Monday, 23/12/2024 | 12:20 GMT+7

Petrovietnam và Tập đoàn Đan Mạch hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo

11/03/2024

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) vừa ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo giữa Petrovietnam và Copenhagen Infrastructure Partners (CIP).

Biên bản đánh dấu mốc hợp tác giữa tập đoàn kinh tế nhà nước hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam và tập đoàn đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới, trong đó tận dụng thế mạnh của mỗi bên để đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải ròng mà Việt Nam đã đặt ra, thông qua việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo với trọng tâm là điện gió ngoài khơi.
Nội dung của biên bản ghi nhớ bao gồm, Petrovietnam và CIP sẽ cùng nhau chia sẻ kiến thức, thông tin về chuyển đổi năng lượng từ dầu khí sang năng lượng tái tạo, với các chủ đề cụ thể như công nghệ, chuỗi cung ứng, hậu cần, cơ sở hạ tầng, chuyên môn kỹ thuật.
Tập đoàn CIP sẽ hỗ trợ các chương trình đào tạo về các loại hình năng lượng tái tạo mới như công nghệ chuyển đổi điện năng thành các nguồn nhiên liệu khác – "Power-to-X" (Amoniac, Hydro xanh...), nguồn điện dự trữ, đảo năng lượng... Bên cạnh đó, Petrovietnam và CIP cũng sẽ nghiên cứu cơ hội hợp tác trong việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Biên bản ghi nhớ được ký kết với sự chứng kiến của lãnh đạo Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, lãnh đạo Petrovietnam và CIP. (Ảnh: CIP)
Phát biểu tại Lễ ký kết, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz khẳng định, hai nước Việt Nam và Đan Mạnh đã có sự hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực năng lượng. Đại sứ quán sẽ tiếp tục đóng vai trò là cầu nối và khuyến khích các doanh nghiệp Đan Mạch tiềm năng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi xanh. Các nhà đầu tư Đan Mạch cũng sẵn sàng đầu tư lớn vào các dự án điện gió ngoài khơi của Việt Nam để cung cấp điện và giảm phát thải CO2.
"Mong rằng sự hợp tác của Petrovietnam và CIP trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ mang đến những kết quả cụ thể và đạt được thành công như kỳ vọng. Việc hợp tác của hai đơn vị cũng góp phần thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch."Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz kỳ vọng.
Tại buổi lễ, Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Phan Tử Giang bày tỏ sự vui mừng khi buổi Lễ ký kết có sự hiện diện của ông Nicolai Prytz - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam và các vị khách quý. Ông Phan Tử Giang mong rằng, thông qua sự kiện này, việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo giữa Đại sứ quán với Petrovietnam và CIP sẽ được nâng lên một tầm cao mới.
Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Phan Tử Giang cho biết: Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo sẽ góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động bất lợi đến biến đổi khí hậu, đảm bảo tính bền vững trong phát triển kinh tế. Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ trong việc giảm ô nhiễm môi trường, cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các bên liên quan trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có Petrovietnam. Trước những biến động của thị trường, nắm bắt xu hướng chuyển dịch năng lượng, với tư cách là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, Petrovietnam cũng đã và đang tích cực lên kế hoạch và lộ trình thực hiện quá trình chuyển dịch năng lượng. Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Phan Tử Giang tin tưởng với thế mạnh của mỗi bên, việc hợp tác giữa CIP và Petrovietnam sẽ đạt được thành quả trong việc phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tích hợp công nghệ tiên tiến, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Robert Helms, thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners cho biết: “Chúng tôi rất mong đợi sự hợp tác với PVN và coi Biên bản ghi nhớ này là một cột mốc quan trọng khác cho sự hiện diện của chúng tôi tại Việt Nam. CIP là một công ty tiên phong trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, chúng tôi mong muốn chia sẻ kiến thức, chuyên môn và đổi mới công nghệ của mình để triển khai các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên của Việt Nam thông qua sự hợp tác chặt chẽ của các bên và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh cho đất nước”.
CIP là một trong những nhà phát triển điện gió ngoài khơi và quản lý quỹ toàn cầu hàng đầu thế giới có trụ sở chính tại Đan Mạch. Hiện nay, Tập đoàn đã phát triển và quản lý 50GW, tương đương 28 tỷ USD tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Anh Đức... và có kế hoạch đầu tư hơn 110 tỷ USD trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đến năm 2030.
Tại thị trường châu Á, cuối tháng 2 vừa qua, ba dự án điện gió ngoài khơi của CIP tại Philippines (Bắc Samar, Pangasinan/La Union và Camarines Sur/Camarines Norte) với tổng công suất dự kiến 2 GW, đã được Hội đồng Đầu tư Philippines (BOI) cấp chứng nhận làn xanh.
Năm 2023, thông qua CIP GMF I, Bộ Năng lượng Philippines đã ký kết một loạt hợp đồng dịch vụ điện gió ngoài khơi có thời hạn 25 năm, biến CIP thành công ty đầu tiên tham gia phát triển điện gió ngoài khơi với 100% vốn sở hữu nước ngoài tại Philippines.
Giữa tháng 1/2024, CIP đã ra quyết định đầu tư cho một dự án điện gió trên bờ 300 MW tại Ấn Độ. Tại dự án này, CIP hợp tác cùng Viviid Renewables (Ấn Độ), nằm ở bang Karnataka, nơi có điều kiện gió thuận lợi, khả năng tiếp cận địa điểm tốt và vị trí kết nối lưới điện hiện có gần đó, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025.
Tại Việt Nam, CIP đã thành lập công ty liên doanh và 2 văn phòng đại diện để nghiên cứu phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, bao gồm Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn 3,5GW tại tỉnh Bình Thuận với tổng vốn đầu dự kiến là 10,5 tỷ USD.
Khánh An