Friday, 08/11/2024 | 18:26 GMT+7

Xây dựng nguồn nhân lực về hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001

18/05/2012

Khóa đào tạo là một trong những hoạt động của chương trình xây dựng nguồn nhân lực về hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001

Trong các ngày từ 14 đến 18/5/2012, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tổ chức khóa đào tạo cán bộ doanh nghiệp và chuyên gia tư vấn về xây dựng và vận hành hệ thống quản lý năng lượng theo Tiêu chuẩn ISO 50001.

58ae9bb6f_lop_hoc.jpg

Khóa đào tạo  là một trong những hoạt động của chương trình xây dựng nguồn nhân lực về hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 của dự án “Thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thông qua tối ưu hóa hệ thống và các tiêu chuẩn quản lý  năng lượng tại Việt Nam”. Dự án do Bộ Công Thương phối hợp với UNIDO thực hiện trong giai đoạn 7/2011 đến 12/2014.

Trong 5 ngày, đã có 65 cán bộ doanh nghiệp và 40 chuyên gia tư vấn năng lượng tham gia khóa đào tạo. Trong đó, học viên là cán bộ quản lý năng lượng  doanh nghiệp thuộc 4 ngành bao gồm giấy, bột giấy, dệt, chế biến thực phẩm và cao su. Các chuyên gia tư vấn đến từ các Trung tâm tiết kiệm năng lượng, các tổ chức tư vấn tiết kiệm năng lượng, Trung tâm sản xuất sạch hơn…Khóa đào tạo do các chuyên gia tư vấn năng lượng quốc tế giảng dạy.

37a993e3a_chuyen_gia.jpg

Mục tiêu của Chương trình đào tạo chuyên gia quản lý năng lượng là hình thành một đội ngũ chuyên gia được trang bị các kiến thức, kỹ năng và công cụ cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp áp dụng và thực hiện hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001. Các chuyên gia trong nước sau khi được đào tạo sẽ có khả năng: Thúc đẩy và cung cấp tư vấn về hệ thống quản lý năng lượng và ISO 50001 cho các nhà quản lý doanh nghiệp công nghiệp;  Làm việc với doanh nghiệp để xây dựng và thực hiện hệ thống quản lý năng lượng nhằm cải thiện hiệu suất năng lượng; Hỗ trợ/tư vấn cho các doanh nghiệp xây dựng và thực hiện hệ thống quản lý năng lượng tuân thủ tiêu chuẩn ISO 50001.

Kết thúc khóa đào tạo, một nhóm các chuyên gia trong nước sẽ được trang bị kỹ năng cần thiết để tiến hành đào tạo xây dựng năng lực cho cán bộ/nhân viên doanh nghiệp công nghiệp về xây dựng và thực hiện hệ thống quản lý năng lượng.

32ee2a7c5_tap_the.jpg

Cụ thể, cuối chương trình đào tạo các chuyên gia học viên sẽ có kỹ năng, kiến thức bao gồm: Lợi ích chiến lược và ngay lập tức của việc thực hiện hệ thống quản lý năng lượng và ISO 50001; Các quy định và luật lệ quốc gia liên quan đến việc áp dụng và/hoặc thực hiện hệ thống quản lý năng lượng và/hoặc ISO 50001; Các lựa chọn về tài chính sẵn có cho dự án hiệu quả năng lượng và thực hiện hệ thống quản lý NL/ISO 50001; Hiểu biết cách thức xây dựng các yếu tố cấu thành hệ thống quản lý NL tuân thủ ISO 50001; Hiểu biết các yêu cầu về nguồn lực và chi phí liên quan đến việc thực hiện hệ thống quản lý NL/ISO 50001 trong DNCN; Khả năng áp dụng hệ thống quản lý NL trong các cơ sở công nghiệp; Kinh nghiệm triển khai thực hành hệ thống quản lý NL, bao gồm cả việc sử dụng các công cụ hỗ trợ; Khả năng và kinh nghiệm đánh giá hệ thống quản lý NL, xác nhận và báo cáo kết quả tiết kiệm năng lượng; Khả năng và kinh nghiệm triển khai hội thảo nâng cao nhận thức và đào tạo DN về hệ thống quản lý NL và ISO 50001.

Không chỉ được trang bị kiến thức, tham gia khóa đào tạo các học viên đã được các chuyên gia quốc tế trang bị kỹ năng thực tế thông qua các bài tập thực hành như kỹ năng báo cáo đánh giá việc sử dụng năng lượng tại doanh nghiệp cho Bộ Công Thương, bài tập về báo cáo chính sách năng lượng của doanh nghiệp gửi Bộ Công Thương…

Ngay sau khi khóa đào tạo kết thúc, một hội thảo khởi động dự án sẽ được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 21/5. Tiếp đó, một khóa đào tạo với nội dung tương tự cũng sẽ được tổ chức dành cho cán bộ doanh nghiệp và chuyên gia tư vấn quản lý năng lượng các tỉnh phía Nam.

Trần Liễu