Sunday, 05/01/2025 | 07:19 GMT+7

Tổng kết hợp phần thí điểm NAMA tạo tín chỉ carbon trong lĩnh vực sản xuất thép

11/12/2020

Ngày 11 tháng 12 năm 2020, tại Quảng Ninh, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Vụ TKNL), Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo Tổng kết Hợp phần thí điểm NAMA tạo tín chỉ carbon trong lĩnh vực sản xuất thép.

Ngày 11 tháng 12 năm 2020, tại Quảng Ninh, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Vụ TKNL), Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo Tổng kết Hợp phần thí điểm NAMA tạo tín chỉ carbon trong lĩnh vực sản xuất thép. Hội thảo là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Hợp phần ''Thí điểm NAMA tạo tín chỉ carbon, xây dựng hệ thống báo cáo các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và lộ trình tham gia thị trường carbon trong lĩnh vực thép”, thuộc Dự án Chuẩn bị sẵn sàng cho thị trường carbon ở Việt Nam (Dự án VNPMR) do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Ông Tăng Thế Hùng - Phó Vụ trường Vụ TKNL, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án chủ trì Hội thảo, cùng sự có mặt của đại diện các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Xây Dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương các tỉnh thành phố khu vực phía Bắc, đại diện các Doanh nghiệp ngành thép, đơn vị tư vấn và chuyên gia quốc tế tham dự bằng hình thức trực tuyến.

Ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trường Vụ TKNL&PTBV Bộ Công Thương, Phó Giám đốc Ban QLDA phát biểu khai mạc

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã đánh giá cao kết quả của Dự án, các báo cáo kỹ thuật và đề xuất của đơn vị tư vấn có giá trị ứng dụng cao, làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho quá trình xây dựng chính sách định giá carbon ở Việt Nam.

Thay mặt Ban quản lý Dự án, ông Lương Quang Huy khẳng định, sự lựa chọn ngành sản xuất thép làm thí điểm trong dự án VNPMR đã chứng minh là một quyết định chính xác của Ban Quản lý dự án và nhà tài trợ. Những sản phẩm của dự án hợp phần thép như nghiên cứu và đề xuất hệ thống MRV, cơ chế định giá carbon và các công cụ tính toán phát thải khí nhà kính cho ngành thép đều được phía Ngân hàng Thế giới và cơ quan chủ quản Việt Nam đánh giá là hiệu quả và mang tính khả thi cao. Cùng với hợp phần Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, hợp phần thép của Bộ Công Thương đã góp phần đưa dự án VNPMR trở thành một trong những dự án được đánh giá là thành công nhất của Ngân hàng Thế giới về hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực.

Ông Hoàng Văn Tâm - Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh, đại diện nhóm quản lý dự án hợp phần tại Bộ Công Thương đưa ra đánh giá chung về kết quả thực hiện dự án hợp phần thép. Chia sẻ với Hội thảo những kết quả thực hiện đáng khích lệ của hợp phần trong giai đoạn hai năm vừa qua, ông Tâm nhấn mạnh, những đề xuất của nhóm tư vấn hoàn toàn phù hợp với tính chất của ngành sản xuất thép cũng như bối cảnh của Việt Nam. Dự án VNPMR - Hợp phần thép có nhiều hoạt động đào tạo, tập huấn kiến thức liên quan đến thiết kế và vận hành hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra (MRV) ngành thép. Đây là nội dung quan trọng giúp các doanh nghiệp ngành thép có thể tham gia vào thị trường carbon theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020. 

Các chuyên gia trong nước và quốc tế tích cực trao đổi, thảo luận

Nhìn lại chặng đường hơn hai năm vừa qua, quá trình thực hiện dự án hợp phần đã gặp phải rất nhiều khó khăn, trở ngại lớn, chủ yếu từ phía khách quan, bất khả kháng. Từ đầu năm 2020 là sự bùng phát dịch Covid-19 trên toàn thế giới, từ giữa năm 2020 là thiên tai, lũ lụt trầm trọng xảy ra liên tục khắp ba miền đất nước, tất cả đã tác động không nhỏ tới kế hoạch và tiến độ thực hiện các hoạt động của hợp phần. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của đội ngũ quản lý dự án tại Bộ Công Thương, nhóm chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước, đặc biệt được hỗ trợ mạnh mẽ từ Ban Quản lý Dự án và cơ quan chủ quản là Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự án hợp phần thép đã dần dần hoàn thành trọn vẹn, hiệu quả các mục tiêu đặt ra. Sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình, xuyên suốt của các nhà máy sản xuất thép đã góp phần giúp truyền tải hiệu quả hơn những kết quả nghiên cứu, phương pháp tính toán của nhóm chuyên gia trong nước và quốc tế.

Đội ngũ đồng hành cùng thực hiện dự án hợp phần thép trong chặng đường hơn 2 năm thực hiện

Với những kết quả của Dự án VNPMR Hợp phần thép, các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, các doanh nghiệp ngành thép đã có những bước đi ban đầu khá thuận lợi trong việc tham gia thị trường carbon dự kiến sẽ hình thành trong tương lai tại Việt Nam theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2020.

Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững