Saturday, 23/11/2024 | 07:24 GMT+7
Việc sử dụng các loại năng lượng truyền thống ở nhiều vùng nông thôn, miền núi nước ta, củi đốt và than đã và đang làm giảm diện tích rừng cũng như gia tăng lượng CO2 vào khí quyển. Bên cạnh đó, các dạng năng lượng khí đốt như điện, xăng, dầu, gas đang ngày càng tăng giá và khó có thể đến với bà con vùng sâu, vùng xa. Biogas (khí đốt sinh học) – nguồn năng lượng tại chỗ, rẻ tiền là một giải pháp tích cực đối với bà con nông dân.
Về thực chất, biogas là dạng khí sinh học, được tái tạo từ quá trình phân hủy những chất thải của người và động vật trong điều kiện hầm kín. Nhờ vào hoạt động các vi sinh vật, các chất thải này sẽ lên men, tạo khí, trong đó chiếm tới 70% là khí mê tan, được sử dụng làm chất đốt và cháy động cơ đốt trong.
Qua nhiều năm phân tích và nghiên cứu công dụng của hầm Biogas có nhiều công ty sản xuất ra bể Biogas bằng vật liệu Composite hình cầu với tính ưu việt vượt trội hoàn toàn so với bể biogas xây bằng gạch. Việc lắp đặt bể biogas khá đơn giản, diện tích hầm ủ không lớn, có thể lắp đặt chìm dưới mặt đất. Về hiệu quả kinh tế, mỗi năm chỉ tính riêng cho việc sử dụng khí đốt biogas và điện thắp sáng, mỗi hộ gia đình nông thôn chỉ cần nuôi thường xuyên với qui mô 10 ÷ 15 con lợn (heo) thịt là có đủ lượng nguyên liệu để cung cấp khí gas sử dụng đun nấu và thắp sáng thoải mái (theo nghiên cứu ở Việt Nam thì lượng khí mêtan sinh ra từ 1 kg nguyên liệu phân và nước tiểu lợn là 40 ÷ 60 lít, trung bình mỗi ngày lượng phân và nước tiểu thải ra từ 1 con lợn là 3,7 – 5 kg) và có thể tiết kiệm được từ 3 ÷ 5 triệu đồng mỗi năm.
Hiện nay, người dân ngày càng sử dụng bể biogas làm từ vật
liệu composite. Ưu điểm của loại bể này là độ bền cao và kín khí tuyệt đối,
kiểm tra và xử lý độ kín khí ngay khi lắp đặt, bể không bị nứt, gãy, không bị
rò khí trong điều kiện nền móng yếu, lún, nứt, không bị axít ăn mòn. Trọng
lượng bể nhẹ, dễ di chuyển bằng ôtô và chuyển bộ, phù hợp với nhiều địa hình
vùng nông thôn. Hiệu suất sinh khí cao vì chịu được áp suất lớn và kín khí
tuyệt đối. Có khả năng tự phá váng, chuyển hóa lên men kỵ khí đạt 100%. Tốn rất
ít thời gian và nhân công lắp đặt, thời gian lắp đặt nhanh chỉ từ 2 -3 giờ là
có thể cho phân vào và sử dụng được ngay.
Có thể lắp thêm các thiết bị phụ khác để sử dụng hết hiệu suất sinh khí như: Đèn thắp sáng, bình nóng lạnh dùng khí biogas, đèn sưởi ấm cho lợn, máy phát điện dùng gas … Với cùng hiệu suất sử dụng có giá thành rẻ hơn, an toàn hơn, bền hơn, lượng khí nhiều hơn. Sử dụng chung với bể tự hoại gia đình.
Trong khi đó, bể biogas xây bằng gạch dễ bị lún, nứt và không thể khắc phục được (phải phá bỏ) bể xây càng to thì rủi ro càng lớn. Trong quá trình sử dụng, mặt bê tông phía trong bị mùn do axit ăn mòn làm cho bể chịu lực kém dễ bị rò rỉ khí và phân ra ngoài. Khối lượng vật liệu lớn, thời gian thi công lâu hơn, mặt bằng thi công phải rộng. Chất lượng phụ thuộc nhiều vào tay nghề thợ. Bể không tự phá váng, chỉ có áp lực khí ga đến 0,5m cột nước, không có khả năng tự điều tiết áp lực, khi lượng khí ga nhiều phải xả bỏ, phải có thiết bị van bảo vệ.
Đặc biệt, sau nhiều năm sử dụng, bã và váng đẩy lên khí ga ít, bắt buộc phải lấy bã váng và váng ra ngoài. Đặc biệt, bể biogas xây bằng gạch không di chuyển được mà chỉ còn cách phá bỏ. Do không đủ áp suất khí ga nên lại bể này không thể lắp thêm được các thiết bị và phụ kiện khác.
Theo anh Thái, giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại Anh Thái, chuyên sản xuất bể biogas làm từ vật liệu composite ở Khu công nghiệp Đông Động, Đông Hưng, Thái Bình: “Mặc dù giá cả lắp bể biogas composite đắt hơn bể biogas xây bằng gạch nhưng rất nhiều hộ dân ở đây thấy được lợi ích kinh tế, tính năng thân thiện môi trường nên bắt đầu chuộng bể biogas composite”.
Chị Cư, một hộ gia đình có mô hình VAC ở Vũ Thư, Thái Bình cho biết việc sử dụng mô hình biogas mới này quả có nhiều tiện lợi, tiết kiệm chi phí trong việc đun nấu và thắp sáng, đặc biệt là trong khâu giữ gìn vệ sinh môi trường. Trước đây chị có ý định xây hầm biogas bằng gạch nhưng do khu vực chuồng trại thấp trũng lại chưa được xây dựng ổn định nên thôi. “Nay nhờ lắp đặt bể biogas làm từ vật liệu composite hàng tháng tôi vừa tiết kiệm tiền gas, tiền điện vừa có phụ phẩm bón cho rau và thức ăn cho cá. Hàng tháng tôi tiết kiệm được khoảng 1 triệu đồng từ những chi phí trên” chị Cư cho biết thêm.
Hy vọng thời gian tới mô hình biogas làm từ vật liệu composite càng được đông đảo bà con đón nhận. Đây là mô hình cần được nhan rộng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và góp phần tiết kiệm năng lượng.
Hoàng Tuyết