Saturday, 23/11/2024 | 02:04 GMT+7
Với đặc thù là địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp lớn với nhiều doanh nghiệp trọng điểm, tổng lượng điện năng tiêu thụ tại Bình Dương hàng năm là rất lớn. Các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả chính là chiến lược quan trọng giúp Bình Dương nhanh chóng phát triển kinh tế, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Được đánh giá là địa bàn công nghiệp trong điểm góp phần
quan trọng vào sự phát triển đất nước, ngày 05/6/2007 Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương tại Quyết
định số 81/2007/QĐ-TTg. Theo đó, đến năm 2020 tỉnh Bình Dương sẽ có 31 khu công
nghiệp với tổng diện tích 9.360,5 ha và 23 cụm công nghiệp với tổng diện tích
2.704 ha. Hiện tại, tỉnh đã có 27 khu công nghiệp được thành lập trong đó 19
khu đã đi vào hoạt động.
Mô hình khu công nghiệp Bình Dương
Báo cáo từ Sở Công Thương Bình Dương cho biết, trên địa bản hiện có trên 5.800 cơ sở sản xuất công nghiệp trong và ngoài nước, với khoảng 138 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (tiêu thụ hơn 3 triệu kWh mỗi năm). Với số lượng doanh nghiệp kể trên, trong giai đoạn 2006-2010 sản lượng điện tiêu thụ tại Bình Dương luôn ở mức tăng bình quân trên 15% năm.
Trước thực tế tiêu thụ điện năng kể trên và nhằm triển thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Sở Công Thương tỉnh Bình Dương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các Chỉ thị, công văn thực hiện tiết kiệm điện. Với mục tiêu đề ra là phấn đấu tiết kiệm từ 3% đến 5% tổng mức tiêu thụ năng lượng, trong giai đoạn 2006-2010 ước tính toàn tỉnh có thể tiết kiệm từ 150- 250 triệu kWh.
Để thực hiện tốt Chương trình tiết kiệm năng lượng, Bình Dương đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền thông qua các cuộc hội thảo lấy ý kiến, trao đổi kinh nghiệm, các lớp tập huấn về tiết kiệm năng lượng. Chỉ tính riêng trong năm 2009, Sở Công Thương đã phối hợp với Điện lực Bình Dương phát 14.000 tờ rơi tuyên truyền tiết kiệm điện trên địa bàn 7 huyện, thị xã của tỉnh. Ngoài ra, công tác truyền thông còn được tiến hành sâu rộng thông qua nhiều hình thức đơn giản mà hiệu quả trên mặt sau hóa đơn tiền điện, hợp đồng mua bán điện sinh hoạt. Đặc biệt các phương tiện như báo Bình Dương, Đài phát thanh truyền hình cũng được tận dụng triệt để nhằm nâng cao hiệu quả nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả năng lượng.
Trình diễn dàn nước nóng năng lượng mặt trời
Trong năm 2009, nhiều chương trình tiết kiệm điện thí điểm đã được thực hiện thành công tại Bình Dương tiêu biểu như lắp đặt thí điểm 20 bộ đèn 2 cấp công suất trên tuyến đường Phan Đình Giót – thị xã Thủ Dầu Một. Tỉnh cũng bán ra thị trường trên 33 nghìn bóng đèn compact tiết kiệm điện cùng với đó là hỗ trợ lắp đặt hỗ trợ 50 bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời.
Tính đến nay số lượng doanh nghiệp trên địa bàn được hỗ trợ kiểm toán năng lượng đã tăng đánh kể. Với đề án “Nghiên cứu các giải pháp tiết kiệm năng lượng điện cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp” tỉnh Bình Dương đã khảo sát và kiểm toán năng lượng cho 05 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thuộc 05 nhóm ngành nghề bao gồm Chế biến gỗ; Chế biến thực phẩm; Sản xuất Giấy, bột giấy; Sản xuất thép; May mặc.
Qua 4 năm thực hiện, trong 5 nhóm ngành nghề của chương trình tiết kiệm năng lượng, tỉnh Bình Dương đã triển khai được 3 ngành: sản xuất gạch theo công nghệ lò nung liên tục kiểu đứng, sản xuất gốm sứ bằng khí hóa lỏng LPG cải tiến tận dụng khí thải làm hầm sấy và sử dụng năng lượng mặt trời sản xuất nước nóng phục vụ ngành chế biến thực phẩm. Đã có trên 560 triệu đồng cho vay và bảo lãnh 3.5 tỷ đồng vốn vay ưu đãi để hỗ trợ thực hiện các các dự án tiết kiệm năng lượng.
Kết quả, từ 2007 đến 2009 toàn tỉnh đã tiết kiệm được khoảng 163 triệu KWh, hoàn thành 110% kế hoạch đề ra.
Trần Linh