Friday, 08/11/2024 | 20:54 GMT+7
Để hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm đầu tư ứng dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả trong trong sản xuất kinh doanh, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp cùng các đơn vị có liên quan triển khai mô hình ESCO. Đến nay, mô hình ESCO đã phát huy hiệu quả rõ nét không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh mà còn góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phía nam tham gia mô hình ESCO, EVN chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các giải pháp đầu tư tài chính và các giải pháp kỹ thuật cho nhiều doanh nghiệp có nhu cầu thay đổi thiết bị công nghệ trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Theo đó, EVN đã phân công cho Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) hỗ trợ kinh phí lắp đặt giàn nước nóng công nghiệp cho khách hàng sử dụng điện cho việc đun nóng nước, có sản lượng điện tiêu thụ bình quân lớn hơn 20.000 kWh/tháng. Trên cơ sở đó, EVNSPC đã ký kết văn bản phối hợp với Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển năng lượng Mặt trời Bách Khoa là đơn vị chuyên tư vấn, thiết kế và lắp đặt giàn nước nóng năng lượng mặt trời cho doanh nghiệp có nhu cầu thay đổi thiết bị công nghệ trong sản xuất. Hiện EVNSPC đã và đang triển khai thực hiện thí điểm mô hình này trong lĩnh vực sử dụng máy nước nóng năng lượng mặt trời cho khoảng 10 khách hàng với tổng vốn đầu tư khoảng 15 tỉ đồng. Trong đó, EVN là 12 tỉ đồng và Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển năng lượng Mặt trời Bách Khoa là 3 tỉ đồng.
Theo nhiều doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm, mô hình ESCO được xem là giải pháp hữu ích tạo ra nhiều tiềm năng tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp quản lý, giám sát hiệu quả tiết kiệm điện năng… Ngoài ra, thực hiện mô hình ESCO doanh nghiệp không phải bỏ vốn đầu tư ban đầu để lắp đặt hệ thống và được hoàn toàn sở hữu hệ thống khi kết thúc hợp đồng với chủ đầu tư. Điểm nổi trội của mô hình ESCO còn giúp doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm chi phí sử dụng điện năng lên đến 60%, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đến nay, tại TP Cần Thơ mô hình ESCO được EVNSPC triển khai và đưa vào vận hành tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex) với quy mô sử dụng hơn 20.000 lít nước nóng/ngày. Sắp tới, EVNSPC sẽ tiếp tục triển khai mô hình ESCO cho Nhà hàng khách sạn Ninh Kiều (Công ty 622) và Công ty TNHH thủy sản Biển Đông trên địa bàn TP Cần Thơ và một số doanh nghiệp tại các tỉnh vùng ĐBSCL.
Ông Lê Minh Ngọc, Trưởng phòng Cơ điện, Caseamex, cho biết: Trước khi tham gia mô hình ESCO, Caseamex sử dụng điện để đun nước nóng vệ sinh các dụng cụ sản xuất và cho công nhân, bình quân khoảng 980 kWh/ngày tương đương tốn khoảng 1,6 triệu đồng/ngày. Nhưng khi ứng dụng mô hình ESCO do EVNSPC đầu tư đã giúp doanh nghiệp quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ngay tháng đầu tiên (tháng 12 năm 2015) lắp đặt giàn nước nóng năng lượng mặt trời, Caseamex đã tiết kiệm điện hơn 23.000 kWh tương đương khoảng 40 triệu đồng tiền điện/tháng. Từ tháng 1-4 năm 2016, bình quân Caseamex tiết kiệm tiền điện sử dụng cho việc đun nóng nước vệ sinh trong quy trình sản xuất từ 36-40 triệu đồng/tháng. Điều quan trọng hơn khi ứng dụng mô hình ESCO, cán bộ quản lý năng lượng tại doanh nghiệp còn dễ dàng theo dõi được quá trình vận hành của hệ thống máy năng lượng mặt trời thông qua phần mềm quản lý trên máy tính chủ. Từ đó, doanh nghiệp có thể kiểm soát mức độ tiêu tốn điện năng hằng ngày để có những điều chỉnh kịp thời tránh gây lãng phí điện năng trong quy trình sản xuất. Theo ông Lê Minh Ngọc, mô hình ESCO không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn đạt được các mục tiêu cam kết về môi trường do Chính phủ quy định. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả sản xuất và năng lực cạnh tranh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Caseamex còn chủ động ứng dụng nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng trong quy trình sản xuất. Chẳng hạn như: Đối với hệ thống chiếu sáng, doanh nghiệp thay thế đèn huỳnh quang bằng đèn led tại các dây chuyền sản xuất, nhà kho, nhà xưởng; ứng dụng hệ thống điều hòa trung tâm; thường xuyên kiểm tra các thiết bị vận hành trong quy trình sản xuất và kịp thời xử lý nhanh chóng các sự cố gây tổn thất điện năng… góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Mô hình ESCO không chỉ giúp giảm bớt áp lực cung cấp điện cho ngành điện mà còn giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, nhất là khi nước ta bắt đầu hội nhập quốc tế. Song để việc hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng có hiệu quả mô hình ESCO, các ngành chức năng và các đơn vị có liên quan cần tiến hành tư vấn và và triển khai thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho những doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện mô hình này. Ngoài ra, cần lựa chọn và hợp tác với các công ty có năng lực và kinh nghiệm trong việc triển khai mô hình ESCO để đưa ra các giải pháp tư vấn, kỹ thuật… giúp doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện mô hình ESCO cập nhật đầy đủ những thông tin hữu ích. Song song với những hỗ trợ về tư vấn, các giải pháp kỹ thuật, vốn đầu tư, các ngành chức năng cần đưa ra những chính sách hỗ trợ rõ ràng, góp phần để mô hình ESCO được triển khai rộng rãi trong việc thực hiện tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Mô hình ESCO là một trong những phương án đầu tư trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hữu ích cho doanh nghiệp. Tham gia mô hình ESCO, các doanh nghiệp được chủ đầu tư hỗ trợ vốn lắp đặt các thiết bị tiết kiệm năng lượng và giới thiệu các công ty, đơn vị chuyên thiết kế, thi công triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng phù hợp với từng điều kiện của doanh nghiệp. Ưu thế của mô hình ESCO là doanh nghiệp sẽ không phải tốn chi phí đầu tư ban đầu cho việc lắp đặt các thiết bị tiết kiệm năng lượng và chi phí đầu tư được thanh toán bằng chính nguồn tiền tiết kiệm được sau khi đầu tư ứng dụng mô hình này. Các khoản tiết kiệm chi phí năng lượng thường được tính toán chia lại cho đơn vị đầu tư trang thiết bị và thiết kế trong vòng 4-10 năm. |
Huỳnh Hoa