Friday, 08/11/2024 | 06:52 GMT+7
Ngày 24/2/2016, hai hộ kinh doanh sản xuất gốm ở xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội là Vũ Văn Hưng và Nguyễn Văn Lan đã được trả thưởng tiết kiệm năng lượng với tổng giá trị gần 300 triệu đồng - phần thưởng dành cho sự đầu tư vào lò nung gas (LPG) giúp tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải CO2 một cách đáng kể.
Mới đây, Ban quản lý Dự án LCEE tiếp tục trả thưởng tiết kiệm năng lượng cho hai doanh nghiệp là hộ kinh doanh Nguyễn Văn Đức (thôn Đoàn Kết, xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội) và Công ty TNHH Long Sinh (Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) với số tiền trả thưởng tương ứng là 150.000.000 đồng và 419.400.000 đồng.
Sản phẩm ngói (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Được biết, hộ gia đình anh Nguyễn Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực gốm từ năm 1995 với sản phẩm chủ lực là ngói. Trước khi áp dụng công nghệ mới, gia đình anh sử dụng hệ thống lò hộp nung gốm với nhiên liệu sử dụng là than, hàng năm phát thải tới 391.73 Tấn CO2/năm. Đây là mô hình lò nung thủ công truyền thống có nhiều nhược điểm như tổn thất năng lượng lớn, gây ô nhiễm môi trường, việc điều chỉnh nhiệt độ khó khăn dẫn đến tăng tỷ lệ phế phẩm,...
Sau khi chuyển đổi lò nung gốm bằng LPG, gia đình anh đã tiết kiệm năng lượng tiêu thụ tới 78.71% và giảm phát thải tới 349.04 tấn CO2/năm. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm cũng tăng lên, tỷ lệ phế phẩm giảm; đồng thời tiết giảm nhân công và giảm chi phí nhiên liệu thô. Sử dụng lò gas LPG còn giúp gia đình anh Đức giảm diện tích đất sử dụng cho dây truyền sản xuất cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Công ty TNHH Long Sinh
Cũng giống như hộ kinh doanh Nguyễn Văn Đức, công ty TNHH Long Sinh (Khánh Hòa) hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm đã tiết kiệm năng lượng tiêu thụ tới 28,20% và giảm phát thải 40.8 tấn CO2/năm nhờ chuyển đồi lò hơi đốt than bằng lò hơi sinh khối. Áp dụng lò hơi sinh khối đã cho kết quả tích cực khi chất lượng sản phẩm tăng và giảm được giá thành sản phẩm và chi phí sản xuất. Không chỉ vậy, lò hơi sinh khối sử dụng nhiên liệu củi ép với nguồn thải là tro có thể dùng bón cho cây trồng nên giảm thiểu tác động đến môi trường và nhân công.
Như vậy tính đến nay đã có 4 doanh nghiệp được nhận thưởng của Dự án LCEE. Với những kết quả tích cực thu được, hi vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực khác tại các tỉnh thành trên cả nước cũng được nhận hỗ trợ tài chính từ dự án, góp phần tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Hà Nguyễn