Wednesday, 30/10/2024 | 15:49 GMT+7

Tháp Láng Hạ thực hiện hiệu quả tiết kiệm năng lượng

15/02/2024

Tháp Láng Hạ là một trong những tòa nhà đang áp dụng nhiều giải tiết kiệm năng lượng, mang lại hiệu quả cao.

Toà nhà Tháp Láng Hạ hay còn được gọi là tòa tháp VPBank được xây dựng tại địa chỉ 89 phố Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội. Toà tháp được thiết kế xây dựng trên khu đất 2.760 m2, diện tích xây dựng là 1.293 m2, gồm 29 tầng nổi và 03 tầng hầm.
Tháp Láng Hạ được thiết kế theo tiêu chuẩn văn phòng cho thuê hạng A, với kiến trúc toà tháp hiện đại và độc đáo, các hệ thống cơ điện hiệu suất cao được điều khiển tự động hóa ở mức độ rất cao, thậm chí còn áp dụng cả công nghệ “Trí tuệ nhân tạo - AI” vào hệ thống điều khiển để tăng hiệu quả sử dụng thiết bị. 
Với diện tích kính chiếm khoảng 70% so với toàn bộ diện tích tường bao che, tháp Láng Hạ thiết kế với phương châm tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên với các cửa sổ sử dụng kính tiết kiệm năng lượng. Bên trong công trình có sử dụng rèm che tại các văn phòng, phía bên ngoài được lắp các lam che nắng nhằm hạn chế tối đa nhiệt nóng xâm nhập vào trong phòng.
Nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng đã được toà nhà áp dụng. Điển hình như toàn bộ các trang thiết bị sử dụng năng lượng chính trong tòa nhà gồm Hệ thống điều hòa trung tâm chiller, bơm nước lạnh, bơm giải nhiệt, tháp giải nhiệt, PAU, AHU, hệ thống chiếu sáng,... đều được quản lý, giám sát vận hành thông qua hệ thống BMS.
Chia sẻ lợi ích về năng lượng từ việc lắp đặt hệ thống BMS, anh Phùng Hưng Đông - Phụ trách Bộ phận kỹ thuật Tháp Láng Hạ cho biết: "Hệ thống BMS có chức năng như: Tự động điều khiển liên tục công suất tải, đặt các thiết bị chấp hành hoạt động theo tiến trình định trước hoặc theo các tiêu chuẩn đặt ra ban đầu theo các thông tin nhận được từ hệ cảm biến chuyên dụng; Điều khiển đóng ngắt hệ thống điện khi gặp sự cố, khởi động hệ thống chiếu sáng khi có đột nhập trái phép, Giám sát việc sử dụng năng lượng hàng ngày, tự động báo hiệu cảnh báo nếu năng lượng tiêu thụ hàng ngày quá cao; Giám sát mức độ tiêu thụ năng lượng, in hoá đơn tiền điện cho từng khu vực chức năng, khu vực địa lý; Có thể xác định chính xác công suất điều hòa không khí tới từng phòng, từng khu vực..."
Thiết kế cửa sổ, lam che nắng tại công trình
Nhận thấy việc sử dụng đèn compact và đèn huỳnh quang là loại chưa tiết kiệm điện, Ban quản lý năng lượng và các cán bộ kỹ thuật tháp Láng Hạ đã đề xuất và thay thế các loại đèn trên sang sử dụng bóng đèn LED tiết kiệm điện. Giải pháp này giúp tiết kiệm năng lượng từ 30-40%.
Để tiết giảm hệ thống chiếu sáng khu vực hành lang, nhà để xe, anh Phùng Hưng Đông cho biết, chiếu sáng ban đầu được bật liên tục, do nhu cầu đi lại sử dụng ít nên tòa nhà đã thực hiện biện pháp tiết giảm hệ thống chiếu sáng khi không có người qua lại bằng cách chia lộ, bật tắt và sử dụng các cảm biến ánh sáng. Ngoài ra, để tối ưu hóa việc thông gió tại các tầng hầm, tòa nhà đã lắp cảm biến CO để điều khiển quạt hút gió, khi nồng độ CO vượt quá 1000ppm thì quạt hút gió sẽ được bật lên.
Tòa nhà sử dụng hệ thống 3 tháp để giải nhiệt bằng nước cho 3 Chiller. Mỗi tháp giải nhiệt có 1 quạt công suất 15 kW nhằm tăng hiệu suất giải nhiệt cho nước. Quạt tháp giải nhiệt được lắp đặt Sensor nhiệt độ để điều chỉnh chế độ hoạt động của quạt; Khi nhiệt độ nước giải nhiệt xuống dưới 28oC thì quạt sẽ dừng hoạt động; Khi nhiệt độ nước giải nhiệt trên 32oC thì quạt sẽ hoạt động trở lại để giải nhiệt; Biện pháp này tiết kiệm năng lượng đáng kể cho quạt làm mát và có chi phí đầu tư thấp. 
   
Hệ thống tháp giải nhiệt
Trong suốt thời gian qua, công tác quản lý năng lượng đã được Tòa nhà thực hiện khá tốt, đáp ứng các yêu cầu, quy định của nhà nước trong vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Các biện pháp kỹ thuật cũng được Tòa nhà chú ý đầu tư, thực hiện.
Bằng việc nỗ lực trong công tác tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, Tháp Láng Hạ đã đạt chứng nhận công trình xây dựng sử dụng năng lượng xanh 5 sao do thành phố Hà Nội Công nhận và giải Khuyến khích giải thưởng "Hiệu quả năng lượng trong các công trình xây dựng năm 2023" do Bộ Công Thương và Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) tổ chức.
Anh Thư