thống lạnh và các tiện ích trong tòa nhà đều được kiểm soát và điều khiển bởi hệ thống điều khiển tự động. Tòa nhà được trang bị đầy đủ và chi tiết các thiết bị đo lường, các cảm biến theo dõi được hết sự hoạt động của tất cả các hệ thống kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống điện. Vì vậy, công tác kiểm toán năng lượng và kiểm tra tiêu thụ năng lượng được thực hiện một cách chi tiết và chính xác…

Tại TP.HCM, nhóm hộ gia đình có tỷ lệ tiêu thụ điện năng chiếm khoảng 35% tổng lượng điện năng. Khi sử dụng điện, các hộ gia đình không bị ràng buộc bởi các văn bản, quy chuẩn pháp luật như đối với nhóm sản xuất, công nghiệp. Do vậy, kêu gọi tiết kiệm điện hộ gia đình trên tinh thần vận động, tự nguyện. Năm 2010, cuộc vận động hộ gia đình tiết kiệm điện chỉ chủ yếu nhắm đến đối tượng phụ nữ, đối tượng được xem là người nắm "tay hòm chìa khóa", đồng thời là người đóng vai trò lớn trong giáo dục con cái và cũng là người sử dụng điện thường xuyên nhất trong gia đình với nhiều vật gia dụng như: tivi, máy giặt, tủ lạnh, nồi cơm điện,… thì đến năm 2011, cuộc vận động đã nhắm đến cả việc giáo dục các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là đối tượng trẻ em.

Theo đánh giá của ông Lê Văn Phước - Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVN HCMC): “Trong năm 2011, hộ gia đình là một trong những đối tượng thực hiện TKNL hiệu quả nhất”. Bà Hoàng Thị Tuyết - đường Trần Văn Đang – Quận 3 - TP. Hồ Chí Minh cho biết, gia đình bà có 6 người, sử dụng 2 ti vi, 3 điều hòa, 1 tủ lạnh, 3 bình nước nóng, 3 quạt điện… Trước đây, khi chưa biết áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện, gia đình bà phải trả khoảng 500 - 600.000 đồng tiền điện/tháng. Tuy nhiên, từ khi xây nhà mới, bà đã được tư vấn sử dụng toàn bộ đèn compact, đèn Led cho chiếu sáng trong nhà, sử dụng quạt nhỏ công suất thấp, tắt nguồn điều hòa, tivi khi không sử dụng. Bên cạnh đó, bà còn tham gia chương trình lắp đặt bình đun nước nóng năng lượng mặt trời và được hỗ trợ 1 triệu đồng, giúp sử dụng nước nóng liên tục, tiết kiệm gas và điện. Do đó, lượng điện dùng đã giảm đi 1 nửa.

Đến hiệu quả tiết kiệm cao

Theo thống kê của EVN HCMC, trong năm 2011, tổng sản lượng tiết kiệm điện toàn thành phố đạt 391,61 triệu kWh - lần đầu tiên chiếm đến 2,6% lượng điện thương phẩm, gấp 2,4 lần kế hoạch Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN giao, tăng 75,7% so với cùng kỳ. Trong đó, tiêu điểm là chương trình “Gia đình tiết kiệm điện” với 811.306 hộ gia đình tham gia - chiếm khoảng 50% số khách hàng, đã góp phần tiết kiệm 86,8 triệu kWh. Tổn thất điện năng toàn Tổng công ty đạt 5,76%, thấp hơn chỉ tiêu Tập đoàn giao 0,19%, giảm 0,06% so với cùng kỳ. Trong hội nghị tổng kết công tác năm 2011 và triển khai kế hoạch hành động cho năm 2012 của ngành điện, ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc EVN đánh giá: Năm 2011, TP. Hồ Chí Minh là điểm sáng trong công tác tiết kiệm điện.

Chia sẻ về kết quả này, ông Lê Văn Phước cho biết: Trong năm 2011, công tác tiết kiệm điện của TP. Hồ Chí Minh được thực hiện hiệu quả nhờ một loạt các giải pháp như: Lập phương án tiết kiệm điện từ đầu năm; Đề xuất các giải pháp tiết kiệm điện đến các đơn vị như: Bộ Công Thương, các sở, hội phụ nữ, đoàn thanh niên để huy động sức mạnh toàn xã hội; Trình bày đề án với BCH đảng bộ thành phố với các đồng chí bí thư, giám đốc sở ngành, hiệp hội đoàn thể thành phố để tạo sự hưởng ứng, tổ chức triển khai thực hiện… Riêng với công tác tiết kiệm điện hộ gia đình, cuộc thi hộ gia đình TKNL đã được tổ chức hàng năm nhằm tạo phong trào cho người dân tham gia với những chính sách động viên như tặng 500.000 đồng/hộ cho khoảng 250 hộ gia đình thực hiện tiết kiệm điện tốt nhất; Tặng 200.000 đồng/hộ cho 10.000 hộ tiết kiệm điện tiêu biểu… Do đó, chương trình hàng năm thường thu hút khoảng 50% các hộ gia đình trên địa bàn thành phố tham gia. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ nỗ lực để huy động khoảng 70 - 80% hộ gia đình tham gia cuộc thi này để nâng hiệu quả tiết kiệm điện cao hơn nữa”.

Nhận xét về những hiệu quả tiết kiệm điện mà TP. Hồ Chí Minh đạt được, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định: “Cần nhân rộng nhiều điển hình như TP. Hồ Chí Minh để đưa hệ số đàn hồi điện năng từ 1,63 lần hiện nay xuống dưới 1,5 vào năm 2015, vừa bảo vệ môi trường, vừa sử dụng năng lượng bền vững”.

Theo Kinh tế Việt Nam