Friday, 08/11/2024 | 10:34 GMT+7

Kiến trúc xanh xu thế xây dựng tương lai

13/06/2011

Trong một cuộc hội thảo về “Công nghệ xanh và kiến trúc”, ông Lê Thành Ân - Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM cho biết, chi phí năng lượng ở Việt Nam đã tăng lên hơn 15%/năm trong 2 năm qua. Theo dự báo của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) thì nguồn điện có thể thiếu từ 3-4 tỉ KWh trong năm 2011, trong khi lượng điện thiếu trong năm 2010 là 1 tỉ KWh.

Thời gian gần đây, giá điện tăng cùng với các chi phí trong xây dựng dẫn đến việc tăng cao chi phí vận hành trong các dự án xây dựng. Cùng xu hướng của các nước trên thế giới, ngành xây dựng Việt Nam trong thời gian tới sẽ dần tăng trưởng theo hướng ứng dụng những công nghệ xanh và bền vững.

Lợi ích kinh tế từ xây dựng xanh


Việt Nam đang đối đầu với những thách thức rất lớn về môi trường, nhu cầu sử dụng năng lượng hàng năm luôn tăng lên, việc phổ biến kiến thức và nhận thức môi trường cho hệ thống kiến trúc sư là việc cần thiết.


nha xanh.jpg


Trong một cuộc hội thảo về “Công nghệ xanh và kiến trúc”, ông Lê Thành Ân - Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM cho biết, chi phí năng lượng ở Việt Nam đã tăng lên hơn 15%/năm trong 2 năm qua. Theo dự báo của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) thì nguồn điện có thể thiếu từ 3-4 tỉ KWh trong năm 2011, trong khi lượng điện thiếu trong năm 2010 là 1 tỉ KWh. Ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam, 3 lĩnh vực mà ông ưu tiên quan tâm tại Việt Nam là giáo dục, quan hệ thương mại Việt - Mỹ và vấn đề môi trường.


Theo ông Tổng lãnh sự, hàng năm Chính phủ Mỹ đầu tư khoảng 300 tỷ USD vào tiết kiệm năng lượng và con số này có thể tăng lên 700 tỷ USD từ nay đến năm 2030. Do đó, xây dựng “xanh” không chỉ là một việc nên làm mà còn là một công việc kinh doanh tốt, trong tương lai gần, sẽ là một sai lầm nếu con người không xây dựng xanh. Đây cũng là cơ sở để những chủ đầu tư, công ty thương mại có thể tính được giá tốt vì được nhiều người tìm kiếm và các đơn vị thuê biết rằng chi phí năng lượng về lâu dài của họ sẽ thấp hơn và chất lượng môi trường trong ngôi nhà sẽ tốt hơn.


Theo ông Khương Văn Mười - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, các khu đô thị mới tại Việt Nam đang hướng đến những kiến trúc thân thiện với môi trường và đây cũng là chủ trương của Chính phủ Việt Nam, khuyến khích các kiến trúc sư khi thiết kế hướng đến công trình kiến trúc xanh, sử dụng vật liệu và những giải pháp trong thiết kế công trình bền vững. Phải có sự thống nhất giữa hoạch định, thiết kế, xây dựng và những sản phẩm được đưa vào sử dụng như nguồn điện, hệ thống nhiệt độ, hệ thống làm mát và trang trí tòa nhà.


Tiêu chuẩn cao ốc “xanh”


Những năm gần đây, công trình xanh là một trong những loại hình được khuyến khích phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo đó, công trình đạt tiêu chuẩn xanh trong xây dựng phải là những công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, đồng thời hạn chế tác động không tốt đến môi trường.


Đồng thời, “Cao ốc xanh phải là một cao ốc sử dụng hiệu quả hết tuổi thọ của dự án. Do đó, hệ thống điện trong cao ốc xanh phải đạt những tiêu chuẩn như: hệ thống năng lượng hiệu quả, thân thiện môi trường, an toàn tối đa cho người vận hành, thu hồi vốn đầu tư tốt hơn”, ông Andrew Chelliah – Giám đốc sản phẩm khu vực Đông Nam Á (Tập đoàn GE) nhận định.


Đại diện công ty TVS Design (Mỹ) cho rằng, các tòa nhà cao tầng trên thế giới tiêu thụ hơn 1/3 năng lượng của toàn cầu. Mục tiêu đến năm 2030, toàn bộ mọi công trình tại Mỹ sẽ giảm tối đa lượng CO2 thải vào môi trường là 0% (hiện tại đã giảm còn 12,1%).


Trên thế giới có hơn 60 quốc gia tham gia vào hệ thống công trình xanh với khoảng hơn 90.000 công trình đăng ký công trình xanh. Việt Nam là thị trường mới về kiến trúc xanh, còn thiếu nhiều sản phẩm để áp dụng trong những công trình xanh.


Tại Mỹ, các nhà thiết kế áp dụng các tiêu chuẩn công trình xanh dựa theo chứng nhận LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) trong thiết kế môi trường và năng lượng. Khi được chứng nhận LEED nghĩa là công trình đó sử dụng hiệu quả nguồn nước và năng lượng, thải ít khí CO2, tận dụng tốt các nguồn tài nguyên ở địa phương. Các chuyên gia trong ngành xây dựng cho rằng, chứng chỉ LEED mang lại nhiều lợi ích cho cả khách thuê và nhà đầu tư.


Đối với nhà đầu tư thì những tòa nhà đạt được chứng chỉ này sẽ có sự khác biệt đối với các dự án khác, tăng giá trị của bất động sản, tác động tích cực tới cộng đồng và môi trường…


Ở nước ta , hiện đã có một số đơn vị tiên phong trong việc hỗ trợ, đánh giá và cấp chứng chỉ cho các dự án đạt tiêu chuẩn xanh. Chẳng hạn như Hội đồng công trình xanh (VGBC) đã được Bộ Xây dựng Việt Nam chính thức công nhận vào tháng 3/2009. VGBC có các chức năng xây dựng một môi trường xây dựng xanh ở Việt Nam, cung cấp chứng chỉ Lotus cho các dự án. Lotus chú trọng đến quản lý công trình sau xây dựng và hệ sinh thái; việc sử dụng nguồn vật liệu địa phương, đặc biệt là chú ý đến người sử dụng công trình đó.


Với xu thế phát triển như hiện nay, trong tương lai, ngành xây dựng Việt Nam sẽ đón nhận nhiều tòa nhà xanh đạt chứng chỉ Lotus tại Việt Nam. Trong thời gian tới, các nhà đầu tư nội địa cần có tầm nhìn rộng hơn nữa để bảo đảm dự án của họ không những mang lại lợi nhuận cho chủ đầu tư, cho người sử dụng mà còn bền vững với thời gian.


Thúy Hằng