Tuesday, 24/12/2024 | 01:24 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp bắt đầu từ kiểm toán năng lượng

24/07/2023

Kiểm toán năng lượng là quy định bắt buộc đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, đây cũng là bước đầu trong trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giúp đánh giá chính xác hiện trạng các hệ thống tiêu thụ năng lượng của doanh nghiệp, phát hiện các lãng phí năng lượng và đề xuất ra các giải pháp giúp cải thiện hiệu quả năng lượng.

Nhu cầu sử dụng năng lượng đang ngày càng tăng, trong khi các nguồn năng lượng truyền thống như thủy điện, nhiệt điện đã được khai thác gần như tối đa, không đủ đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh các giải pháp đảm bảo cung ứng nguồn điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.
Kiểm toán năng lượng (KTNL) là quy định bắt buộc đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, đây cũng là bước đầu trong trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giúp đánh giá chính xác hiện trạng các hệ thống tiêu thụ năng lượng của doanh nghiệp, phát hiện các lãng phí năng lượng và đề xuất ra các giải pháp giúp cải thiện hiệu quả năng lượng tại doanh nghiệp. Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được triển khai qua nhiều năm, tuy nhiên việc triển khai công tác kiểm toán năng lượng cũng đang gặp một số hạn chế nhất định.
Trang TTĐT Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Hải - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Giải Pháp Công nghệ Việt Nam (VETS) - đơn vị trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ kiểm toán năng lượng cho doanh nghiệp để hiểu rõ hơn về vai trò của KTNL.
 Ông Hoàng Hải - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Giải Pháp Công nghệ Việt Nam 
Xin ông cho biết thực trạng triển khai KTNL tại các doanh nghiệp hiện nay?
Ông Hoàng Hải
Ngày 17/6/2010 Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12 đã được Quốc hội phê duyệt, đây là một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong nước. Theo đó, kiểm toán năng lượng là bắt buộc đối với cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 TOE trở lên đối với lĩnh vực công nghiệp, và từ 500 TOE đối với lĩnh vực tòa nhà thương mại. 
Tính đến nay đã có hàng nghìn dự án kiểm toán năng lượng được triển khai trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên việc kiểm soát và giám sát chất lượng các hoạt động này vẫn còn hạn chế. Hiện nay, Bộ Công Thương đã ban hành hướng dẫn “Các bước thực hiện kiểm toán năng lượng và mẫu báo cáo kiểm toán năng lượng” ban hành kèm theo Thông tư 25/TT-BCT ngày 29/9/2020 của Bộ Công Thương, tuy nhiên việc thực hiện theo vẫn còn một số khó khăn, tồn tại nhất định. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ được lợi ích của việc kiểm toán năng lượng, vì thế, chưa khai thác triệt để được hiệu quả từ việc thực hiện công tác kiểm toán năng lượng.
Vậy lợi ích của việc tiến hành KTNL đối với doanh nghiệp là gì? Và phương pháp KTNL được tiến hành như thế nào thưa ông?
Ông Hoàng Hải
Về lợi ích của việc tiến hành KTNL đối với doanh nghiệp:
- Kiểm toán năng lượng có thể được xem như là công tác chẩn đoán tình hình tiêu thụ và hiệu suất năng lượng hiện tại của doanh nghiệp. KTNL giúp xác định các giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng hoặc chọn thay thế nguồn năng lượng có chi phí thấp hơn. Mục tiêu chung là hỗ trợ các doanh nghiệp được kiểm toán có kế hoạch hành động nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng hoặc giảm chi phí năng lượng, hoặc bao gồm cả hai.
- Kiểm toán năng lượng rất cần thiết đối với các doanh nghiệp để bù đắp cho việc tăng giá năng lượng (đặc biệt là giá điện), giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm và bảo tồn các nguồn năng lượng.
Kiểm toán năng lượng giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm chi phí năng lượng
Về phương pháp tiến hành KTNL:
- Đã được hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục III (Các bước thực hiện kiểm toán năng lượng và mẫu báo cáo kiểm toán năng lượng) ban hành kèm theo Thông tư 25/TT-BCT ngày 29/9/2020 của Bộ Công Thương)
- Trình tự KTNL được thực hiện qua 6 bước: Xác định phạm vi kiểm toán; Thành lập nhóm kiểm toán; Ước tính khung thời gian và kinh phí; Thu thập dữ liệu sẵn có, kiểm tra thực địa và đo đạc và bước cuối cùng là phân tích số liệu thu thập được
- Mức độ chi tiết của việc KTNL liên quan đến phạm vi kiểm toán và mức độ chi tiết của các khảo sát phải thực hiện, các phát hiện nào cần phải phân tích. Căn cứ vào nguồn lực được bố trí, kích cỡ của đối tượng thực hiện KTNL, mục đích của cuộc KTNL, các Kiểm toán viên năng lượng sẽ lựa chọn cách thức, mức độ kiểm toán năng lượng cho phù hợp. Có hai mức khảo sát, đánh giá khi thực hiện KTNL là: Khảo sát, đánh giá sơ bộ và Khảo sát, đánh giá chi tiết.
Về tổng thể, KTNL bao gồm bước nghiên cứu đơn giản một thiết bị hoặc nhóm thiết bị chính; sau đó là bước nghiên cứu kỹ hầu như toàn bộ các thiết bị/hệ thống thiết bị trong dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp
Rõ ràng, việc thực hiện KTNL đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Vậy đâu là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà triển khai KTNL?
Ông Hoàng Hải
Trước hết là, các doanh nghiệp chưa nhận thức đúng tầm quan trọng và lợi ích từ hoạt động KTNL. Do đó Doanh nghiệp chưa khai thác hết lợi ích từ báo cáo KTNL, hiện tại báo cáo chỉ đang được doanh nghiệp sử dụng để đáp ứng theo quy định nhà nước. Với tình trạng như thế, các doanh nghiệp đang tự tăng chi phí cho mình và gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong vấn đề quản lý năng lượng.
Thứ hai là, do nhận thức và kiến thức về thiết bị/ hệ thống tiêu thụ năng lượng còn hạn chế. Các doanh nghiệp chỉ mới quan tâm đến các thiết bị/hệ thống hoạt động bình thường, đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp mà chưa thực sự quan tâm đến mục tiêu “sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, tức là chưa áp dụng các biện pháp quản lý và kỹ thuật nhằm giảm tổn thất, giảm mức tiêu thụ năng lượng của thiết bị/hệ thống mà vẫn bảo đảm nhu cầu, mục tiêu đặt ra đối với quá trình sản xuất của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp chỉ mới quan tâm đến các thiết bị/hệ thống hoạt động bình thường, đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp mà chưa thực sự quan tâm đến mục tiêu “sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”.
Thứ ba là, tỷ trọng chi phí năng lượng trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh của đa số doanh nghiệp còn thấp nên doanh nghiệp chưa quan tâm đến vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, mà ưu tiên vận hành sản xuất trước.
Thứ tư là, việc triển khai các dự án cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng các doanh nghiệp gặp phải vấn đề lớn về nguồn vốn. Chi phí đầu tư cao dẫn tới sự e ngại của các doanh nghiệp trong việc đầu tư thực hiện.
Thứ năm là, hiện tại trên thị trường có rất nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn KTNL, tuy nhiên chưa có phân loại, xếp hạng các đơn vị tư vấn, để các doanh nghiệp có cơ sở lựa chọn các đơn vị tư vấn có uy tín, kinh nghiệm và phù hợp với nhu cầu của từng đơn vị.
Ông có lời khuyên nào dành cho các doanh nghiệp đang muốn triển khai KTNL?
Ông Hoàng Hải
Thứ nhất: Xem xét của lãnh đạo là yếu tố quan trọng nhất trong việc cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng tại doanh nghiệp, từ việc ban hành chính sách năng lượng, đặt mục tiêu, đưa ra kế hoạch và xem xét lựa chọn các giải pháp tiết kiệm năng lượng để thực hiện. Do đó cần có sự quyết tâm từ Ban lãnh đạo của doanh nghiệp hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Thứ hai: Phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn để kết quả KTNL được chính xác, qua đó việc lựa chọn các giải pháp đơn vị tư vấn khuyến nghị được hiệu quả, giảm rủi ro trong đầu tư giải pháp.
Thứ ba: Hiện nay các khóa đào tạo về Người quản lý năng lượng/ Kiểm toán viên năng lượng đã và đang được các cơ quan nhà nước quan tâm và đẩy mạnh. Doanh nghiệp nên cử cán bộ tham ra các khóa học, nhằm nâng cao kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, qua đó phối hợp cùng đơn vị thực hiện kiểm toán năng lượng đánh giá đúng hiện trạng sử dụng năng lượng tại đơn vị để tìm ra các giải pháp phù hợp cho từng thiết bị/hệ thống.
Doanh nghiệp nên cử cán bộ tham gia khoá đào tạo Kiểm toán năng lượng để phối hợp cùng đơn vị thực hiện kiểm toán năng lượng đánh giá đúng hiện trạng sử dụng năng lượng tại đơn vị
Theo ông, giải pháp để thúc đẩy các doanh nghiệp triển khai KTNL trong thời gian tới là gì?
Ông Hoàng Hải
Trước mắt, Cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này bao gồm cả việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các giải pháp cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.
Đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hoàn thiện các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển mô hình ESCO, giải quyết bài toán nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp.
Nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan quản lý cấp địa phương. Đẩy mạnh việc kiểm tra sự tuân thủ luật pháp trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của các doanh nghiệp,…
Và cuối cùng, tăng cường các hoạt động truyền thông đến cộng đồng, doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
 Anh Thư