Monday, 23/12/2024 | 13:35 GMT+7

Hà Nội tìm giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng

17/03/2023

Trong thời gian tới, bên cạnh các giải pháp tiết kiệm điện, Hà Nội sẽ tập trung chuyển đổi năng lượng sạch đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn.

Những năm qua, ngành điện Thủ đô đã triển khai linh hoạt các phương án chuyển đổi nguồn cấp, ưu tiên cải tạo, mở rộng các trạm biến áp và khai thác tối đa công suất của hạ tầng lưới điện sẵn có, tăng cường thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện. Do đó, công tác bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định, tin cậy vẫn duy trì và thực hiện tốt, góp phần hữu hiệu vào phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hoá - xã hội quan trọng của đất nước và thành phố (TP), đáp ứng tốt nhu cầu phụ tải đỉnh trong mùa hè liên tục tăng cao các năm gần đây, bảo đảm yêu cầu về an toàn trong mùa mưa bão.
Hà Nội tăng cường thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện (Ảnh: EVN)
Riêng đối với công tác đầu tư phát triển nguồn điện, đến năm 2021, toàn TP lắp đặt được 2.102 hệ thống điện mặt trời mái nhà, công suất 33,82MW; 1 nhà máy điện rác Nam Sơn, công suất 1,93MW đã đi vào vận hành; 2 dự án nguồn điện gồm dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, công suất 75MW (đã vận hành 2/3 tổ máy phát công suất 60MW) và dự án Nhà máy điện rác Seraphin, công suất 37MW (khởi công xây dựng ngày 30/3/2022).
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2016 - 2021, mặc dù nhu cầu phụ tải điện tăng cao (sản lượng điện đầu nguồn tăng trưởng 30% cả giai đoạn), tốc độ tăng trưởng phụ tải điện của EVN Hà Nội trong giai đoạn 2016 - 2021 trung bình đạt 7,93%/năm; đặc biệt năm 2017 và 2018 có tốc độ tăng trưởng cao lần lượt là 13% và 10%. Trong khi đó, tổn thất điện năng giai đoạn 2016 - 2021 giảm sâu qua các năm (Đến năm 2022, tỷ lệ tổn thất điện năng của EVN  Hà Nội tiếp tục giảm, đạt mức 3,35%, giảm 0,2% so với năm 2021); thời gian mất điện trung bình giảm sâu qua các năm…
Ngày 29/12/2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 343/KH-UBND phát triển điện lực thành phố Hà Nội năm 2023. Trong đó, tỷ lệ tổn thất điện năng phấn đấu thực hiện đạt 3,5%.
Ngoài ra, căn cứ vào kế hoạch hằng năm của UBND Thành phố, EVN Hà Nội phát động phong trào “Hộ gia đình tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng" trên địa bàn TP. Với khách hàng có nhiều hệ thống chiếu sáng công cộng, chiếu sáng đô thị, đèn quảng cáo, trang trí các đơn vị làm việc trực tiếp với các công ty quảng cáo có biển quảng cáo cỡ lớn để tuyên truyền tiết kiệm điện. Thực hiện ký cam kết tiết giảm công suất điện đến các khách hàng theo mục đích sử dụng điện trên địa bàn đơn vị quản lý. Bằng những biện pháp đó, sản lượng điện tiết kiệm tăng mạnh qua từng năm.
Trong thời gian tới, Sở Công thương và EVN Hà Nội sẽ phối hợp làm rõ vướng mắc trong thực hiện quy hoạch năng lượng cấp tỉnh; làm rõ những vướng mắc về pháp lý đối với các dự án chậm tiến độ; xây dựng lộ trình rõ ràng trong việc đầu tư vào quy hoạch điện.
Đồng thời, tập trung chuyển đổi, đầu tư năng lượng sạch, chỉ đạo các tuyến xe buýt khi đấu thầu phải chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, theo đúng lộ trình chuyển đổi tỷ lệ phương tiện giao thông sử dụng điện, năng lượng sạch đến năm 2030; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh... Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cải tạo toàn bộ hệ thống điện ở khu đô thị, khu công cộng, trạm xăng theo hướng sử dụng năng lượng sạch bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới về phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, nghiên cứu, áp dụng cơ chế đặc thù phù hợp để khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển, ban hành cơ chế mua bán điện mặt trời mái nhà trên địa bàn; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quan tâm quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển năng lượng phục vụ kinh tế - xã hội nói chung, đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu, trạm biến áp nói riêng trên địa bàn TP… 
Tuệ Lâm