Saturday, 11/01/2025 | 05:08 GMT+7

Đào tạo nhân lực, nghiên cứu và công nghệ trong chuyển dịch năng lượng

09/05/2022

Đây là chủ đề của hội thảo quốc tế vừa được Trường Đại học Điện lực tổ chức sáng nay – 6/5/2022.

Chuyển dịch năng lượng - Xu thế tất yếu
Ngày 6/5, Trường Đại học Điện lực đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Chuyển dịch năng lượng: Đào tạo nhân lực, nghiên cứu và công nghệ”. Sự kiện là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, giới khoa học và doanh nghiệp thảo luận về chính sách, chia sẻ kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu mới nhất, các công nghệ và định hướng liên quan đến lĩnh vực năng lượng và đào tạo nguồn nhân lực.
Hội thảo có sự tham dự của PGS. TS Đinh Văn Châu – Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực; GS. TSKH Trần Quốc Tuấn – Đại học Quốc gia Khoa học và Công nghệ hạt nhân (INSTN), Đại học Paris Saclay, Giám đốc nghiên cứu CEA Liten-INES; ông Trần Việt Hoà – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương); ông Nguyễn Đình Hậu – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ); đại diện Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, Ngân hàng Thế giới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị trực thuộc, các hội, hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học/cao đẳng, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Đinh Văn Châu – Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết, Việt Nam đang đối mặt với thách thức và nguy cơ thiếu hụt năng lượng. Có những yếu tố làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng và do đó, cần có những giải pháp kịp thời để đảm bảo an ninh năng lượng.
PGS.TS Đinh Văn Châu cho rằng, các nhà khoa học đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu các hệ sinh thái năng lượng.
Chuyển dịch năng lượng là một quy luật tất yếu của xã hội và là xu hướng phát triển chung của thế giới, đóng vai trò đảm bảo an ninh năng lượng, tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển bền vững. Chuyển dịch năng lượng cũng góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cũng như duy trì sự phát triển.
Khẳng định quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam nằm trong xu thế chuyển dịch năng lượng của thế giới, PGS.TS Đinh Văn Châu nhấn mạnh: “Việt Nam là một trong 6 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất do tác động của biến đổi khí hậu. Tại COP 26, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Việc phát triển, chuyển dịch năng lượng thành công đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, toàn hệ thống chính trị, trong đó có giới nghiên cứu. Khai thác, điều hành hệ sinh thái năng lượng đòi hỏi sự đóng góp rất quan trọng của các nhà khoa học”.
Cần cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch năng lượng
Chuyển đổi năng lượng từ nguồn năng lượng hoá thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã xác định rằng, quá trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng tại Việt Nam gặp phải một số rào cản chính như thể chế, chính sách, tài chính, kỹ thuật, cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực,…
Để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ trong chuyển dịch năng lượng, TS. Nguyễn Đình Hậu – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - xã hội (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để hỗ trợ phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ lưu trữ năng lượng và hệ thống truyền tải điện năng.
TS. Nguyễn Đình Hậu cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo
Bên cạnh đó, hình thành các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy mô lớn nhằm giải quyết trực tiếp các bài toán thực tiễn với sự tham gia của tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực năng lượng.
Cũng theo TS. Nguyễn Đình Hậu, cần tiếp tục hỗ trợ các nhiệm vụ tiềm năng của giai đoạn trước nhằm hoàn thiện công nghệ để tiến tới sản xuất ở quy mô công nghiệp và thương mại hoá sản phẩm.
Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm. 
Đối với ngành điện, để thích ứng với quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam và xây dựng thị trường điện cạnh tranh, ông Nguyễn Thế Hữu – Trưởng phòng Hệ thống điện, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đưa ra ba định hướng chính sách quan trọng bao gồm: phát triển thị trường điện lực, vận hành lưới điện có tích hợp năng lượng tái tạo, và lưới điện thông minh tích hợp năng lượng tái tạo. Theo ông Hữu, cần phát triển thị trường điện lực với chuyển đổi năng lượng, nâng cao khả năng dự báo phụ tải, dự báo nguồn năng lượng tái tạo, điều chỉnh phụ tải, khai thác các chức năng của hê thống SCADA/EMS,…
Cũng tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận và làm rõ thêm một số vấn đề về các chính sách năng lượng; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để đảm bảo chuyển dịch năng lượng thành công tại Việt Nam trong thời gian tới; năng lượng tái tạo và tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện hiện nay. Bên cạnh đó, hội thảo còn có các chuyên đề chuyên sâu về các lĩnh vực lưới điện thông minh, chuyển đổi số, tự động hoá trong hệ thống điện.
Trong khuôn khổ hội thảo còn diễn ra các sự kiện bên lề gồm triển lãm trưng bày mô hình, sản phẩm khoa học công nghệ Techshow và EPU’s Job Fair 2022 với nhiều gian hàng giới thiệu sản phẩm công nghệ và kết nối tuyển dụng nhân sự.
 Nhật Quang