Saturday, 23/11/2024 | 04:10 GMT+7

Việt Nam: Thị trường tiềm năng lớn cho ngành khí sinh học

18/07/2010

Dự án "Biến chất thải thành nguồn năng lượng sạch thông qua sử dụng công nghệ khí sinh học" của Việt Nam, gọi tắt là dự án Biogas đã được trao giải thưởng Ashden Năng lượng bền vững năm 2010 với tổng số tiền 20.000 bảng Anh.

Vòng chung kết và nhận Giải thưởng Ashden năm nay có 6 dự án quốc tế về năng lượng bền vững đến từ châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Dự án Biogas của Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam kết hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) thực hiện, đã được đánh giá cao vì hiệu quả và quy mô lợi ích mà nó mang lại. Ra đời từ năm 2003, dự án Biogas đặt mục tiêu xây dựng tại các vùng nông thôn ở Việt Nam 168.000 công trình khí sinh học vào cuối năm 2012, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện mạnh mẽ môi trường sống của hàng trăm nghìn người dân nông thôn.


Chuong-trinh.jpgTheo đánh giá của đồng sáng lập và chủ tọa giải thưởng, bà Sarah Butler Sloss thì đây là những ghi nhận cho mối quan hệ đối tác trên cả thành công vì đã phổ biến công nghệ khí sinh học trên toàn lãnh thổ Việt Nam với quy mô rộng, hướng đi bền vững và có khả năng mở rộng hơn nữa trong tương lai.

 

Dự án được thực hiện từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hà Lan, vốn ngân sách của Chính phủ Việt Nam, vốn đối ứng của các tỉnh cùng sự đóng góp đáng kể của các hộ dân tham gia chương trình.

 

Dự án được chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn I (2003-2005) là giai đoạn triển khai tại 12 tỉnh và thành phố; giai đoạn “bắc cầu” chuẩn bị cho giai đoạn II và mở rộng thêm 8 tỉnh mới; giai đoạn II (2007-2011) triển khai tại 50 tỉnh, thành phố trên cả nước.

 

Ngoài giải thưởng danh giá nói trên, năm 2006 dự án cũng đã được trao giải nhất Năng lượng toàn cầu tại Brusel (Bỉ) ghi nhận cho những đóng góp to lớn trong việc giảm thiểu hiện tượng nóng lên của trái đất.

 

Tại lế công bố giải thưởng ngày 12/7, TS Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi kiêm Giám đốc dự án cho biết, đến cuối năm 2009, dự án đã hỗ trợ xây dựng được hơn 78 nghìn công trình khí sinh học (KSH) tại 37 tỉnh của Việt Nam. Nếu tính trung bình mỗi hộ gia đình năm người, thì công trình KSH đã mang lại lợi ích cho khoảng 390 nghìn người. Trong năm 2010, chương trình dự kiến xây dựng thêm 29 nghìn công trình KSH. Theo ông Giao, con số này không bao gồm các công trình KSH do các đội thợ xây được đào tạo xây dựng ngoài chương trình.

 

Giải thưởng Ashden của Vương quốc Anh (UK) về năng lượng bền vững bắt đầu được trao tặng từ năm 2001 nhằm khuyến khích việc sử dụng rộng rãi hơn nữa nguồn năng lượng bền vững thích ứng với sự biến đổi khí hậu và xóa đói giảm nghèo. Từ đó đến nay đã có hơn 120 giải thưởng được trao cho các đại diện đến từ Vương quốc Anh và các nước đang phát triển.

 

Năm 2010, Chương trình KSH của Việt Nam cùng các chương trình của các quốc gia phát triển khác là Ấn Độ, Brazil, Nicaragoa, Kenya, Tây Sahara được nhận giải thưởng Ashden.

 

Điều mà các hộ gia đình đánh giá cao nhất về công trình KSH đó là phương thức quản lý phân chuồng một cách đơn giản, do đó giữ nhà cửa sạch sẽ, không có mùi khó chịu và ít ruồi muỗi. Phụ phẩm KSH phù hợp để bón cho cây trồng tốt hơn so với phân tươi, thay thế được một số loại phân bón hóa học và làm tăng năng suất cây trồng. Hiện có khoảng 60% nông dân sử dụng phụ phẩm khí sinh học để bón cho cây trồng và phần còn lại có thể bán cho láng giềng để tăng thu nhập gia đình.

 

biogas.jpg


Theo tính toán, công trình KSH đã cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính bằng cách thay thế nhiên liệu hóa thạch. Trong năm 2009, qua dự án đã cắt giảm được lượng khí thải CO2 tương đương khoảng 167 nghìn tấn. Ngoài ra các hộ gia đình có công trình KSH còn tiết kiệm được thời gian và nhiên liệu. Khảo sát của chương trình cho thấy, phụ nữ có thể tiết kiệm được 1,75 giờ/ngày và sử dụng thời gian tiết kiệm này cho việc chăm sóc con cái và nghỉ ngơi.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia tư vấn Hà Lan, hiện Việt Nam vẫn là một thị trường tiềm năng rất lớn cho ngành khí sinh học với hơn 2 triệu hộ chăn nuôi lợn mà khoảng một nửa trong số này có thể xây dựng công trình KSH. Do đó Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và SNV dự kiến sẽ trực tiếp tạo điều kiện hỗ trợ cho việc xây dựng 107 nghìn công trình KSH vào cuối năm 2010 và cũng đang xem xét các phương pháp thúc đẩy chương trình phát triển bền vững. Hiện Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và SNV cũng đang khai thác thị trường khí sinh học quy mô vừa và lớn để bắt kịp với đà phát triển của nông thôn Việt Nam nhằm vào mục đích phát điện.

 

Ông Tom Derksen, Giám đốc SNV tại Việt Nam cho biết, mỗi công trình KSH quy mô hộ gia đình với thể tích 10m3 có chi phí đầu tư khoảng 550 USD và hộ gia đình trả chi phí xây dựng. Sau khi công trình được SNV nghiệm thu và đánh giá hoạt động tốt, mỗi hộ gia đình sẽ được nhận trợ giá khoảng 67-70 USD. Hiện nay hầu hết các hộ gia đình ở nông thôn Việt Nam đều sử dụng tiền tiết kiệm để xây dựng công trình KSH hoặc đi vay mượn họ hàng người thân. Ông Tom cho biết: “Do không có nhiều tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam nên SNV đang tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tìm kiếm nguồn tài chính phục vụ người dân thông qua các cơ sở tài chính vi mô tại các ngân hàng phát triển địa phương”.

 

Theo Vietnam Econnomic New